Friday, September 13, 2024

Giãn cách xã hội do Covid-19 không phải sự kiện bất khả kháng?

Sau gần 3 năm kết thúc giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhiều tranh chấp và hệ quả phát sinh liên quan trong thời gian này vẫn đang tiếp tục và còn nhiều tranh cãi.

Cho rằng thời gian thực hiện giãn cách xã hội không được coi là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đình chỉ giải quyết vụ án hành chính “khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” giữa người khởi kiện – bà Đỗ Thanh Thúy và người bị kiện là UBND TP.Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Giãn cách xã hội do Covid-19 không phải sự kiện bất khả kháng?

Dịch Covid-19 bùng phát, người dân thực hiện giãn cách xã hội

ẢNH: T.N

Theo diễn biến hồ sơ vụ án, ngày 28.2.2022, bà Thúy nộp đơn khởi kiện UBND TP.Bà Rịa về việc hoàn trả hồ sơ đăng ký biến động diện tích đất của gia đình bà. Tuy nhiên, tháng 4.2023, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng bà Thúy khởi kiện khi thời hiệu đã hết nên đình chỉ giải quyết vụ việc, đồng thời không xem xét nội dung khởi kiện.

Theo tòa, ngày 5.2.2021, UBND TP.Bà Rịa có văn bản hoàn trả hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thúy và gia đình. Ngày 8.2.2021, bà Thúy nhận được văn bản, nhưng đến ngày 28.2.2022, bà Thúy mới nộp đơn khởi kiện ra tòa, đã quá 1 năm kể từ ngày biết được hành vi hành chính của UBND TP.Vũng Tàu không chỉnh lý biến động xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận, mặc dù không có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng trong thời gian bà Thúy chưa nộp đơn khởi kiện do dịch Covid-19 kéo dài. Song HĐXX phân tích tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ ngày 19.7 – 16.10.2021. Từ ngày 8.2.2021 – 9.2.2022 là 1 năm và thời gian 3 tháng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nằm trong khoảng thời gian 1 năm thời hiệu khởi kiện hành vi hành chính.

“Tuy nhiên, thời gian này không rơi vào những ngày cuối cùng của ngày hết thời hiệu, do vậy bà Thúy vẫn có thể thực hiện quyền khởi kiện. Nên thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không được coi là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”, quyết định đình chỉ của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu.

Giãn cách xã hội là sự kiện bất khả kháng

Không đồng ý, bà Thúy nộp đơn kháng cáo yêu cầu hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính. Giữa tháng 8 vừa qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo tòa phúc thẩm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16. Trong khi đó, điều 12 Nghị quyết số 02/2011 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của luật Tố tụng hành chính nêu “thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện như thiên tai, dịch họa…”.

Vì vậy, tòa phúc thẩm xác định thời gian 2 tháng 27 ngày tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng giãn cách xã hội là sự kiện bất khả kháng do dịch Covid-19, sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện. Từ đó, thời hiệu khởi kiện trong vụ bà Thúy sẽ được tính lại, từ ngày 8.2.2021 – 8.5.2022. Ngày 28.2.2022, bà Thúy khởi kiện là vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

Tòa ‘mạnh dạn’ áp dụng lẽ công bằng, giảm 70% tiền thuê nhà

Ở một vụ kiện khác về tranh chấp hợp đồng thuê nhà tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), theo đó ngày 17.4.2020, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu TAND Q.Bình Thạnh tuyên chấm dứt hợp đồng thuê nhà từ ngày 1.4.2020; hợp đồng thuê là 48 tháng, từ ngày 1.1.2019, giá thuê gần 160 triệu đồng/tháng, mỗi năm tăng 10%.

Lý do yêu cầu chấm dứt, nguyên đơn cho rằng thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, và buộc bị đơn hoàn trả toàn bộ tiền cọc hơn 464 triệu đồng. Ngược lại, tháng 7.2020, bị đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn hoàn trả tiền thuê nhà chưa trả sau khi đã giảm từ 10 – 20%…

Xét xử sơ thẩm, TAND Q.Bình Thạnh nhận định theo hợp đồng thuê nhà giữa các bên, hợp đồng kết thúc trong trường hợp bất khả kháng, được giải thích là những hoàn cảnh không lường trước và không ngăn chặn được, quy định tại điều 156 bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên theo tòa, nguyên đơn yêu cầu chấm dứt hợp đồng từ ngày 1.4.2020 theo trường hợp bất khả kháng là không phù hợp. Bởi, để chấm dứt hợp đồng theo trường hợp bất khả kháng, nguyên đơn phải chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà không thể kinh doanh mới đủ điều kiện theo luật định. Còn việc chấm dứt hợp đồng của nguyên đơn thực chất là biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại, hạn chế thua lỗ chứ không phải ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Nhưng tòa án vẫn áp dụng điều 420 bộ luật Dân sự để cho các bên đàm phán sửa đổi hợp đồng khi có sự thay đổi về hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan, sau khi các bên đã giao kết hợp đồng… Và chính ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nguyên đơn. Vì vậy, theo tòa, nguyên đơn có quyền đàm phán sửa đổi lại hợp đồng trong thời gian hợp lý. Trường hợp các bên không thỏa thuận được việc sửa đổi thì có quyền yêu cầu tòa chấm dứt trong một thời gian xác định, nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

Theo thực tế việc bàn giao mặt bằng cho bị đơn kéo dài từ ngày 17.7 – 1.8.2020, hơn nữa, tại tòa, đại diện bị đơn đồng ý chấm dứt hợp đồng vào ngày 1.8.2020, nên HĐXX xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng là từ ngày 1.8.2020. Từ đó, tòa áp dụng lẽ công bằng theo bộ luật Dân sự để giảm 70% tiền thuê nhà cho nguyên đơn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và giảm 50% tiền thuê nhà trong tháng 5, 6, 7.2020 theo thỏa thuận các bên.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi