Saturday, September 14, 2024

Kiểm tra khó phát hiện sai phạm ở Mái ấm Hoa Hồng, do vướng luật?

Địa phương nhiều lần kiểm tra nhưng lại không phát hiện ra sai phạm ở Mái ấm Hoa Hồng, vậy nguyên nhân do luật quy định chưa chặt chẽ về thanh tra, kiểm tra?

Vì sao kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm?

Sau khi Thanh Niên đăng bài điều tra “Tội ác trong một mái ấm”, phản ánh tình trạng bạo hành trẻ em và trục lợi tại Mái ấm Hoa Hồng, theo bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND Q.12, TP.HCM, mái ấm này được thành lập năm 2023, người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương.

Kiểm tra khó phát hiện sai phạm ở Mái ấm Hoa Hồng, do vướng luật?

Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND Q.12 thông tin tại buổi họp báo

ẢNH: NGUYỄN ANH

Theo giấy phép, đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí có chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mồ côi, sống lang thang. Dù chỉ được cấp giấy phép hoạt động chỉ 39 trẻ nhưng tại thời điểm kiểm tra ngày 4.9, cơ sở này có đến 86 trẻ, vượt 47 trẻ.

Bà Chính cho biết, trước đó, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 cùng các đơn vị liên quan đã kiểm tra định kỳ mái ấm 2 lần vào tháng 10.2023 và tháng 4.2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.12 giám sát hồi tháng 7.2024 nhưng không phát hiện sai phạm về số lượng trẻ vượt và hành vi bạo hành. Cũng theo Phó chủ tịch Q.12, khi kiểm tra thường xuyên thì phải có kế hoạch, đồng thời phải báo trước cho chủ cơ sở nên sẽ khó phát hiện ra sai phạm.

Công an đang làm việc với chủ cơ sở để làm rõ nguồn gốc 47 trẻ ở đâu ra và xem xét có yếu tố trục lợi hay không.

Cơ quan nào được cấp phép, quản lý mái ấm?

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Viên An, phân tích, tại điều 49 và 50 Nghị định số 103 năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước đối với cơ sở trợ giúp xã hội (thường được là mái ấm) trong phạm vi cả nước.

Đồng thời, Bộ này còn có trách nhiệm hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và định mức nhân viên tại cơ sở trợ giúp xã hội; tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp và cộng tác viên làm việc tại cơ sở; quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội của cơ sở; kiểm tra, thanh tra hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho viên chức và cộng tác viên của cơ sở…

Kiểm tra khó phát hiện sai phạm ở Mái ấm Hoa Hồng, do vướng luật?

Công an kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng (P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) sáng 4.9

ẢNH: UYỂN NHI

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quản lý nhà nước đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý và tổng hợp, báo cáo Bộ LĐ-TB-XH về tình hình hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội.

UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở mái ấm trên địa bàn. Theo đó, ủy ban các cấp có trách nhiệm bố trí kinh phí hoạt động của các cơ sở công lập; bố trí kinh phí nuôi dưỡng các đối tượng; rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ sở trên địa bàn bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động. Đồng thời, ủy ban còn có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đủ điều kiện.

Quy trình thanh tra, kiểm tra thế nào?

Theo điều 49 Nghị định số 103 năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm “kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội”.

Thanh tra có 2 hình thức thực hiện: thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Theo điều 59 luật Thanh tra 2022, đối với thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp. Đối với thanh tra đột xuất, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp.

Đồng thời, tại điều 65 luật Thanh tra 2022 còn quy định: địa điểm, thời gian làm việc của đoàn thanh tra phải được thông báo trước đến đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, việc thanh tra định kỳ, hay đột xuất đều phải được thông báo trước đến đối tượng thanh tra.

Tuy nhiên, đối với hình thức thanh tra đột xuất, trong trường hợp “phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay, thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản về hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra” (khoản 4 điều 59 và khoản 3 điều 64 luật Thanh tra 2022).

“Do đó, trong trường hợp trên, cơ quan thanh tra không phải báo trước về thời gian, địa điểm làm việc, mà có thể công bố quyết định thanh tra khi lập biên bản vi phạm”, luật sư Huyền Trang nhấn mạnh.

Cũng theo điều 46 luật Thanh tra 2022, việc thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

Cần quy định bắt buộc lắp camera

Theo luật sư Huyền Trang, nếu phát hiện trong quá trình hoạt động, cơ sở mái ấm không bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian tối đa 6 tháng để kiện toàn các điều kiện hoạt động.

Căn cứ vào điều 32 Nghị định 103 năm 2017, khi phát hiện giấy phép hoạt động được cấp cho cơ sở mái ấm không đúng quy; mái ấm thay đổi mục đích hoạt động không theo quy định, vi phạm nghiêm trọng các hoạt động; hết thời hạn quy định không hoạt động, hoặc vẫn không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

“Hiện, pháp luật Việt Nam chưa quy định bắt buộc cụ thể về việc lắp đặt hệ thống camera tại các cơ sở bảo trợ mái ấm. Đây là lỗ hổng lớn nhất cho các vi phạm xảy ra. Theo tôi, đã đến lúc pháp luật cần điều chỉnh, hoặc có quy định bắt buộc các mái ấm phải lắp đặt camera trước khi được cấp phép”, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự, nói.

Kiểm tra khó phát hiện sai phạm ở Mái ấm Hoa Hồng, do vướng luật?

Cần phải có quy định bắt buộc các mái ấm phải lắp đặt camera trước khi được cấp phép

ẢNH: UYỂN NHI – TRẦN DUY KHÁNH

Luật sư Bích Liên phân tích thêm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, chia sẻ thông tin và phối hợp giám sát liên tục. Ví dụ, cơ quan lao động, y tế, giáo dục cần hợp tác với nhau để tiến hành thanh tra toàn diện tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

“Theo tôi, các cơ sở mái ấm phải được giám sát chặt chẽ. Cần tăng cường thanh tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở bảo trợ để phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi vi phạm”, luật sư Bích Liên đề xuất.

Cũng theo luật sư Bích Liên, sau khi phát hiện vi phạm, cần có cơ chế xử lý nhanh chóng, quyết liệt và công khai để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa tình trạng tái diễn và làm gương cho các cơ sở khác. Đồng thời, phải tăng cường vai trò giám sát của toàn xã hội để giúp giảm thiểu các vi phạm và tăng cường tính minh bạch.

10 trẻ em sinh trẻ em: Cần xử lý đối tượng xâm hại tình dục

Theo thông tin tới thời điểm này, quá trình kiểm tra tại Mái ấm Hoa Hồng, có tới 10 trẻ em có mẹ là trẻ em. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hồng, Trưởng văn phòng luật sư Hồng Tâm Đức, cho rằng đã có các dấu hiệu xâm phạm tình dục trẻ em. Vì thế, cần điều tra làm rõ đối với các trường hợp này để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Các đối tượng xâm phạm tình dục trẻ em, có thể bị xử lý tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (điều 142 bộ luật Hình sự), có mức án lên đến 20 năm tù, tù chung thân, hoặc tử hình. Ngoài ra, đối tượng xâm hại cũng có thể bị xử lý về tội “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (điều 145 bộ luật Hình sự), mức hình phạt lên đến 15 năm tù.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Tình thương của mẹ hổ
Truy Tìm Bằng Chứng 2
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi