Tuesday, November 26, 2024

Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác có bị phạt?

Chuyên gia pháp luật cho biết, người dân không nên cho người khác mượn BHYT để đi khám chữa bệnh cũng như không khám chữa bệnh bằng BHYT của người khác, vì không chỉ bị xử phạt mà có thể bị xử lý hình sự mức án cao nhất là 10 năm.

Một bạn đọc của Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Người tham gia bảo hiểm y tế có thể cho người khác mượn bảo hiểm y tế (BHYT) không? Khi đi khám chữa bệnh BHYT, người dân sử dụng bảo hiểm y tế của người khác có được không? Nếu người dùng thẻ BHYT của người khác sẽ bị xử lý như thế nào?
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác có bị phạt?

Thẻ bảo hiểm y tế

ẢNH: NGỌC LÊ

Theo quy định tại điều 37 luật BHYT 2008 quy định về nghĩa vụ của người tham BHYT phải có nghĩa vụ sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ. Như vậy, khi đi khám chữa bệnh BHYT thì người dân không được sử dụng BHYT của người khác.

Theo khoản 1 điều 84 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám, chữa bệnh. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại quỹ BHYT; bị phạt từ 1 triệu đồng – 2 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại quỹ BHYT.

Sử dụng thẻ bảo hiểm của người khác, có thể bị phạt tù đến 10 năm

Luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết thêm, người có hành vi sử dụng thẻ BHYT của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHYT.

Cụ thể, người nào lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng – 10 năm tùy vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm – 5 năm.

Theo luật sư Trang, trường hợp nếu sử dụng thẻ BHYT của người khác, người vi phạm phải khắc phục hậu quả khi bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 84 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người vi phạm buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có) đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến BHYT.

Luật sư Trang nhấn mạnh: “Để tránh xảy ra những hậu quả không mong muốn, người dân phải khám bệnh bằng thẻ BHYT chính chủ, không được mượn BHYT của người khác đi khám bệnh, cũng không cho ai mượn BHYT của mình”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img