Tuesday, September 17, 2024

Doanh nghiệp lúng túng chuẩn bị ứng phó với CBAM

Với những cơ chế mới như CBAM, doanh nghiệp sẽ rất lúng túng trong việc tìm hiểu các thông tin và chuẩn bị ứng phó với CBAM.

Bà Nguyễn Hồng Loan, Chuyên gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM thông tin, đầu năm 2013 – thời điểm trước khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp, dự án thực hiện khảo sát đánh giá nhận thức của doanh nghiệp và theo kết quả, nhận thức của doanh nghiệp còn thấp.

Doanh nghiệp lúng túng chuẩn bị ứng phó với CBAM

Ở giai đoạn chuyển tiếp, CBAM tập trung vào các nhóm hàng hoá có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất, trong đó có sắt thép

Hiện nay, khi CBAM được thực thi, nhận thức của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Ngoại trừ một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chịu tác động trực tiếp có sự chuẩn bị nghiêm túc để ứng phó, còn lại doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ, chính xác về CBAM.

Minh chứng cho nhận định trên, bà Nguyễn Hồng Loan thông tin, không ít doanh nghiệp cho rằng hàng hóa xuất khẩu phải vượt ngưỡng phát thải do châu Âu quy định mới phải chịu tác động của CBAM. Nhưng, thực tế CBAM bao trùm về phát thải lên toàn bộ quy trình sản phẩm.

Hay có doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành lúa gạo, nhựa liên hệ đến dự án để được tư vấn và chuẩn bị cho việc ứng phó với CBAM. Tuy nhiên, theo quy định, trong giai đoạn chuyển tiếp, CBAM tập trung vào các nhóm hàng hoá có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất, gồm có xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydro và điện. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hay nhựa chưa phải là đối tượng chịu tác động trong thời gian ngắn hạn.

Liên quan đến lộ trình thực hiện, không ít doanh nghiệp có phản ứng thái quá, lo lắng về việc áp dụng CBAM sẽ phải chịu giá carbon bằng với giá carbon của châu Âu. Bà Nguyễn Hồng Loan lý giải, giá carbon áp dụng cho chứng chỉ CBAM được điều chỉnh theo tỷ lệ phân bổ hạn ngạch miễn phí trên thị trường carbon của châu Âu. Việc điều chỉnh cũng được thực hiện theo lộ trình tăng dần từ năm 2026 đến năm 2034, nếu nước xuất khẩu có áp dụng định giá carbon trong nước thì giá phải chi trả cho chứng chỉ CBAM có sự bù trừ và điều chỉnh.

Doanh nghiệp lúng túng chuẩn bị ứng phó với CBAM

Các thị trường ngày càng có nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn mới, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nghiêm túc tìm hiểu, chuẩn bị dựa trên đầu mối hướng dẫn cụ thể

Chuyên gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cũng cho rằng, với những cơ chế mới như CBAM, việc doanh nghiệp lúng túng để tìm hiểu các thông tin và chuẩn bị phản ứng của mình là điều dễ hiểu. Bởi, doanh nghiệp không thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính cho sản phẩm sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu.

Ngược lại, thiếu hướng dẫn cụ thể từ cơ quan đầu mối chính thức, doanh nghiệp tự tìm hiểu, nghiên cứu sẽ rơi vào tình trạng loay hoay lúng túng. Chỉ riêng kiểm kê khí nhà kính có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau như tiêu chuẩn ISO 14064, ISO 14067, các hướng dẫn của Thông tư về kiểm kê khí nhà kính của Bộ Công Thương cho thị trường carbon trong nước… Doanh nghiệp có thể mất rất nhiều thời gian công sức để chuẩn bị nhưng khó có thể đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lãng phí, không hiệu quả.

Ngoài ra, không loại trừ việc doanh nghiệp vội vã mua tín chỉ carbon để chuẩn bị việc phản ứng với CBAM. Trong khi đó, các yêu cầu, hướng dẫn của châu Âu chưa rõ ràng, chưa có sự công nhận liên quan đến cơ chế giá carbon và bù trừ tín chỉ khiến cho việc chuẩn bị của doanh nghiệp không có định hướng, thậm chí gây thiệt hại về mặt tài chính…

Do đó, bà Nguyễn Hồng Loan cho rằng, với những quy định mới, yêu cầu chi tiết của CBAM, một mặt doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, mặt khác cần có các kênh đầu mối chính thức nhằm tuyên truyền, hướng dẫn về các quy định cụ thể của CBAM hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chuẩn bị thực thi.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi