Wednesday, September 18, 2024

Bộ trưởng Lê Văn Hiến bảo quản công quỹ ‘Tuần lễ Vàng’ – chuyện xưa nhắc lại

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến (15.9.1904 – 15.11.1997), xin điểm lại quá trình bảo quản công quỹ “Tuần lễ Vàng” do Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đứng đầu qua những tư liệu lịch sử.

TỪ ‘CHUYẾN CÔNG CÁN ĐẶC BIỆT’

Ngày 1.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh trao công vụ cho Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến lên đường làm “Đặc phái viên của Chính phủ đi các tỉnh và chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ”. Ngày 6.2.1946, trên đường kinh lý từ Nam bộ trở ra Khánh Hòa, Đặc phái viên Lê Văn Hiến gặp ông Phan Đức Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Viên (nay là Lâm Đồng). Đà Lạt vừa bị Pháp tấn công, bộ đội ta phải rút. Ủy ban cũng rút theo bộ đội. Ông Huy cho biết có đem theo một số vàng của nhân dân quyên góp ủng hộ Chính phủ trong “Tuần lễ Vàng”. Ông muốn nhờ Bộ trưởng Lê Văn Hiến tiếp nhận số vàng đem về cho Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến bảo quản công quỹ 'Tuần lễ Vàng' - chuyện xưa nhắc lại

Dâng hương tưởng niệm cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến

Ảnh: Kiều Mai Sơn

Đặc phái viên Chính phủ Lê Văn Hiến cùng ông Phan Đức Huy làm giấy bàn giao số vàng. Bên nhận, Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã đưa toàn bộ số vàng của nhân dân Lâm Viên ra Hà Nội. Số vàng này được bàn giao cho Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) tiếp nhận.

Trước đó, điện ngày 19.1.1946 từ Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, cho biết: “Tôi đã đi thăm huyện Phan Lý Chàm, một huyện của người Chàm trước đây đã cúng cho Chính phủ một cái mũ bằng vàng. Mũ ấy là một bửu vật rất thiêng liêng đối với người Chàm, do một vị vương Chàm để lại. Họ đã hết sức giữ gìn trong khoảng ba bốn trăm năm, mặc dầu đã nhiều lần người Pháp muốn chiếm đoạt. Tuy là một vật rất quý báu của ông bà để lại mà họ hết sức tôn kính thờ phụng, ngày nay thấy Chính phủ Việt Nam cần vàng để chống ngoại xâm, toàn thể dân chúng đã hăng hái đem vật báu ấy giúp cho Chính phủ. Thật là một cử chỉ vô cùng cảm động của dân chúng”.

Từ một sự kiện ngẫu nhiên đến những ngày kinh lý khi tiếp nhận vàng của nhân dân tỉnh Lâm Viên quyên góp, ông Lê Văn Hiến đã có “duyên” với số vàng quyên góp của nhân dân cả nước trong “Tuần lễ Vàng” khi trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính.

ĐẾN SỬ DỤNG VÀNG TRONG KHÁNG CHIẾN

Gần 80 năm đã qua, sự kiện “Tuần lễ Vàng” ở Việt Nam đã khiến cho không chỉ các nhà viết sử mà ngay nhân dân cũng không quên được tấm lòng của toàn dân hồi đó, nhất là các gia đình có của ăn của để, có tấm lòng hằng tâm hằng sản. Trong ký ức của nhiều người vẫn nhớ: Từ kho vàng dự trữ của triều đình nhà Nguyễn, sau khi tuyên bố thoái vị, Bảo Đại – ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn – đã cúng vàng góp vào ngân khố quốc gia; đủ loại hộp đồ nữ trang của những bà, những cô, những gia đình giàu có; từ đôi nhẫn vàng của cặp vợ chồng mới cưới; đến cả một chỉ vàng của những người đi ở đợ như anh bếp, anh xe, đến cô sen giúp việc trong các nhà giàu có cũng mang ra hiến tặng Chính phủ trong “Tuần lễ Vàng”.

Sau khi Chính phủ Liên hiệp được Quốc hội thông qua (2.3.1946), ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Qua chức trách của mình, ông Hiến kiêm quản việc sử dụng số vàng toàn dân quyên góp trong “Tuần lễ Vàng”: 370 kg vàng. Nhật ký của ông đã giúp vào việc minh định cho hậu thế biết Chính phủ đã sử dụng số vàng đó ra sao.

Trong kháng chiến, khi tình hình kinh tế ở vùng căn cứ địa hết sức khó khăn: “Tình hình thóc gạo rất đáng lo. Bộ đội và các cơ quan đã thực hiện chính sách tiết kiệm gạo, chúng mình ăn mỗi ngày 2 bữa cháo và một bữa cơm để bớt được một số gạo và cũng bớt tiền mua thức ăn”. Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng đã học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thư cứu đói” năm 1945: Tự giác bớt ăn, chịu đói để có dư gạo ra.

Song những cách làm đó đã gỡ được thế bí hiện nay chưa? Đã nên dùng đến vàng dự trữ chưa? Nhật ký ngày 1.8.1949 Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi: “Cho kiểm điểm [kiểm đếm] số vàng hiện có để dự bị cho Bộ Quốc phòng tổ chức việc mua hàng khi biên giới mở. Tổng số vàng còn lại không nhiều mà phải chia năm, sẻ bẩy. Bộ Quốc phòng cần, các cơ quan khác cũng cần”.

Không chỉ quốc phòng cần mà hoạt động đối ngoại cũng cần kinh phí. Phái đoàn phụ nữ Việt Nam đi dự Hội nghị phụ nữ Á châu họp tại Bắc Bình (tức Bắc Kinh) cũng cần tới vàng làm lộ phí và chi tiêu khi ở nước ngoài. Nhưng vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa cho phép Bộ Tài chính đụng đến kho vàng.

Cuối năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho Bộ Tài chính mở kho vàng. Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi trong nhật ký ngày 28.12.1949:

“Cho các chú mở hòm vàng. Chôn đã gần ba năm nên hòm đựng đã hỏng nát, vàng trộn lẫn với đất. Cho rửa và lựa chọn. Đủ các thứ: nhẫn, vòng, hoa tai, khuyên, chuỗi hạt, v.v. bao nhiêu đồ tư trang của dân chúng đã góp vào quỹ độc lập, vào tuần lễ vàng ngày nay ai trông thấy cùng phải cảm động. Bao nhiêu cử chỉ tốt đẹp của nhân dân dồn trong đống vàng này. Cần đun nấu và đúc thành khối để đưa ra dùng chủ yếu cho quốc phòng để kịp thời cơ. Thời cơ đã đến – của dùng rất đúng lúc”.

Chuyện xưa nhắc lại để chúng ta cùng soi vào hôm nay, khi cán bộ nhà nước sử dụng công quỹ lãng phí và tham nhũng công quỹ với những con số đáng sợ! Chính cụ Lê Văn Hiến sau khi nghỉ hưu cũng đã tâm sự: “Nhìn cuộc sống và việc làm của cán bộ, chiến sĩ, dân rất thương quý, nên dân đóng góp rất hăng hái… Nếu như hồi đó dân thấy cán bộ phè phỡn, ăn trên ngồi trốc, hoặc sử dụng công quỹ bừa bãi, lãng phí thì làm sao dân hăng hái, tự nguyện đóng góp được? Cho nên thanh liêm, không tham ô, không lãng phí là những điều kiện rất quan trọng không những đối với chi, mà còn hết sức quan trọng đối với thu nữa. Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm không những trong thời chiến, mà cả trong thời bình, hiện nay và sau này”. (Lời tựa – Nhật ký của một Bộ trưởng).

Nhà trí thức cách mạng Lê Văn Hiến sống mãi cùng hậu thế

Đó là nhận định của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử (KHLS) TP.Đà Nẵng, tại tọa đàm “Nhà trí thức cách mạng Lê Văn Hiến với sự nghiệp giải phóng dân tộc” kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Quận ủy Ngũ Hành Sơn, Hội KHLS TP.Đà Nẵng tổ chức ngày 12.9.2024.

Tại tọa đàm, ý kiến đề xuất tập hợp các tác phẩm, nhật ký, thư từ, tư liệu để xuất bản Tổng tập tác phẩm Lê Văn Hiến được nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, tán thành. Ông Quốc mong rằng Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng cùng gia đình quan tâm đến đề xuất này.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi