Wednesday, November 27, 2024

Tìm giải pháp phát triển cải lương tuồng cổ

Buổi tọa đàm về cải lương tuồng cổ (do Sở VH-TT và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức tại Nhà hát Trần Hữu Trang sáng 18.9) kéo dài 4 tiếng đồng hồ vẫn chưa nói hết ý kiến của những người trong cuộc.

Hiện nay trong lúc cải lương truyền thống đứng trước khó khăn chung, lâu lâu mới xuất hiện, thì cải lương tuồng cổ có vẻ nhộn nhịp hơn, ra mắt vở mới thường xuyên, vé bán ra khá tốt. Những đơn vị giữ được hoạt động này là đoàn Huỳnh Long, đoàn Minh Tơ, sân khấu Chí Linh-Vân Hà, sân khấu của Lê Nguyễn Trường Giang, của Kim Tử Long. Tất cả đều là sân khấu xã hội hóa, tự bươn chải để sáng đèn thì cũng là điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng đang xuất hiện một số vấn đề khiến mọi người suy nghĩ.
Tìm giải pháp phát triển cải lương tuồng cổ

(Từ trái sang) Các nghệ sĩ Xuân Trúc, Tú Sương và Thanh Thảo trong trích đoạn Câu thơ yên ngựa diễn tại buổi tọa đàm sáng 18.9

ẢNH: H.K

Đầu tiên, buổi tọa đàm nhắc lại hai chữ “tuồng cổ”, mà theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, “đó là đóng góp rất lớn của NSND Thanh Tòng sau 1975. Bởi tránh né chữ “hồ quảng” mà các đoàn chuyển sang viết và dựng các kịch bản sử Việt, từ đó gọi tên “tuồng cổ” cho dễ chấp nhận”. Thực tế, trong buổi tọa đàm này, khán giả được xem một trích đoạn trong vở Câu thơ yên ngựa do Thanh Tòng sáng tác và dàn dựng đã trở thành mẫu mực của đoàn Minh Tơ và của cả làng cải lương. Ai cũng công nhận vở thật hấp dẫn, xem đi xem lại mấy chục lần trong suốt gần nửa thế kỷ mà vẫn xúc động. Điều này chứng tỏ tuồng cổ có sức chinh phục không thể chối cãi. Nối tiếp sau đó là xu hướng sáng tác kịch bản sử Việt bùng nổ, và nghệ sĩ Bạch Mai của đoàn Huỳnh Long là tên tuổi sáng giá theo sau Thanh Tòng với hàng loạt kịch bản rất hay.

Nhưng rồi mọi thứ lắng xuống khi nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Sân khấu TP.HCM, cho rằng: “Mấy năm gần đây, cải lương tuồng cổ đã trở lại như cũ, nghĩa là chất hồ quảng chiếm lĩnh từ kịch bản cho tới âm nhạc, trang phục, có khi lấy một bộ phim viết lại thành vở diễn”. Và cứ mỗi mùa tết thì lịch diễn của các đoàn tuồng cổ dày đặc từ mùng 1 tới rằm cũng toàn tích truyện Tàu với sự đầu tư quy mô, không khỏi làm giới nghệ thuật băn khoăn.

Nhưng từ băn khoăn tới tìm ra giải pháp không phải là đơn giản. NSND Trần Minh Ngọc nói: “Cần loại những yếu tố không đúng với hồn cốt dân tộc, đó là nhạc hồ quảng”. Và NSND Quế Trân đã minh chứng một cách thuyết phục, ngay trong trích đoạn Câu thơ yên ngựa khán giả vừa xem đã có điệu Lý cây bông mà NSND Thanh Tòng cài vào một cách tài tình, và nhạc sĩ Đức Phú đã biến tấu đầy sáng tạo nhưng vẫn hoàn toàn ăn khớp với tuồng cổ. NSƯT Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, tiếp lời: “Kho tàng bài bản cải lương của chúng ta rất phong phú, nếu có tài thì sẽ vận dụng hợp lý để bớt đi những bài bản hồ quảng”.

Nhưng thế hệ trẻ có làm được như Thanh Tòng, Đức Phú, Thanh Dũng của tuồng cổ ngày xưa? Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức cho rằng: “Phải đầu tư đào tạo lực lượng nòng cốt là con của những nghệ sĩ tuồng cổ đang muốn theo nghề cha mẹ. Còn âm nhạc do nhạc sĩ Đức Phú sáng tác, biến tấu để những bài bản hồ quảng mang âm hưởng Việt thì cần ký âm lại phổ biến rộng rãi”.

Song, khó khăn nhất vẫn là kinh phí để các đoàn xã hội hóa sống được. Một thực tế là khi dựng tuồng tích Tàu thì dễ bán vé vì đầy màu sắc, còn dựng tuồng sử Việt luôn ít khách hơn, có khi bị lỗ. Nhiều người mong nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí để các tuồng sử Việt được diễn trong trường phổ thông, đại học, như vậy đoàn cầm cự được mà khán giả trẻ cũng được học sử một cách thú vị.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img