Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, các cựu lãnh đạo của SCB nghẹn lời trước tòa thừa nhận chính mẹ, dì, anh chị em, người thân trong gia đình của mình cũng là bị hại trong vụ án.
Được HĐXX thẩm vấn trong chiều 20.9, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phụ trách tín dụng và xử lý nợ) thừa nhận hành vi như cáo trạng.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Dung đã tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) và nhận phương án dòng tiền khống do Trịnh Quang Công (cựu Giám đốc Công ty Acumen), Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty SPG), sau đó chỉ đạo Bùi Anh Dũng (cựu Giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống SCB, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, đồng phạm giúp sức chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại.
Công bố cáo trạng giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan ‘tội chồng tội’
Trình bày tại tòa, bị cáo Dung thừa nhận đã tiếp nhận chỉ đạo này từ Trương Khánh Hoàng. Bị cáo Dũng nói rằng biết bị cáo Hoàng nhận chủ trương từ Trương Mỹ Lan và Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB, đã mất).
“Tháng 6.2020, Trương Khánh Hoàng về quản lý thay chị Hồng và có nói với bị cáo phân bổ công việc lại cho các chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành, Cống Quỳnh. Khi nào nhóm Nguyễn Phương Anh phát sinh giao dịch, bị cáo Dung sẽ phân bổ cho các chi nhánh. Sau đó, bị cáo Dung đã lập 3 nhóm Telegram để khi nào nhóm Nguyễn Phương Anh cần thực hiện giao dịch sẽ nhắn các chi nhánh thực hiện”, bị cáo Dung thừa nhận.
Bị cáo Dung khai, chỉ tiếp nối công việc do nhóm Nguyễn Phương Hồng thực hiện từ trước. Không bàn bạc với Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh và không lên phương án dòng tiền và không biết dòng tiền như thế nào.
Bị cáo Dung cho rằng, khi Nguyễn Phương Anh lên dòng tiền xong bị cáo chỉ nhắn tin nhờ các chi nhánh thực hiện giao dịch, không chỉ đạo trực tiếp. Bị cáo chỉ nhắn tin nhờ các chi nhánh thực hiện giao dịch cho Nguyễn Phương Anh, không chỉ đạo trực tiếp, chỉ trao đổi chung chung, không nắm rõ nội dung giữa các bên.
Phát hành trái phiếu, rồi dùng tiền đó sử dụng mục đích khác là sai
Trình bày tại tòa, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) cho biết, khoảng tháng 8.2020, Nguyễn Phương Hồng điện thoại cho bị cáo nói “sếp” là Trương Mỹ Lan muốn giải ngân vì gói trái phiếu của An Đông sắp hết hạn. Thời điểm này, bị cáo nói ngân hàng đang khó khăn vì bị thanh tra, hạn mức tín dụng đang bị siết, nên Nguyễn Phương Hồng nói phải tìm công ty để phát hành trái phiếu mới để trả lãi trái phiếu Công ty An Đông.
Bị cáo Hoàng thừa nhận, việc trả lãi trái phiếu khiến bị cáo “sốt ruột” nên đã nói với Trịnh Quang Công tìm một công ty phát hành trái phiếu nên Công mới đề xuất Công ty Setra. Bị cáo đã đồng ý vì công ty này từng phát hành trái phiếu thành công và yêu cầu Công phối hợp Hồng thực hiện.
Trương Khánh Hoàng trình bày thêm, trước khi về SCB, từng làm ở công ty bất động sản, nên chưa đủ am hiểu về kinh tế, tài chính và không nắm rõ những điều lệnh dòng tiền, chuyển tiền… Mục đích phát hành trái phiếu Công ty Setra dùng trả lãi cho trái phiếu Công ty An Đông và cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cụ thể là Trương Mỹ Lan.
Khi được HĐXX hỏi về nhận thức, bị cáo Hoàng cho biết, việc phát hành trái phiếu rồi sử dụng tiền cho mục đích khác là sai, rất ăn năn hối hận.
“Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ mức án cho các bị cáo đã bị xét xử giai đoạn 1 với mức án nặng. Bị cáo cũng rất ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có cả mẹ và dì của bị cáo cũng mua trái phiếu”, bị cáo Hoàng nói.
Theo cáo buộc, Trương Khánh Hoàng được Nguyễn Phương Hồng thông báo chủ trương của Trương Mỹ Lan chọn Công ty Setra phát hành trái phiếu có giá trị 2.000 tỉ đồng để lấy tiền trả tiền lãi của 3 gói trái phiếu do Công ty An Đông phát hành. Trương Khánh Hoàng đã chỉ đạo Trịnh Quang Công phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh lên phương án chạy dòng tiền khống tạo lập nhà đầu tư sơ cấp, phát hành trái phiếu giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại.
Tương tự, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành) đã chỉ đạo các nhân viên đi lệnh nộp tiền, chuyển, nộp, rút tiền khống giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan, giúp sức cho bị cáo Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại.
Về trách nhiệm của bị cáo, bị cáo Dũng cho rằng, bị cáo hoàn toàn chịu trách nhiệm, việc phát hành trái phiếu bị cáo nghĩ là bình thường, bị cáo còn kêu vợ, dì, anh chị em họ hàng, bạn bè mua trái phiếu tại đây vì lúc đó bị cáo không ý thức được việc phát hành trái phiếu là sai.
Lấy tiền bán trái phiếu để chuyển ra nước ngoài
Đối với 29 bị cáo trong nhóm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo cáo trạng, từ năm 2018 – 2020, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo của 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP đầu tư Quang Thuận, Công ty CP đầu tư – phát triển Sunny World, và Công ty Setra, chiếm đoạt hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 nhà đầu tư, đến nay dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, thủ đoạn là tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua toàn bộ số lượng trái phiếu của 4 công ty phát hành để đảm bảo điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư theo quy định, nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục ngàn người dân để huy động tiền sử dụng vào mục đích khác nhau.
Cách thức tạo dòng tiền khống cho 8 công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua trái phiếu, là các bị cáo liên quan sử dụng các công ty “ma” và các cá nhân được thuê đứng tên làm giám đốc, tổng giám đốc, sở hữu cổ phần, đứng tên các khoản vay, ký khống chứng từ, tài liệu, phối hợp các bị cáo tại SCB thực hiện các giao dịch nộp, rút tiền mặt, chuyển tiền tại SCB, tạo ra dòng tiền khống hơn 30.869 tỉ đồng (không có tiền mặt).
Theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đối tượng đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền cho các cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền. Sau đó, dùng tiền bán trái phiếu vào các mục đích như trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của Trương Mỹ Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Nguồn: thanhnien.vn