Saturday, September 28, 2024

Sóc Trăng: Tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp

Sóc Trăng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, đồng hành cùng doanh nhân, DN vượt qua khó khăn, phát triển bền vững…

Sóc Trăng: Tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp

Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định: Sóc Trăng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050.

– Thưa ông, Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới là “điểm tựa” thúc đẩy cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Ông có thể chia sẻ đôi nét về kế hoạch của Sóc Trăng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 41?

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chương trình số 57-CTr/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đưa đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng phát triển, có bản lĩnh, kiến thức hội nhập quốc tế, phát huy tinh thần yêu nước, có trách nhiệm với xã hội, thượng tôn pháp luật và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Sóc Trăng có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu CNH – HĐH của tỉnh; tiếp tục duy trì lĩnh vực sản xuất chế biến thủy, hải sản, thực phẩm thuộc Top đầu cả nước. Đến 2030, Sóc Trăng tăng thêm khoảng 2.500 doanh nghiệp, trong đó, hơn 70% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; trên 5% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, có tiềm lực, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của tỉnh. Các doanh nghiệp có tiềm lực tập trung vào thế mạnh chủ yếu của tỉnh là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu gạo, thủy sản.

Tầm nhìn đến 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu phát triển, có vị thế, uy tín trong nước và quốc tế; một số doanh nghiệp có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chủ công nghệ trong công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

– Ông có thể phác thảo đôi nét về bức tranh doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng có sự phát triển về số lượng và chất lượng, khẳng định được vai trò, vị trí và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh của tỉnh. Trong đó, có một số doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thủy, hải sản thuộc Top đầu cả nước, phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

Sóc Trăng hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã tích cực đồng hành, chia sẻ cùng với tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội, giải quyết việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

Sóc Trăng: Tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

– Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của tỉnh nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, năng động, sáng tạo, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Chương trình số 57-CTr/TU đã nhấn mạnh đến nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh khởi nghiệp, phát triển và cống hiến. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu duy trì kết quả xếp hạng chỉ số PCI hằng năm của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố quản lý, điều hành tốt.

Cùng với việc tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, Sóc Trăng tiếp tục duy trì họp mặt doanh nghiệp, cà phê cùng doanh nghiệp, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, chia sẻ, động viên và hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sóc Trăng cũng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của hiệp hội trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân; lắng nghe, tập hợp, phản ảnh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp…

Đây là những tiền đề quan trọng, khẳng định sự đồng hành của chính quyền tỉnh với các doanh nhân, doanh nghiệp, tạo nền tảng giúp doanh nghiệp triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050.

– Trân trọng cảm ơn ông!

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi