Với bộ đôi tác phẩm “Thanh âm Hà Nội” và “Cô đơn giữa Hà Nội” giới thiệu tới người yêu nhạc vào ngày 26/9, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gửi gắm lời tri ân và tình cảm của mình tới mảnh đất Thủ đô – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm – nơi một người con Hà Nội như anh luôn có những hoài cảm trước một Hà Nội đổi thay từng ngày.
Đây cũng là món quà âm nhạc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của nhạc sĩ.
Với nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung vẻ đẹp của Hà Nội luôn nằm ở những khoảnh khắc nhỏ bé nhất, ở những cảm nhận bất chợt nhất.
Ca khúc “Cô đơn giữa Hà Nội”
Trong “Cô đơn giữa Hà Nội”, những ca từ mở đầu là những tiếng rao – là những thanh âm của phố phường Hà Nội từ xưa đến nay đã tô điểm cho Hà Nội thêm phần thi vị. Những tiếng rao cất lên từ những con người mưu sinh rong ruổi trên phố phường Hà Nội. Nhưng ở những sự ồn ào náo nhiệt đó vẫn có những khoảng lặng trong tâm hồn người nghệ sĩ. Lời ca mộc mạc, giản dị hòa trong âm thanh của tiếng đàn guitar, giọng hát của ca sĩ Huy Chiến (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) khi da diết, lúc tự tình nói lên tâm sự của người nhạc sĩ đôi khi thấy cô đơn, lạc lõng trước những ồn ào của âm thanh, náo nhiệt của đô thị Hà Nội đang đổi thay từng ngày.
Nếu ở bài hát “Cô đơn giữa Hà Nội” được nhạc sĩ viết ở giọng thứ nói về nốt lặng giữa Hà Nội, thì ở ca khúc “Thanh âm Hà Nội”, ca sĩ Đức Tuyên với chất giọng baritone trầm, dày và ấm đã góp phần làm cho Hà Nội đẹp hơn trong sức vươn lên, xứng danh với danh hiệu Thành phố vì hòa bình: “Hà Nội sang trang chỉ còn tiếng chuông vang bờ hồ/ Gọi dậy lòng người dân thanh âm cuộc sống mới… Hà Nội hôm nay chỉ còn tiếng reo vang hòa bình/ Người mẹ dậy con khúc hát dân ca”. Vẫn ở đó là những ký ức thanh âm về Hà Nội trong với tiếng ve đêm hè, tiếng rao…; những hương cốm, hương hoa sữa nồng nàn, là nụ cười cởi mở, nồng hậu của những người con đất Kinh kỳ để rồi hòa trong những hoài niệm xưa cũ là những hình ảnh Hà Nội mới với thêm nhiều mái ấm, nhà lầu cao hơn cùng bao khát vọng, tình yêu của đôi lứa.
Hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội nên nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã chắt lọc những hình ảnh đẹp, ký ức và đặt vào ca khúc về Hà Nội của mình niềm tin, niềm tự hào và nhiều khát khao, hy vọng. Bởi vậy mà “Cô đơn giữa Hà Nội”, “Thanh âm Hà Nội”, trước đây nữa là một “Hà Nội cũ” mang trong mình một giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và mang đậm chất tự sự, như một lời tâm tình về nỗi nhớ Hà Nội tạo nên một không gian âm nhạc đầy cảm xúc và hoài niệm. Những âm hưởng, giai điệu đó như thôi thúc người nghe trở về những ký ức đẹp nhất về Hà Nội.
“Hà Nội luôn mang một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng xe cộ hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản hòa ca phố phường đầy sức sống. Tiếng rao của những gánh hàng rong vang lên khắp phố phường, đánh thức cả một Hà Nội đang say ngủ. Hà Nội không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà còn bởi cái hồn của người Hà Nội, cái tình của con người nơi đây. Đó là những nụ cười hiền hòa, những ánh mắt thân thiện, những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng đầy tình cảm. Hà Nội còn là sự phát triển vươn lên không ngừng, đổi mới và hiện đại trong sự vươn lên chiến thắng của lớp lớp thế hệ cha anh mang đến “nụ cười Thủ đô tỏa sáng Việt Nam” như câu kết trong bài “Thanh âm Hà Nội”. Đó là những cảm xúc của tôi về Thủ đô yêu dấu”, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung bày tỏ.
Nguồn: vov.vn