Monday, November 25, 2024

Đất nông nghiệp sử dụng kết hợp đa mục đích, theo luật mới như thế nào?

Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu nhưng không quá 50%, và lập phương án sử dụng đất phải được phê duyệt.

Theo luật Đất đai năm 2024 có quy định về các loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó có đất nông nghiệp, đất ở. Tuy nhiên, tôi chưa hiểu rõ đất được sử dụng kết hợp đa mục đích là như thế nào.

Hiện nhà tôi đang có 1 sổ đỏ có 5.000 m2, trong đó bao gồm các loạt đất: ở nông thôn, đất vườn và ao. Vậy theo luật mới thì tôi được chuyển đổi thế nào và không được làm những gì? Quy trình, thủ tục và điều kiện để chuyển đổi sang đất đa mục đích?

Bạn đọc Anh Tuấn.

Luật sư tư vấn

Đất nông nghiệp sử dụng kết hợp đa mục đích, theo luật mới như thế nào?

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM

ẢNH: NGÂN NGA

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, tư vấn theo điều 218 luật Đất đai 2024 quy định một số loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích:

Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu.

Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh.

Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của luật này. Theo điều 188 luật Đất đai 2024, đất có mặt nước là ao, hồ, đầm được nhà nước giao theo hạn mức đối với cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp…

Điều kiện để được sử dụng đất kết hợp đa mục đích

Để được sử dụng đất kết hợp đa mục đích bạn phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Thứ nhất, không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 9 luật Đất đai 2024 và đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định tại điều 10 của luật này. Cụ thể, theo điều 10, việc xác định loại đất dựa trên một trong các căn cứ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
  • Thứ hai, không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính.
  • Thứ ba, không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
  • Thứ tư, hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường.
  • Thứ năm, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề.
  • Thứ sáu, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
  • Thứ bảy, tuân thủ pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, theo điều 99 Nghị định 102 năm 2024, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính (không quá 50%) vào mục đích khác quy định tại điều 218 luật Đất đai.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Thời gian sử dụng đất vào mục đích kết hợp không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính.

Hồ sơ đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích

Bạn phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung phương án, hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích được quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 99 Nghị định 102 năm 2024 (có mẫu đơn kèm theo).

Hồ sơ gồm: văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích, phương án sử dụng đất kết hợp, giấy chứng nhận đã cấp, hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 137 luật Đất đai.

Sau đó, bạn nộp 1 bộ hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img