Nhiều người cho rằng, dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) là phải tốn phí, phải tốn tiền mua điện thoại mới. Điều này có thực sự đúng?
Bạn có biết là mình đang sống cùng trí tuệ nhân tạo (AI) mỗi ngày? Khi bạn tìm kiếm một video nào đó trên YouTube, hàng loạt gợi ý sẽ xuất hiện. Liệu đó có phải là ai chọn thay cho bạn? Khi bạn đang đọc báo thì quảng cáo xuất hiện và đó lại đúng là thứ bạn cần. Là ai đã làm nên chuyện này?
Những chuyện trên chỉ là ví dụ đơn giản nhất về việc bạn đã bị một ai đó hiểu mình luôn ở bên người dùng suốt ngày trong những thiết bị thông minh. Đó chính là trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ AI đang có sự phát triển nhanh vượt bậc. Thường thì một mẫu điện thoại mới sẽ ra mắt sau 1 năm, một mẫu máy tính mới trình làng sau 2 năm và một mẫu xe ô tô mới có thể phải cần từ 3 đến 5 năm để ra mắt. Nhưng với AI, chu kỳ có lẽ tính theo tháng, thậm chí là theo tuần.
Trước đây, AI được ứng dụng nhiều trong doanh nghiệp, phục vụ công việc. Nhưng các hãng công nghệ đang bắt đầu chú ý tới nhóm người dùng cá nhân khi mà các tính năng của thiết bị dần sát hơn với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn như trước, chúng ta sẽ phải tìm kiếm trên Google cho một thông tin nào đó mình cần nhưng giờ đây, bạn có thể dùng chính camera của điện thoại để làm việc đó. Từ một dòng chữ, một bức ảnh, nhờ AI, người dùng sẽ tìm ra được thông tin mình muốn.
Khi bạn đang đi dạo và tình cờ gặp một nhà hàng mà bạn chưa từng đến trước đây. Chỉ cần nhấp và giữ nút điều khiển camera và hướng điện thoại về tấm bảng, điện thoại của bạn ngay lập tức cho bạn biết giờ mở cửa của nhà hàng, xếp hạng và các tùy chọn nhanh để kiểm tra thực đơn hoặc đặt chỗ…
Và có thể bạn sẽ thấy một tờ rơi về một sự kiện thú vị, chỉ một cú click là bạn có thể thêm nó vào lịch của mình. Chi tiết về tiêu đề sự kiện, thời gian và ngày tháng, địa điểm sẽ tự động được nhập cho bạn.
Và nếu bạn đang học ghi chú từ bài giảng ở trường Đại học và bị mắc kẹt ở một khái niệm cụ thể, chỉ cần sử dụng camera điện thoại và yêu cầu ChatGPT hướng dẫn. Tất nhiên, bạn luôn kiểm soát được thời điểm sử dụng các công cụ của bên thứ ba và thông tin nào được chia sẻ.
Với AI, chỉ cần một chiếc smartphone trong tay, người dùng như đang sở hữu cả một cẩm nang sống động ngay bên mình. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải các hãng công nghệ đang muốn người dùng phải trả thêm tiền nếu muốn sử dụng những thứ mới?
Về mặt công nghệ, có thể lý giải sự khác biệt trong sử dụng AI trước đây và bây giờ như thế này. Ví dụ như trước đây, bạn thường dùng Chat GPT bằng cách yêu cầu thực hiện thông qua một câu lệnh. Nếu chỉ là một câu lệnh thì không vấn đề gì, máy tính hoặc điện thoại phổ thông cũng có thể làm được. Tuy nhiên, giờ đây, các hãng công nghệ đang hướng tới việc xử lý thông tin ngay trên thiết bị để tránh rủi ro.
Theo các chuyên gia, mô hình xử lý dữ liệu ngay trên thiết bị giúp dữ liệu của bạn không bị gửi ra ngoài hoặc khi gửi đi sẽ được mã hoá và sẽ tránh được các rủi ro về quyền riêng tư. Hơn thế nữa, tốc độ xử lý và việc này cũng đảm bảo khả năng xử lý trong các tình huống khẩn cấp.
Để đảm bảo hiệu quả cao nhất, các hãng công nghệ thường khuyến nghị người dùng hoặc giới hạn việc sử dụng các trên các thiết bị có hiệu năng đủ tốt. Bên cạnh đó, nhiều phương pháp xử lý dữ liệu mới cũng đã ra đời giúp bất kỳ thiết nào dù nhỏ cũng có thể tham gia vào một mạng lưới cùng phân tích, cùng xử lý và tạo ra kết quả cho AI.
Các chuyên gia cũng đánh giá, các xu hướng mới sẽ giúp người dùng có thể sử dụng các hệ thống tính toán mạnh mẽ hơn, an toàn hơn những sẽ không có những phát sinh mới về chi phí để sử dụng.
Nguồn: vtv.vn