CSGT được quyền truy đuổi nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy.
Kịp thời ngăn chặn vi phạm
“CSGT có được truy đuổi người vi phạm hay không?” là câu hỏi luôn nhận được nhiều tranh luận, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT lại không quy định rõ về nội dung này.
Điển hình như Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an quy định lực lượng CSGT được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông… Tuy nhiên, thông tư không quy định cụ thể về trường hợp nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh dừng xe hoặc bỏ chạy thì CSGT có được truy đuổi hay không, mà chỉ nêu nguyên tắc rằng CSGT “được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định” và “thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an nhân nhân theo quy định của pháp luật”.
Từ thực tiễn trên, việc lần đầu tiên luật hóa quyền truy đuổi của người thi hành công vụ, trong đó có CSGT, đối với người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh và bỏ chạy được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý khi áp dụng, tránh gây tranh cãi, không thống nhất.
Ủng hộ quy định, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định 2 trường hợp có thể xảy ra khi người điều khiển phương tiện giao thông bỏ chạy: một là sợ bị xử phạt, hai là có dấu hiệu tội phạm. Với trường hợp thứ nhất, CSGT không nhất thiết phải truy đuổi vì đã có hệ thống camera phạt nguội. Nhưng với trường hợp thứ hai, truy đuổi là biện pháp bắt buộc nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm cũng như hậu quả tiềm ẩn phía sau.
“Lấy ví dụ một tài xế ô tô đang vận chuyển ma túy và vượt đèn đỏ, nếu không truy đuổi mà phạt nguội thì chỉ xử lý được hành vi vượt đèn đỏ, còn hành vi vận chuyển trái phép ma túy không bị xử lý, đồng nghĩa tội phạm đã bị bỏ lọt”, ông Hòa nói và cho rằng quy định về quyền truy đuổi không chỉ tạo ra hành lang pháp lý cho lực lượng thi hành công vụ mà còn tăng hiệu quả răn đe, trấn áp tội phạm.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đề cập tình trạng một số người dân khi tham gia giao thông có biểu hiện “nhờn luật”, thậm chí coi thường pháp luật, không chấp hành, bỏ chạy dù CSGT đã ra hiệu lệnh. Hành vi này gây khó khăn, cản trở cho quá trình thi hành nhiệm vụ của lực lượng chức năng, đồng thời gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Ông Tạo đặt giả thiết về một tài xế vi phạm nồng độ cồn, khi bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì không chấp hành mà tăng ga, lao xe bỏ chạy. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, vừa vi phạm pháp luật vừa đe dọa đến an toàn giao thông. “Thử tưởng tượng đang trong trạng thái say xỉn, tài xế lao xe với tốc độ cao để bỏ chạy, chỉ cần va chạm nhỏ là có thể dẫn tới tai nạn, hậu quả khôn cùng”, ông Tạo nói và nhấn mạnh, truy đuổi sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi vi phạm trong tình huống này.
Truy đuổi nhưng phải đảm bảo an toàn
TS Khương Kim Tạo đề nghị cần có sự chọn lọc, phân loại tình huống nào cần truy đuổi và không cần truy đuổi.
Ông Tạo dẫn chứng nếu chỉ vượt đèn đỏ thông thường mà cũng quyết tâm ngăn chặn bằng mọi cách, truy đuổi cả mấy chục ki lô mét, thì điều này không cần thiết. Ngược lại, cũng là hành vi vượt đèn đỏ nhưng người vi phạm có thêm dấu hiệu sử dụng rượu bia, chở hàng cấm, hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tham gia giao thông khác…, thì phải áp dụng biện pháp truy đuổi, ngăn chặn càng nhanh càng tốt. Như vậy, truy đuổi khi người vi phạm bỏ chạy là rất cần thiết, nhưng không nên áp dụng cứng nhắc, tràn lan.
Luật sư (LS) Nghiêm Quang Vinh, Đoàn LS TP.Hà Nội, cũng cho rằng cần có quy định cụ thể trường hợp nào thì CSGT mới thực hiện truy đuổi, không nên “vi phạm lỗi gì cũng truy đuổi”.
LS nhắc tới một số vụ việc CSGT truy đuổi người vi phạm sau đó xảy ra tai nạn trong thời gian qua, khiến cả người vi phạm và người truy đuổi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Để tránh tình huống tương tự, cơ quan quản lý cần xây dựng quy định hướng dẫn các tình huống được áp dụng biện pháp ngăn chặn này, yêu cầu cao nhất là phải kiểm soát được tình thế, đảm bảo an toàn.
Theo LS, với các lỗi vi phạm giao thông thông thường như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… mà không ngăn chặn được ngay, CSGT có thể thông qua hệ thống camera giám sát để phạt nguội. Việc truy đuổi chỉ nên áp dụng với các trường hợp hành vi vi phạm giao thông kèm theo có dấu hiệu tội phạm, ví dụ như người tình nghi vận chuyển ma túy bỏ chạy, nghi phạm giết người không chấp hành hiệu lệnh dừng xe… Trong trường hợp cần phải truy đuổi nhưng không đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng không nên truy đuổi mà nên sử dụng phương án khác hiệu quả hơn.
Một vấn đề khác TS Khương Kim Tạo muốn lưu ý, đó là việc truy đuổi làm sao phải bảo đảm an toàn cho người truy đuổi, người bị truy đuổi và cả người tham gia giao thông trên đường. “Phải có cách thức truy đuổi phù hợp. Có thể thông báo cho các đơn vị phía trước phối hợp đón lõng, ngăn chặn; sử dụng biển báo hạn chế tốc độ cùng với barie để ngăn chặn từ xa… chẳng hạn”, ông Tạo nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, người truy đuổi thường có tâm thế chủ động, còn người bị truy đuổi có tâm thế bị động, lo sợ. Khi đã bị động, người bị truy đuổi chỉ quan tâm làm sao để chạy thoát người truy đuổi, không bị xử lý vi phạm, vì thế họ sẽ “chạy bạt mạng”, rất dễ xảy ra tai nạn. Nếu tai nạn xảy ra, vấn đề sẽ rất phức tạp, không còn là hành vi vi phạm hành chính thông thường nữa.
Do đó đại biểu Hòa kiến nghị Bộ Công an cần có hướng dẫn, tập huấn để việc truy đuổi (trong những tình huống cần thiết) đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mục đích là ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm, nhưng không vì thế mà xảy ra hậu quả đáng tiếc cho cán bộ thực thi công vụ, cho người vi phạm hoặc người liên quan.
Nguồn: thanhnien.vn