Tuesday, November 26, 2024

Sài Gòn là nơi… có nhiều củi gòn?

Ngoài cái thuyết ngớ ngẩn “từ Tai Ngon tức Đề Ngạn sinh ra Sài Gòn”, có lẽ Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên bàn về nguồn gốc địa danh Sài Gòn một cách cẩn trọng nhất. Còn đúng hay sai, hoặc đúng tới mức độ nào, đó là vấn đề hạ hồi phân giải.

Trương Vĩnh Ký bàn: “Tên Sài Gòn… Trước hết nên tìm hiểu xem từ đâu đưa tới cái tên mà chúng ta đặt cho thành phố ngày nay.
Sài Gòn là nơi… có nhiều củi gòn?

Bản đồ năm 1788 có ghi dòng “R. de Saigon” (sông Sài Gòn)

Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Saigon là tên xưa đặt cho thành phố Hoa kiều bây giờ. Theo tác giả Gia Định thông chí, Sài mượn tiếng viết theo chữ Hán 柴 có nghĩa là củi gỗ (để đun đốt); gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn hoặc cây bông gòn (nhẹ và xốp hơn bông thường). Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh những đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận.

Người Pháp gọi thành phố là Saigon vì thấy tên này có ghi trong các bản đồ địa lý của phương Tây vẽ, ở đây người ta gọi thành phố bằng một tên phổ thông nhưng nôm na, xưa kia tên ấy chỉ chung cả địa phận tỉnh Gia Định”.

Người viết bài này chưa tìm thấy tên ấy có ghi trong các bản đồ xưa, chỉ thấy Manguin ghi địa danh Chagan hay Chaquão (của bản đồ Durado 1568) ở gần địa điểm Sài Gòn sau này, và Manguin ghi là Saigon từ Chagan hay Chaquão mà ra. Giải thích cách viết Hán Nôm của hai chữ SÀI GÒN, Trương Vĩnh Ký đưa ra 2 giả thuyết: a) “Người ta nói” vì ở đó trồng nhiều cây bông gòn. b) “Theo ý tôi” (của Trương Vĩnh Ký) là do một tên nào đó của người Cao Miên – chưa tìm thấy nguồn gốc – đặt cho địa phương, cho cả tỉnh Gia Định, rồi sau biến thành SÀI GÒN để đặt tên riêng cho thành phố này.

Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu nguồn gốc địa danh Sài Gòn thường nhắc đến ba giả thuyết: thứ nhất là Sài Gòn – Đề Ngạn (người Hoa đọc Tai Ngon), thuyết này hoàn toàn sai sự thực. Hai thuyết sau đáng lưu ý hơn đều do Trương Vĩnh Ký đưa ra.

“RỪNG GÒNNƠI ĐÂU?

Đây chỉ là “nghe người ta nói”, chứ không phải giả thuyết của chính Trương Vĩnh Ký. Không hiểu sao, nhiều người nghiên cứu phương Tây khác và Malleret đã đánh rơi mệnh đề “nghe người ta nói” (dit – on) mà cho giả thuyết này của Trương Vĩnh Ký, khi viết: “Theo Petrus Ký, người tự nhận đã khám phá ra cách giải thích, trong tác phẩm của Trịnh Hoài Đức về hai chữ Sài Gòn, có nghĩa là củi gòn, do đó có hàm ý muốn nói đến xứ này xưa kia, hình như, có mọc nhiều cây bông gòn.” Vương Hồng Sển cũng theo đó và gán cho Trương Vĩnh Ký: “Trong tập Souvenirs historiques cụ Trương Vĩnh Ký quả quyết người Cơ-me có trồng gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính người còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885″.

Sự thật thì trong tác phẩm của Trịnh Hoài Đức không có chỗ nào giải nghĩa hoặc chú thích về hai chữ Sài Gòn. Trương Vĩnh Ký chỉ dựa vào lối viết Hán Nôm của hai chữ đó mà cắt nghĩa là “củi gòn”. Còn giả thuyết “Sài Gòn từ củi gòn” là “nghe người ta nói”, chứ đương thời Trương Vĩnh Ký (1885) không còn “gốc cổ thụ” gòn nào hết “ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận”. Trương Vĩnh Ký chỉ nói có vẻ khẳng định “dấu vết (các đồn lũy cũ của người Khơ-me) nay (1885) vẫn còn ở chùa Cây Mai – và các vùng lân cận”.

Báo Courrier de Saigon ngày 20.1.1868 theo giả thuyết “Kai gon” (cây gòn), chứ không “củi gòn”, cho gần với Sài Gòn hơn! Báo viết: “Như người ta nói, tên Sài Gòn có lẽ biến đổi từ chữ Kai gòn. Mấy tiếng này dùng để gọi tên loại cây sản xuất bông (gòn). Cây gòn, có rất thường ở Nam Kỳ, hay được dùng làm hàng rào cây tươi. Người Cao Miên xưa đôi khi đem trồng dọc theo các lũy phòng thủ, những cây gòn chen sát nhau, tạo thành những hàng rào xanh. Vào thời kỳ người Nam chiếm đóng xứ này, dân đó có một đồn lũy với đặc thù ấy: bởi thế có tên gọi Sài Gòn”.

Nếu Trương Vĩnh Ký đưa ra giả thuyết “củi gòn” do “người ta nói” lại, thì Lê Văn Phát lại quả quyết: Trên cánh đồng tha ma mông mênh của thành phố xưa là cả một khu rừng gòn vô tận. Người Khơme gọi rừng gòn là Prei kor. Tiếng Xiêm Cai ngòn cũng có nghĩa rừng gòn. Bây giờ người Lào còn dùng tiếng đó với nghĩa ấy. Có thể Cai ngòn đã trở thành SÀI GÒN vậy. Giả thuyết “rừng gòn” của Lê Văn Phát bị phê phán thiếu cơ sở: Kor không có nghĩa là cây gòn mà là con bò; “rừng gòn vô tận” xưa trên cánh đồng tha ma (Plaine des Tombeaux ở khắp Q.3 và Q.10 nay), chỉ là một suy đoán vô căn cứ.

Tóm lại, SÀI GÒN từ “củi gòn”, “cây gòn” hay “rừng gòn” không vững lắm, xét cả mặt ngữ học lẫn thực tế địa lý. Trong thơ văn, ca dao, ngạn ngữ địa phương, kể cả Cổ Gia Định phong cảnh vịnh viết bằng thơ nôm trước Trương Vĩnh Ký gần trăm năm, không hề có câu chữ hay ý gì đá động tới “cùi gòn” và “rừng gòn”. (còn tiếp)

(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img