Trong vòng 20 năm tới, quy mô thị trường ô tô sẽ rất lớn, rất tiềm năng. Đây là “cơ hội vàng” để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nắm bắt cơ hội vươn lên.
Thị trường tiềm năng
Theo TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), căn cứ để đặt ra mục tiêu này dựa trên dự báo về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam từ 2030-2045. Theo dự báo, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vào 2030 sẽ đạt 7.500 USD/năm và tăng dần tới 2045 đạt 18.000 USD/năm. Cộng với tham khảo thực tế một số thị trường ô tô của những quốc gia đã từng trải qua những các mức thu nhập như vậy, Ban soạn thảo đã đặt ra mục tiêu trên.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, đây mới là dự thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi, con số trên có thể sẽ còn phải điều chỉnh, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp.
Dù cho số liệu trên có bị điều chỉnh giảm, thì vẫn có thể khẳng định trong vòng 20 năm tới quy mô thị trường ô tô sẽ rất lớn, rất tiềm năng. Đây là “cơ hội vàng” để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nắm bắt cơ hội vươn lên.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra định hướng, tập trung vào dòng xe xanh. Đến năm 2030 tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 600.000 – 700.000 chiếc, trong đó các dòng xe xanh chiếm khoảng 18% – 22%, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 55% – 60%. Đến 2045 tổng sản lượng xe nội địa đạt từ 4 – 4,6 triệu chiếc/năm, trong đó xe xanh chiếm 80% – 85%, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 80% – 85%.
Bộ Công thương đề xuất chính sách tập trung hướng vào xe xanh như: kích cầu thị trường, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ người tiêu dùng; ưu đãi cho sản xuất linh kiện, phụ tùng… Đồng thời hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng liên quan như trạm sạc điện, trạm nạp nhiên liệu dành cho xe xanh.
“Bệ đỡ” chính sách
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty công nghệ Đức Việt (TPHCM) để hiện thực hóa mục tiêu này, phụ thuộc rất lớn vào “bệ đỡ” chính sách. Trong quá khứ, Việt Nam đã nhiều lần xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô. “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020” được Chính phủ phê duyệt ngày 3/12/2002; “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, được Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014.
Các chiến lược này đều đặt ra mục tiêu lớn đó là: xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu; trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, những mục tiêu đặt ra hầu hết đã không thành công.
Không những thế, môi trường kinh doanh đang có nhiều thay đổi. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico… Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng tràn vào nhiều.
Theo cam kết, đã ưu đãi cho ô tô thì không được phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe sản xuất trong nước. Vì vậy, dư địa chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ô tô trong nước không còn nhiều. Cần phải có những tính toán khôn khéo, trong khi nguồn lực của Chính phủ có hạn.
Trước cơ hội lớn, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi một hệ thống chính sách đột phá, để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh trong dài hạn và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn