Saturday, October 5, 2024

Sở GTVT TP.HCM vào cuộc vụ công nhân bị lừa tiền học lái ô tô

Liên quan bài phản ánh ‘TP.HCM: Công nhân bị lừa đảo khi đóng tiền học lái ô tô ở Q.Bình Tân’, Sở GTVT TP.HCM đã vào cuộc, mời làm việc một số trung tâm đào tạo lái xe.

Liên quan bài phản ánh TP.HCM: Công nhân bị lừa đảo khi đóng tiền học lái ô tô ở Q.Bình Tân đăng trên Báo Thanh Niên, ngày 3.10, Sở GTVT TP.HCM đang phối hợp các đơn vị liên quan xác minh, mời làm việc một số trung tâm đào tạo lái xe.

“Sau khi xác minh sẽ xử lý sai phạm đến cùng. Nếu phát hiện dấu hiệu đồng lõa, lừa đảo có tổ chức, cơ quan công an sẽ vào cuộc xử lý”, vị đại diện Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM) cho biết.

Sở GTVT TP.HCM vào cuộc vụ công nhân bị lừa tiền học lái ô tô

Bãi tập lái E4/52 QL1, nơi xảy ra vụ các công nhân bị lừa đảo khi đến đóng tiền học lái ô tô

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Nhiều công nhân bị lừa đảo khi đóng tiền học lái ô tô

Trước đó, ngày 1.10, Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng nhiều công nhân bị lừa đảo khi đóng tiền, đăng ký học lái ô tô tại bãi tập lái xe ở địa chỉ E4/52 QL1, P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân, TP.HCM).

Trong đó có trường hợp của anh Nhâm Long Q. (29 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) hiện là công nhân trên địa bàn Q.Bình Tân, cho biết anh có nhu cầu học lái ô tô tải.

Ngày 27.8.2023, tại địa chỉ nói trên, anh Q. thấy biển báo lớn có nội dung “Bãi tập lái xe Th.Đ, đào tạo lái xe ô tô B1, B2, C… Anh Q. vào cổng thì được bảo vệ hướng dẫn vào phòng đăng ký tuyển sinh học lái ô tô.

Sở GTVT TP.HCM vào cuộc vụ công nhân bị lừa tiền học lái ô tô

Theo cơ quan chức năng, phiếu thu mà ông Trần Đại Nhân cung cấp cho các nạn nhân không có giá trị pháp lý vì thiếu nhiều thông tin quan trọng

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Tại phòng này, anh Q. gặp một người đàn ông tên Trần Đại Nhân, ngồi tại bàn đăng ký. Ông Nhân bảo anh Q. cung cấp thẻ CCCD và hỏi học bằng lái xe hạng nào, thì anh Q. nói học bằng lái B2.

Ông Nhân cho biết chi phí học bằng B2 là 22 triệu đồng, yêu cầu cọc trước một nửa để làm hồ sơ, khi nào thi thì đóng hết. Sau đó, ông Nhân đưa cho anh Q. số tài khoản ngân hàng, và anh Q. chuyển 12 triệu đồng với lời nhắn “Nhâm Long Q. chuyển tiền học bằng lái xe”.

Sau khi nhận tiền, ông Nhân có chụp hình chân dung của anh Q., làm 1 tờ phiếu thu rồi kêu anh Q. đi về, khi nào muốn tập lái thì lên tập.

Tuy nhiên, sau đó ông Nhân liên tục tìm cách né tránh và chặn liên lạc với anh Q. Suốt từ đó đến nay, ngày nào anh Q. cũng đến địa chỉ trên để nghe ngóng và mong lấy lại được số tiền, nhưng bất thành.

Trao đổi với PV hôm 30.9, nam công nhân khóc tức tưởi, tự trách bản thân: “Em ít học, ở quê lên có biết gì đâu. Làm công nhân cực khổ, dành dụm nửa năm được nhiêu đó để đăng ký học lái xe tải cho có cái nghề, vậy mà bị lừa đảo”.

Tương tự, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, anh Đào Tín Tr. (41 tuổi, công nhân) cũng đến địa chỉ nói trên, đóng tiền cọc 12 triệu đồng cho ông Nhân để đăng ký học bằng lái B2. Ông Nhân đã kèm anh Tr. lái xe khoảng 3 hôm thì nói đi công tác và sau đó biệt tâm.

Phát hiện nhiều sai phạm

Liên quan vụ việc, đại diện Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), cho biết đã rà soát, mời làm việc một số trung tâm đào tạo lái xe. Đồng thời, Sở phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ.

Sở GTVT TP.HCM vào cuộc vụ công nhân bị lừa tiền học lái ô tô

Ô tô của nhiều trung tâm khác nhau tập lái tại bãi E4/52 QL1 dù trên giấy phép, nơi này chỉ có 2 trung tâm được cấp phép

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Theo vị này, Sở GTVT có cấp giấy phép đào tạo lái xe cho Trung tâm Dạy nghề Th.Đ (từ tháng 7.2016) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Th.N. tại bãi tập lái xe ở địa chỉ E4/52 QL1, P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân, TP.HCM). Đến thời điểm hiện tại, Sở chưa nhận được thông báo ngưng hoạt động của 2 trung tâm tại bãi tập lái nói trên (tức đến nay vẫn còn hoạt động).

Bên cạnh đó, tại bãi tập lái này, không có đơn vị, trung tâm nào (kể cả 2 trung tâm nói trên) đăng ký văn phòng tuyển sinh. Vì vậy, việc có đặt phòng ghi danh, đăng ký tuyển sinh học lái ô tô tại đây là việc làm vi phạm pháp luật.

“Việc ông Trần Đại Nhân ngồi tại phòng đăng ký, thu tiền cọc của người dân, rồi lừa đảo trong khoảng thời gian dài (cuối 2022 – 8.2023), không thể nói các trung tâm không biết. Nhà của mình, tự nhiên có người vào ở, thu tiền rồi bỏ trốn, mà chủ nhà nói không hay biết là không được”, đại diện Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe nói.

Chiều 2.10, sau khi Sở GTVT làm việc với Trung tâm Dạy nghề Th.Đ, bước đầu trung tâm này xác nhận, trước đây ông Trần Đại Nhân là nhân viên của trung tâm. Nhưng ông Nhân đã nghỉ việc từ tháng 2.2024.

Trung tâm cũng tiếp nhận một số thông tin phản ánh về việc người dân bị ông Nhân lừa đảo khi đóng tiền học lái ô tô tại bãi xe E4/52 QL1. Hiện lãnh đạo trung tâm đang khẩn trương phối hợp các đơn vị chức năng xác minh, xử lý.

Ngoài ra, ghi nhận của PV cho thấy, tại bãi tập lái nói trên còn có một số ô tô của các trung tâm khác vào tập lái. Về vấn đề này, vị đại diện cho hay sẽ lập đoàn kiểm tra, xác minh, xử lý các trung tâm không được cấp phép mà vào bãi tập lái “chui”.

Sở GTVT TP.HCM vào cuộc vụ công nhân bị lừa tiền học lái ô tô

Theo Sở GTVT, bãi tập lái E4/52 QL1 không có đơn vị nào đăng ký phòng ghi danh, nhưng thực tế PV ghi nhận nơi đây treo biển “Phòng ghi danh”

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Nguồn tin Thanh Niên cho biết, Công an P.Bình Trị Đông B đã tiếp nhận đơn trình báo của một số nạn nhân và đang phối hợp các đơn vị liên quan xác minh, điều tra làm rõ. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính của người tên Nhân nói trên.

Theo nguồn tin, có nhiều người là nạn nhân của ông Trần Đại Nhân. Nhưng ngoài tờ phiếu thu (không có tên đơn vị, mã đơn vị, thủ trưởng đơn vị), xác nhận đã nhận 12 triệu đồng, kèm chữ ký và dấu mộc của ông Trần Đại Nhân, thì các nạn nhân không còn bằng chứng nào khác.

Nhiều hiện tượng lừa đảo đóng tiền học lái ô tô

Đại diện Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM), cho biết về vấn đề tuyển sinh, thực tế từ năm 2018, với trách nhiệm là cơ quan quản lý sát hạch, đơn vị ghi nhận rất nhiều hiện tượng lừa đảo.

Theo đó, tình trạng các văn phòng tuyển sinh đào tạo lái xe không phép núp bóng các hình thức tư vấn tuyển sinh, tư vấn đào tạo lái xe, giả mạo tên các cơ sở đào tạo lái xe chính thống, đặt biển báo loạn xạ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Hằng năm, Sở có kiến nghị đến UBND TP.HCM và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Để tránh bị lừa đảo, người dân muốn học lái ô tô nên tìm hiểu kỹ. Hiện nay Sở GTVT có trang web chính thức, trong đó có danh sách, thông tin cụ thể của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Người Hùng Xí Nghiệp - SCTV9
Truy Tìm Bằng Chứng 2
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi