Đó là ví von của PGS-TS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội loãng xương TP.HCM, về thực trạng bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp của một số người Việt Nam hiện nay.
Nói về thực trạng sức khỏe cơ xương khớp người Việt Nam, PGS-TS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội loãng xương TP.HCM cho biết, hiện có khoảng 30% phụ nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương. Như vậy, ước tính hiện có 3,6 triệu người Việt đang đối mặt với loãng xương. Dự báo, đến năm 2030 có khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh này, trong đó 70% là phụ nữ.
Nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không triệu chứng, người bệnh không biết mình bị bệnh nên cũng không đi khám và không được chẩn đoán. Cùng với đó là điều kiện kinh tế và ý thức chăm sóc sức khỏe chưa cao.
“Chính vì vậy, việc tầm soát phát hiện và điều trị hiệu quả còn bất cập. Nhiều người chỉ phát hiện loãng xương khi bị gãy xương, thậm chí là gãy xương nhiều lần, làm cho điều trị trở nên khó khăn, tốn kém; việc vận động bị ảnh hưởng, chất lượng sống bị đe dọa”, PGS-TS Anh Thư nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Lê Anh Thư, người Việt Nam cũng như người ở một số nước trong khu vực có hình thể thấp bé và việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe xương khớp chưa được nhiều. Chế độ ăn của người Việt Nam rất ưu việt, ẩm thực nổi tiếng nhưng thiếu can xi và một số yếu tố vi lượng nên vấn đề loãng xương chắc chắn xảy ra.
PGS-TS Anh Thư ví von, ai cũng nói “sức khỏe là vàng” nhưng vàng thì ai cũng quý, cũng giữ. Còn sức khỏe thì nhiều khi không nghĩ đến hoặc để mất sức khỏe rồi thì mới quan tâm đến hoặc mới giữ.
Phòng ngừa loãng xương bằng vận động và cung cấp các vi chất hợp lý
PGS-TS Anh Thư giải thích, sức khỏe của cơ xương khớp (hệ vận động) là cốt lõi của sức khỏe chung. Khung xương vững chắc, khỏe mạnh, các khớp linh hoạt, khối cơ đầy đủ tạo nên dáng vóc khỏe đẹp cho mỗi người. Sức khỏe cơ xương khớp tốt tạo ra vận động đối ưu và bảo vệ các cơ quan bên trong.
Nhưng để cơ thể cân bằng được sức khỏe của xương thì phải có sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. Nhưng quá trình hủy xương thường nhanh hơn, diễn ra ở tuổi sau 30 và rõ nhất là từ 40 tuổi, cùng với sự tác động của những yếu tố khác. Do đó, nếu không bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi, vitamin D, protein… thì sẽ không bù đắp lại được xương thiếu hụt. Như vậy thì quá trình loãng xương sẽ xảy ra, thậm chí lớn hơn là giảm sự tự tin, mất khả năng vận động, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống… Để ảnh hưởng đến vận động thì đã quá muộn.
Các dấu hiệu báo hiệu sức khỏe xương khớp có vấn đề như đau mỏi, nhức xương khớp, hạn chế vận động, hay bị chuột rút… Do đó cần quan tâm cơ thể, lắng nghe cơ thể nhiều hơn để thấy được những thay đổi nhỏ để biết thiếu gì và cần gì.
Bà khuyến cáo rằng bệnh loãng xương có thể phòng ngừa được bằng việc vận động và dinh dưỡng cung cấp các vi chất hợp lý. Và canxi được coi như là “cơm ăn” của xương nhưng khẩu phần ăn của người Việt chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu bình thường. Vì vậy bổ sung thêm canxi là quan trọng. Bên cạnh đó, tầm soát sức khỏe định kỳ để có biện pháp can thiệp kịp thời về xương khớp.
Những thông tin trên được PGS-TS Anh Thư chia sẻ tại lễ công bố quan hệ đối tác chiến lược giữa Hội loãng xương Quốc tế và Anlene diễn ra tại TP.HCM, tổ chức ngày 5.10. Việc hợp tác này nhằm giải quyết những thách thức trong nhận thức về loãng xương đang gia tăng trên toàn cầu, thúc đẩy các nỗ lực nâng cao nhận thức để phòng ngừa và phát hiện sớm.
Nguồn: thanhnien.vn