Các đại học (ĐH) ở Trung Quốc ồ ạt mở ngành học và khoa mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng sinh viên tốt nghiệp lại không thể đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Kể từ năm 2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc triển khai kế hoạch phát triển chuyên ngành AI tại các ĐH. Từ đó, các ĐH nhanh chóng thiết lập hàng loạt khoa và ngành học liên quan đến AI.
Trang University World News ngày 23.9 dẫn lại các dữ liệu mới nhất cho thấy, tính đến nay, Trung Quốc có khoảng 43 trường và viện nghiên cứu AI trên cả nước. Số lượng trường ĐH đào tạo chuyên ngành AI bậc cử nhân đã vượt quá 500 cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 8.2024 tuyên bố tăng cường tích hợp AI vào chương trình giảng dạy tại trường trung học. Điều này góp phần thúc đẩy xu hướng thí sinh chọn ngành học AI trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH. Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho công ty AI, cùng chính sách thu hút nhân tài để đẩy mạnh phát triển ngành AI.
Một báo cáo của Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company (Mỹ) năm 2023 ước tính Trung Quốc sẽ cần thêm 6 triệu chuyên gia AI lành nghề vào năm 2030 – tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp có trình độ phù hợp ước tính chỉ có khoảng 2 triệu.
Mâu thuẫn giữa đào tạo và thực tế
Nhu cầu về nhân lực AI được dự báo sẽ tăng mạnh ở Trung Quốc, nhưng thực tế nhiều công ty lại không tuyển dụng được nhân sự phù hợp.
Một khảo sát khác của McKinsey & Company cho thấy, hơn một nửa công ty AI của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài, nhất là những vị trí kỹ sư dữ liệu và kỹ sư máy học.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng phản ánh tình trạng các trường ĐH ồ ạt mở ngành học AI nhưng lại thiếu nguồn lực nghiên cứu, khiến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Chưa kể, nỗ lực mở rộng đào tạo AI diễn ra trong bối cảnh ngành công nghệ đang phải cắt giảm nhân sự và nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể tìm kiếm việc làm.
Ông Qin Zengchang, giáo sư chuyên về AI của ĐH Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, cho rằng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các ĐH vì doanh nghiệp chỉ ưa chuộng người có kinh nghiệm, làm hạn chế cơ hội việc làm của sinh viên mới ra trường. Thậm chí, cơ hội việc làm cũng thu hẹp với sinh viên cao học ngành AI.
Mức lương cao nhưng cạnh tranh khốc liệt
Vào ngày 3.7.2024, nền tảng tuyển dụng Zhilian Zhaopin đã công bố báo cáo về mức lương do doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra trong thông tin tuyển dụng. Theo đó, trong quý 2 năm 2024, AI dẫn đầu tất cả các ngành về mức lương khởi điểm, với mức trung bình là 13.594 nhân dân tệ (hơn 47 triệu đồng)/tháng.
Trong số tất cả vị trí liên quan đến AI, các kỹ sư AI (chuyên về thuật toán, ngôn ngữ lập trình C, phát triển phần mềm nhúng – embedded software) và thị giác máy tính có mức lương cao nhất, trung bình 22.003 nhân dân tệ/tháng. Cũng theo báo cáo, các kỹ sư thuật toán, nhà phát triển phần mềm và kỹ sư học máy được săn đón nhiều nhất, nhưng khó có cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp.
Trả lời phỏng vấn University World News, anh Wang Mengmeng, cựu nhân viên của iFLYTEK (công ty AI hàng đầu của Trung Quốc), cho biết: “Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH không thuộc hàng top thường bị doanh nghiệp đánh giá là có năng lực kém, không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao và muốn tăng cơ hội việc làm thì phải có bằng thạc sĩ”.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, anh Wang ban đầu làm kỹ sư thuật toán cho iFLYTEK. Sau đó, anh được đề bạt làm trưởng phòng phụ trách sản phẩm phần mềm của bộ phận EdTech (công nghệ giáo dục).
Tuy nhiên, hai tuần trước lúc được thăng chức, anh Wang (29 tuổi) quyết định nghỉ việc tại iFLYTEK sau khi một kỹ sư 38 tuổi của công ty được cho là bị nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong do làm việc quá sức hồi tháng 6.2024.
Theo anh Wang, để có mức lương cao, nhân viên phải đối mặt văn hóa làm việc “996” (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) tại hầu hết các công ty công nghệ.
Nguồn: thanhnien.vn