Tuesday, November 26, 2024

Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch: Học cách tồn tại song song

Dù đưa cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển quốc gia hay không, bóng đá VN cũng phải tự đi trên đôi chân của mình, không thể chỉ trông chờ ở nguồn lực ngoại mà bỏ quên phát triển nội lực

XU THẾ TẤT YẾU

Khi bóng đá thế giới bước vào chu kỳ “phẳng”, ranh giới giữa các quốc gia dần bị xóa nhòa. Định kiến về cầu thủ nhập tịch xuất hiện từ lâu và vẫn đang tồn tại ở nhiều nước, nhất là với bóng đá châu Á, vốn đề cao tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tế: cách đây gần 30 năm, một nền bóng đá coi trọng tinh thần quốc gia như Nhật Bản vẫn sẵn lòng nhập tịch cho những ngôi sao Brazil, rồi đôn lên đội tuyển dự World Cup 1998 và 2002.

Bóng đá Việt Nam và xu hướng nhập tịch: Học cách tồn tại song song

Thủ môn Nguyễn Filip giúp đội tuyển VN thêm mạnh mẽ

ẢNH: AFC

Ngày càng nhiều nước “mở lòng” với chính sách nhập tịch VĐV, không chỉ riêng bóng đá mà còn ở các môn thể thao khác. Không ai chọn được nơi mình sinh ra, nhưng các cầu thủ có thể chọn màu áo đội tuyển mình muốn cống hiến, miễn đáp ứng đủ tiêu chí của nước sở tại.

Ở VN, chính sách nhập tịch cho người nước ngoài đã được quy định rõ ràng. Cụ thể, công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở VN có đơn xin nhập quốc tịch VN thì có thể được chấp thuận, nếu hội đủ các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật VN; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật VN; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc VN; biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng; đã thường trú ở VN từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch; có khả năng bảo đảm cuộc sống.

Đây là chính sách vừa cởi mở với người nước ngoài, vừa đủ chặt chẽ để sàng lọc những ai thực sự yêu quý và muốn gắn bó, cống hiến cho VN dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Ở lĩnh vực bóng đá, những cầu thủ nước ngoài ở VN trên 5 năm, có vốn liếng tiếng Việt, thấu hiểu văn hóa VN hoàn toàn xứng đáng có quốc tịch.

Cánh cửa nhập tịch đã mở ra với nhiều “anh Tây” mang đậm trong mình “chất Việt” như Huỳnh Kesley Alves, Hoàng Vũ Samson trước đây, hay Nguyễn Xuân Son bây giờ. Cánh cửa bóng đá VN luôn rộng mở với tất cả, chỉ cần người xin nhập tịch thực tâm muốn cống hiến cho nơi đây, dù khoác áo CLB hay đội tuyển quốc gia. Như trường hợp thủ môn Nguyễn Filip là một ví dụ. Người gác đền sinh năm 1992 học tiếng Việt mỗi ngày để giao tiếp với đồng đội, tập hát Quốc ca sao cho chuẩn, hay hòa mình với phong tục VN. Dù ở CH Czech nhiều năm, chưa bao giờ Nguyễn Filip quên đi gốc gác của mình. Một cầu thủ như vậy hoàn toàn xứng đáng khoác áo tuyển VN.

TỰ ĐỨNG TRÊN ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH

Khi đã có quốc tịch, người nước ngoài sinh sống tại VN, người có gốc gác VN hay người VN chính gốc đều bình đẳng trước pháp luật và có cơ hội được gọi lên đội tuyển quốc gia ngang bằng nhau. Chỉ cần đáp ứng đúng quy chế, Nguyễn Xuân Son hay Jason Quang Vinh (đang trong quá trình xin quốc tịch) đều có thể cống hiến cho màu cờ sắc áo VN. Không nên tồn tại bất cứ sự phân biệt nào. Đội tuyển VN phải là nơi tập hợp của những cá nhân xuất sắc nhất.

Tuy nhiên, đội tuyển VN có thể mở rộng cánh cửa để bổ sung sức mạnh, nhưng đừng bao giờ quên: một đội tuyển chỉ mạnh khi có thể tự đứng trên đôi chân của mình. HLV Kim Sang-sik có thể gọi những ngôi sao nhập tịch lên tuyển, nhưng đây chỉ là hướng đi tạm thời, phục vụ từng giải đấu hay từng giai đoạn cụ thể. Cốt lõi phát triển vẫn phải nằm ở giải vô địch quốc gia và hệ thống đào tạo trẻ. Hay nói cách khác, đội tuyển VN phải có bộ khung cầu thủ “thuần gốc” chất lượng. Những ngôi sao nhập tịch chỉ thuần túy cải thiện sức mạnh trên cái khung vững vàng có sẵn.

Lấy ví dụ về Nhật Bản. Đội bóng xứ mặt trời mọc trình làng cầu thủ gốc Brazil Wagner Lopes ở World Cup 1998. Sau đó, Alessandro Santos xuất hiện tại World Cup 2002. Giai đoạn này bóng đá Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, nhưng mấu chốt nằm ở chất lượng đào tạo cầu thủ. Năm 1999, lứa U.20 Nhật Bản do ông Philippe Troussier huấn luyện đã vào tới chung kết U.20 World Cup. Sau đó 1 năm, những gương mặt ưu tú được đôn lên Olympic Nhật Bản, rồi tiếp tục tạo kỳ tích khi lọt vào tứ kết Olympic Sydney (Úc). Với cảm hứng từ lứa cầu thủ trẻ này, đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000, rồi có lần đầu vượt qua vòng bảng World Cup vào năm 2002.

Dấu ấn của những cầu thủ nhập tịch như Lopes, Santos có xuất hiện, nhưng chỉ “điểm xuyết” bên cạnh dàn sao nội địa mà Nhật Bản tự đào tạo. Bởi người Nhật hiểu rằng chỉ có hệ thống bóng đá vững mạnh mới tự thân sản sinh ra nhân tài. Một nền bóng đá mạnh không thể chỉ vay mượn sức mạnh mà bỏ quên nội lực của mình.

16 năm trước, đội tuyển VN vô địch AFF Cup 2008 mà không cần cầu thủ nhập tịch nào. Thế hệ vàng với Minh Phương, Công Vinh, Tài Em, Việt Thắng, Hồng Sơn… đã bừng sáng dưới bàn tay dìu dắt của HLV Henrique Calisto để lật đổ sự thống trị của người Thái. Hay giai đoạn hoàng kim của HLV Park Hang-seo cũng gắn liền với thế hệ tài năng Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Tiến Linh… Chúng ta từng tự tay nhào nặn nên nhiều lứa cầu thủ giỏi, mà quá khứ đã chỉ ra bài học: chỉ khi nội lực bóng đá mạnh, đội tuyển VN mới vững vàng và gặt hái thành công bền vững, thay vì “chộp giật” từng giải. Hãy nhớ bài học của Singapore hay Philippines để thấy nhập tịch chỉ thuần túy là một giải pháp, chứ không phải con đường duy nhất để bấu víu vào.

Củng cố hệ thống bóng đá quốc nội, nâng cấp trung tâm đào tạo trẻ cả về số và chất lượng, tạo thêm sân chơi cho cầu thủ trẻ… mới thực sự bồi đắp nên lộ trình bền vững. Đội tuyển VN có thể cởi mở với xu hướng nhập tịch, hoàn toàn đúng đắn. Nhưng cũng phải học cách bước đi bằng chính đôi chân của mình… 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img