Wednesday, October 9, 2024

Giá trị vô giá của bản đồ Taberd 1838

An Nam đại quốc họa đồhay còn gọi là bản đồ Taberd 1838 ghi trang trọng bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ và dịch ra tiếng Latinh, có nguyên bản khá lớn (ngang 40 cm, dọc 80 cm), được ấn hành theo cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị. Tác giả là giám mục Taberd, xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) năm 1838.

Jean – Baptistc Taberd (tên Việt là Từ) sinh tại Saint-Etienne, quận Loire (Pháp) ngày 18.6.1794, Taberd gia nhập Hội Truyền giáo nước ngoài, trụ sở tại Paris (MEP), thụ phong linh mục ngày 27.7.1817. Ngày 7.11.1820, ông rời Pháp sang Đàng Trong – Việt Nam truyền giáo. Taberd nỗ lực học nói tiếng Việt và viết các thứ chữ Hán – Nôm – Quốc ngữ Latinh, mà tư liệu học tập tốt nhất có lẽ là Tự vị Annam Latinh của giám mục Bá Đa Lộc. Taberd chủ yếu lo việc đào tạo các giáo sĩ bản quốc.
Giá trị vô giá của bản đồ Taberd 1838

Bản đồ năm 1788 có ghi dòng “R. de Saigon” [Sông Sài Gòn]

Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Cuối năm 1827, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt về kinh chầu Minh Mạng. Taberd được gặp hai lần. Tháng 3 năm sau (1828), khi Lê Văn Duyệt trở lại nhiệm sở thì ngày 1.6, ba thừa sai Taberd, Gagelin, Odoric được phép rời Huế đi vào Gia Định.

HỌA ĐỒ GHI CHÉP ĐẦY ĐỦ ĐỊA DANH VN ĐƯƠNG THỜI

Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ (ANĐQHĐ) – một công trình đặc sắc của Taberd. Tới thời gian xuất bản năm 1838, nước ta chưa từng có một bản đồ nào lớn rộng và ghi chép khá đầy đủ địa danh như họa đồ này. Hãy phân tích và so sánh với bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ (ĐNNTTĐ) (năm 1840), một bản đồ chính thức của triều Minh Mạng.

Địa danh ở bản đồ Taberd 1838 đều ghi bằng Hán văn, còn ANĐQHĐ thì ghi bằng Quốc ngữ Latinh, cả địa danh hành chính và tục danh, lại thêm những địa danh do ngoại quốc đặt ra. Thí dụ: Núi Thạch Bi (Hán văn) có tục danh là Mũi Nại (Nôm) và gọi theo Tây phương là Cap Varella.

Giá trị vô giá của bản đồ Taberd 1838

Giám mục Bá Đa Lộc – tác giả Tự vị Annam Latinh, tài liệu giúp rất nhiều cho Taberd trong việc tự học tại VN

ẢNH: T.L LÊ NGUYỄN

Đặc biệt, bản đồ Taberd 1838 ghi tới khoảng 505 địa danh bằng Quốc ngữ Latinh hoặc tiếng Latinh. Chính giữa bản đồ, Taberd ghi chữ lớn: An Nam quốc seu (hay là) Imperium Anamiticum. Cả VN khi ấy chia ra: Gia Định phủ (sau là Nam kỳ), Cocincina interior seu (hay là) An Nam Đàng Trong, Cocincina exterior seu (hay là) Đàng Ngoài hoặc Tunquinum.

Taberd giải thích thành là thành trì mang tính quân sự phòng thủ và không quan tâm đến thành còn có nghĩa là đơn vị hành chính gồm nhiều trấn, như Gia Định thành hay Bắc thành. Trong bản đồ có ghi: Bình Định thành, Bình Hòa thành (gần Nha Trang), Gia Định thành (Sài Gòn). Taberd giải thích dinh là lỵ sở cai trị của trấn. Sự thật tại Đàng Trong, dinh là đơn vị hành chính sau gọi là trấn rồi tỉnh. Cho nên, trong bản đồ, các trấn Đàng Ngoài từ Bố Chính trở ra, Taberd chỉ ghi tên trấn. Còn các trấn Đàng Trong thì vừa ghi tên trấn và địa điểm của tên dinh. Số lượng trấn trong bản đồ Taberd cũng gần tương đương với số tỉnh trong ĐNNTTĐ, ngoại trừ xứ Bố Chính Ngoại nay thuộc về tỉnh Hà Tĩnh, Bố Chính Trong cho về tỉnh Quảng Bình và trấn Quảng Đức đổi thành phủ Thừa Thiên. Còn trấn Vĩnh Thanh đổi thành hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang.

Về cung và trạm trên các đường thiên lý liên lạc trong toàn quốc và với các xứ phụ thuộc, Taberd là người đầu tiên ghi vẽ trên bản đồ đầy đủ nhất. Đó là đường thiên lý chính yếu giao thông từ ải Nam Quan – Lạng Sơn, qua Hà Nội, Huế và tới thành Gia Định tức Sài Gòn. Lại có đường cái quan thứ yếu: đường đi Hà Nội qua Hải Đông (Hải Dương), Quảng Yên rồi vòng lên Lạng Sơn và Cao Bằng; đường đi từ Hà Nội qua Thái Nguyên đến Cao Bằng, có thêm chi nhánh đi từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn…

Tại Trung bộ, từ đường thiên lý ở Vinh, có đường vượt dãy Trường Sơn, tới Quỳ Hợp thì chia thành 2 nhánh: một nhánh qua Kỳ Sơn, còn nhánh thứ hai đi qua đèo Cổ Thai, Bản Đơn, Lào Xi Đa, vượt sang hữu ngạn sông Mê Kông tới Lạc Khôn…

Tại Nam bộ, có thiên lý từ thành Gia Định qua Lái Thiêu đến núi Bà Đen thì chia làm 2 ngả: ngả theo hướng tây đến Nam Vang, còn ngả theo hướng bắc tới Chê Tăng Lang. Lại có đường bộ đi từ thành Hà Tiên tới thành Nam Vang. Từ Nam Vang còn nhiều đường bộ đi Com Pong Som, đi Bát Tầm Bâng…

Trên thềm lục địa và Biển Đông tập trung nhiều địa danh nhất: tên các cửa biển, mũi, vũng, cù lao, hòn, rất phong phú và chính xác. Taberd ghi chép địa lý lịch sử Đàng Trong kỹ hơn Đàng Ngoài (số lượng địa danh phong phú hơn). Phủ Gia Định bao hàm toàn địa bàn Nam bộ, đã chuyển đổi thành trấn Gia Định từ năm 1802, nhưng Taberd vẫn ghi dạng hành chính cũ.

Về dạng thức đồ bản, Taberd vẽ theo các bản đồ Tây phương cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến. Nhưng khi ghi địa danh, Taberd sử dụng tài liệu chính thức của VN. Hầu như ông chỉ phiên âm từ Hán Nôm sang Quốc ngữ Latinh của những bản đồ do Quốc sử quán đương thời cung cấp. Ông cũng ghi thêm địa danh mà người nước ngoài đặt để trước khi biết đến địa danh thực tế của ta.

Với quần đảo giữa Biển Đông có địa danh hành chính là Hoàng Sa (chữ Hán), Taberd đã ghi tục danh là Cát Vàng (Nôm) mà người Tây phương gọi là Paracel. Địa danh Cát Vàng là tiếng Việt chỉ có ở Đại Việt xưa và VN nay, không thể ở đâu khác.

Mặc dầu việc ghi địa danh có vài lỗi nhỏ như Long Xuyên đạo thành Sông Xuyên đạo, hay Xương Tinh (Nước Stiêng) thành Tinh Xương, nhưng họa đồ của giám mục Taberd đích thực là một giá trị lịch sử mà không một đồ bản đương thời nào sánh kịp. 


(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img