Wednesday, October 9, 2024

Chiến lược tiếp thị trải nghiệm

Tiếp thị trải nghiệm là chiến dịch, trong đó các công ty, thương hiệu cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm trực tiếp để xây dựng sợi dây liên kết với họ.

Chiến dịch này bao gồm các yếu tố hữu hình, hoàn toàn khác các chiến dịch tiếp thị truyền thống.

Chiến lược tiếp thị trải nghiệm

Công chúng yêu hội họa ở TP HCM rất ấn tượng với “Triển lãm nghệ thuật đa giác quan Hokusai by VPBank”.

Vừa qua, công chúng yêu hội họa ở TP HCM đang rất ấn tượng với “Triển lãm nghệ thuật đa giác quan Hokusai by VPBank”, gồm hơn 100 tác phẩm của Katsushika Hokusai, danh họa thiên tài người Nhật Bản, nổi tiếng và được yêu mến không kém Monet hay Van Gogh.

Không gian triển lãm đang được bày trí tại tầng 25 của tòa nhà Riverfront Financial Centre, TP HCM, chính là nơi VPBank mới mở “chi nhánh soái hạm” đầu tiên của mình. Tại đây, giới mộ điệu được bước vào một không gian nghệ thuật đặc sắc với những tác phẩm nổi tiếng của Hokusai. Không chỉ trưng bày theo hình thức thực thể nguyên bản, Ban tổ chức còn tái hiện các tác phẩm bằng nhiều công nghệ trình chiếu kỹ thuật số đa chiều như công nghệ thực tế ảo (AR), 3D mapping và tương tác cảm biến hòa cùng âm nhạc.
Việc một ngân hàng bỗng đứng ra làm một triển lãm nghệ thuật nghe có vẻ lạ đời, nhưng thực ra đó là một phương pháp tiếp thị trải nghiệm.

Nhiều lợi ích thiết thực

Trong thời đại công nghệ số, tiếp thị trải nghiệm tạo nên cảm giác độc đáo vì nó là các hoạt động trực tiếp, thực địa. Dĩ nhiên, tiếp thị trải nghiệm vẫn bao gồm một số yếu tố kỹ thuật số, nhưng trọng tâm là các hoạt động tiếp thị trực tiếp.

Người tiêu dùng thường không thích xem quảng cáo. Tiếp thị trải nghiệm góp phần giải quyết được vấn đề này, bởi vì nó trực tiếp khiến người dùng, khách hàng cảm thấy thú vị và tương tác. Khi được triển khai đúng cách, tiếp thị trải nghiệm đem đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Muốn mình trở nên độc đáo, thứ mình trải nghiệm là đặc biệt. Những chiến dịch tiếp thị trải nghiệm đều được “đo ni đóng giày” cho từng đối tượng khác nhau. Vậy nên, chắc chắn người tham gia sẽ cảm thấy thích thú và có nhu cầu chia sẻ với người khác, đặc biệt thông qua mạng xã hội. Bằng chứng là rất nhiều người chia sẻ hình ảnh tham quan triển lãm của VPBank lên Facebook tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, tạo tiếng vang và tăng cường độ nhận diện thương hiệu. Các chiến lược tiếp thị trải nghiệm được sinh ra để người ta thảo luận. Điều này sẽ trở thành một kiểu tiếp thị truyền miệng.
Đặc biệt, xây dựng mối quan hệ và tình yêu với khách hàng. Những chiến lược tiếp thị trải nghiệm không chỉ khiến khách hàng thảo luận về thương hiệu, mà còn thảo luận theo cách tích cực nhất có thể. Sợi dây liên kết này sẽ giúp thương hiệu gia tăng doanh số bán hàng ngắn hạn và sự trung thành với thương hiệu.

Ngoài ra, tiếp cận công chúng “miễn phí”. Các chiến dịch tiếp thị trải nghiệm hiệu quả không chỉ thu hút khách hàng, mà còn khiến báo chí, đài truyền hình, các phương tiện truyền thông để mắt đến. Đó chính là tiềm năng tiếp cận công chúng của tiếp thị trải nghiệm.

Các loại hình nổi bật

Xuyên suốt thời gian phát triển đến nay, tiếp thị trải nghiệm được biến hóa thành nhiều dự án, nhiều kế hoạch. Thế nhưng tựu trung lại có 4 loại hình tiếp thị trải nghiệm chính.

Thứ nhất là tiếp thị sự kiện. Tiếp thị sự kiện và tiếp thị trải nghiệm luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên, mọi sự kiện đều có thể là một dạng tiếp thị trải nghiệm, nhưng không phải tiếp thị trải nghiệm nào cũng đều là sự kiện. Triển lãm của VPBank cũng là một dạng tiếp thị sự kiện.

Thứ hai là các hoạt động kích hoạt thương hiệu. Đây là những hoạt động liên quan đến việc ra mắt dòng sản phẩm hoặc dịch vụ mới của công ty, là cơ hội phù hợp để các công ty triển khai tiếp thị trải nghiệm, khiến khách hàng nhận biết đến sản phẩm, từ đó tạo nên nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh đó, một trong những cách hay nhất để thực hiện tiếp thị trải nghiệm là cho khách hàng dùng thử sản phẩm.

Thứ ba là tiếp thị du kích. Giống như sự kiện, tiếp thị du kích và tiếp thị trải nghiệm có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều cần yếu tố bất ngờ và thường được tạo ra bằng những trải nghiệm hoặc các màn trình diễn không thể dự đoán trước. Sự bất ngờ ấy chính là động lực để gia tăng các cuộc thảo luận xung quanh chiến dịch. Ví dụ, một phòng tập gym đã cho người mẫu đóng giả Mai An Tiêm bán dưa hấu trên đường phố chính là hình thức này.

Thứ tư là tiếp thị tại điểm bán. Những hoạt động tiếp thị tại điểm bán sẽ thu hút khách hàng trực tiếp đến cửa hàng, từ đó kéo dài thời gian mua sắm của họ, tăng tỷ lệ mua thêm hàng. Đây là một trong những hoạt động mà các cửa hàng bán lẻ không thể bỏ qua, đặc biệt nếu muốn cạnh tranh với những cửa hàng trực tuyến.

Cửa hàng soái hạm của công ty đồ thể thao Lululemon tại Manhattan là một trong những địa điểm nổi tiếng áp dụng chiến lược này. Cửa hàng không chỉ là nơi để khách hàng mua sắm, mà còn cung cấp nhiều dịch vụ đặc biệt khác như dịch vụ hỗ trợ khách hàng và không gian cộng đồng Hub Seventeen. Hub Seventeen sở hữu website riêng biệt, nơi người dùng có thể tìm thấy các lớp học yoga, thể dục, các buổi triển lãm và workshop.

Về lý thuyết, mọi công ty đều có thể triển khai tiếp thị trải nghiệm. Tuy nhiên muốn hiệu quả, cần đầu tư nhiều nên đa phần loại hình này vẫn đang được thực hiện bởi các thương hiệu lớn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img