Chỉ trong vòng 3 – 4 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn thấy làn sóng ứng dụng AI phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Sự phát triển rất nhanh của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo đã tạo ra công cụ mới: no code – low code (mã thấp và không mã) được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội lớn thúc đẩy chuyển đổi số, giúp cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, công cụ này đang trở thành giải pháp lý tưởng hỗ trợ các doanh nghiệp SME dễ dàng phát triển hạ tầng kỹ thuật số phù hợp với điều kiện tài chính, nhân sự mà không quá phụ thuộc vào các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ.
“Nhân viên AI”
AI được xem như cuộc cách mạng toàn diện và triệt để mà không một quốc gia nào, không một cộng đồng nào, không một ngành nghề nào hay không một doanh nghiệp nào thoát khỏi sự ảnh hưởng của AI. Đặc biệt, với AI tạo sinh, tiềm năng ứng dụng trong doanh nghiệp là vô tận.
Từ 2 năm trở lại đây, AI tạo sinh làm cho tính phổ dụng của trí tuệ nhân tạo lớn hơn bao giờ hết. Ngay cả những người làm nghề nhiều năm như chúng tôi, từ 5-7 năm trước cũng chưa thể nghĩ rằng có thể tạo ra trợ lý ảo hay chatbox có thể trả lời rất hay, chính xác, thành thục chỉ trong vòng vài giờ. Vậy mà giờ đây, việc sử dụng và ứng dụng AI phổ dụng như AI tạo sinh trong doanh nghiệp là điều bình thường.
Chỉ trong vòng 3 – 4 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn thấy làn sóng ứng dụng AI phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Hệ thống AI agents tích hợp toàn diện và “thẩm thấu” vào hệ thống thông tin của doanh nghiệp, cùng tham gia làm việc với các nhân viên. Chúng ta có thể sẽ nhìn thấy, làm quen với những “nhân viên AI” trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp phải lường trước một số rủi ro thách thức đến từ quản trị, từ nhận thức, từ văn hoá, từ kỹ thuật khi AI đang trong quá trình phát triển tiếp… Tuy nhiên, có hai thách thức lớn trong ứng dụng AI tại doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn đều gặp phải. Thứ nhất, thiếu hụt nguồn nhân lực, có nghiên cứu chỉ ra rằng, nhu cầu nhân sự AI trên toàn cầu có thể cần đến 2 triệu người nhưng thực tế chỉ có 200.000 nhân sự. Thứ hai, chi phí đầu tư đắt đỏ do đặc thù dự án AI thường phải thất bại nhiều lần mới thành công. Các doanh nghiệp lớn với điều kiện tài chính tốt dễ dàng đáp ứng các yêu cầu trên, còn doanh nghiệp SME sẽ khó khăn hơn.
Theo góc nhìn của chúng tôi, để AI hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp hiệu quả thì AI cần được ứng dụng đủ rộng và đủ sâu. Có nghiên cứu nổi tiếng của MIT chỉ ra, trong chuyển đổi số của doanh nghiệp, AI thực sự mang đến giá trị tăng trưởng bền vững nếu được áp dụng đủ sâu rộng trên 25% hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nền tảng mới cởi gỡ thách thức
Cơ hội nào và cách thức triển khai ra sao để các doanh nghiệp SME tham dự cuộc chơi AI đắt đỏ, tiềm ẩn những rủi ro nhất định trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những câu hỏi mà chúng tôi vẫn luôn luôn trăn trở. Rất mừng, thời gian gần đây chúng tôi tìm thấy công cụ mới để hỗ trợ giải bài toán khó trên khi nền tảng mới xuất hiện trên thế giới. Đó là no code – low code bắt đầu từ sự trưởng thành vượt bậc của công nghệ, trong đó có những tiến bộ của AI.
Quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp và tự động hóa quy trình làm việc đòi hỏi doanh nghiệp cần phát triển nhiều hơn các công cụ số như website kỹ thuật, databases, dataAnalytics… No code – low code với nhiều nền tảng hỗ trợ cho phép chúng ta chỉ cần đưa ra câu lệnh, yêu cầu, AI sẽ tự viết nhiều loại code khác nhau mà con người không phải “nhúng tay”.
Thực tế, tại Việt Nam đã có startup với nhân sự chỉ có 8 người, trong đó có 1 nhân sự IT đã ứng dụng thành công giải pháp no code – low code để vận hành kinh doanh dựa trên không gian số, trên dữ liệu và AI. Tổng chi phí startup này đầu tư xây dựng các giải pháp trên các nền tảng no code – low code là hơn 500 USD, tương đương khoản lương của một nhân viên. Trong khi để làm các giải pháp AI như trên, không sử dụng nền tảng no code – low code, ước tính doanh nghiệp phải mất từ 300.000 – 500.000 USD, không thể thấp hơn. Điều này cho thấy, no code – low code đang giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí mà đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số.
Đầu năm nay, Gartner đưa ra phân tích dự báo cho thấy thị trường no code – low code đang tăng trưởng nhanh với giá trị trong năm 2024 khoảng 17 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Không chỉ các doanh nghiệp SME, tôi cho rằng các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu thử nghiệm, sử dụng giải pháp này. Lý do đơn giản là giải quyết vấn đề chi phí và thiếu hụt nguồn nhân lực bởi ngay cả những người không có chuyên môn sâu về công nghệ cũng có thể xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hay chỉ mất vài giờ có thể xây dựng trang web thông minh trên nền tảng no code – low code…
Điều này có nghĩa là những nhân viên, bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp như marketing, nhân sự có thể tự ứng dụng AI vào công việc của mình thông qua nền tảng no code – low code nhanh hơn là việc đào tạo, sử dụng kỹ sư AI có kiến thức về công nghệ nhưng không thông thạo chuyên môn như các bộ phận, nhân viên chuyên trách khác trong doanh nghiệp.
Để triển khai được các giải pháp no code – low code, từ kinh nghiệm của chúng tôi khi làm việc với các doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện theo 6 bước. Đó là thay đổi nhận thức và văn hoá; có kiến thức cơ bản về dữ liệu và AI; cần làm chủ công nghệ no code – low code; chuẩn hoá dữ liệu và quy trình; xây dựng lộ trình từng bước để ứng dụng no code – low code và AI cho chuyển đổi; tối thiểu chi phí vận hành và nhân sự IT.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn