Sau mưa lũ, điều kiện vệ sinh kém cùng với tình trạng thiếu nước sạch, thuốc men là nguyên nhân phát sinh nhiều bệnh da liễu, trong đó có bệnh ghẻ.
Hãy cùng tìm hiểu về bệnh ghẻ và những cách phòng tránh bệnh ghẻ theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ dưới đây:
Ghẻ là bệnh ngoài da có tính chất lây lan, do ký sinh trùng có tên Sarcoptes scabiei (cái ghẻ) xâm nhập và gây nên các tổn thương cho da, khiến vùng da đó bị ngứa ngáy, khó chịu, nhất là vào ban đêm.
Đa số trường hợp mắc bệnh ghẻ đều không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng ghẻ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa hoặc thậm chí là viêm cầu thận.
Các dấu hiệu của bệnh ghẻ
Các dấu hiệu da bị ghẻ ngứa sẽ xuất hiện trong sáu tuần sau khi da nhiễm ký sinh trùng. Nếu đã từng mắc bệnh, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn, chỉ trong vòng một vài ngày sau khi bị bệnh.
Các dấu hiệu của bệnh ghẻ thường bao gồm:
Ngứa dữ dội và phát ban, thường nặng hơn vào ban đêm.
Xuất hiện những mụn nước hay u nhỏ nhạt màu trên da.
Nếu bị ghẻ đóng vảy, trên da xuất hiện lớp vỏ dày chứa hàng nghìn con ve và trứng.
Lớp vảy thường xám, dày và hay vỡ vụn ra khi chạm vào.
Ở người trưởng thành và trẻ vị thành niên, dấu hiệu bị ghẻ lở thường xuất hiện ở các vùng: Giữa các ngón tay, trong nách, vùng eo, các nếp gấp ở cổ tay, vùng khuỷu tay bên trong, lòng bàn chân, vùng quanh vú, xung quanh khu vực bộ phận sinh dục, trên mông đầu gối, bả vai.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí nhiễm ghẻ thường ở các vùng sau: Da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Phương pháp điều trị bệnh ghẻ
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ghẻ với các mức độ hiệu quả khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn điều trị là độ tuổi, giá cả, mức độ nặng của bệnh và tính hiệu quả của các phương pháp điều trị trước đó.
Nguyên tắc điều trị: Điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ. Bôi thuốc phải đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Giặt sạch, phôi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.
Các loại thuốc thường được dùng để điều trị ghẻ bao gồm:
Thuốc giảm ngứa:
– Thuốc uống kháng histamin: hydroxyzine hydrochloride, chlorpheniramine, diphenhydramine dùng trước khi đi ngủ buổi tối.
– Kem bôi chứa corticoid: dùng khi đã được bác sĩ kê đơn thuốc diệt ghẻ.
Thuốc tiêu diệt cái ghẻ:
– Permethrin 5%: thoa lên và để lưu lại trên da trong khoảng 8 – 12 giờ sau đó tắm sạch, mỗi tuần dùng 1 lần.
– Lindane 1%: thoa và lưu lại trên da trong 6 giờ sau đó tắm sạch, mỗi tuần thoa 1 lần.
– Crotamiton 10%: thoa và lưu lại trên da trong 24 giờ sau đó tắm sạch, dùng liên tục 3 – 5 ngày.
– Benzyl benzoate 10%: thoa và lưu lại trên da trong 24 giờ sau đó tắm sạch, dùng liên tục 3 – 5 ngày.
– Mỡ lưu huỳnh 2 – 10%: thoa và lưu lại trên da trong 24 giờ sau đó tắm sạch, dùng liên tục 3 ngày.
– Ivermectin: chỉ dùng một liều uống duy nhất, nếu cần có thể lặp lại sau đó 2 tuần.
Các loại thuốc bôi trị ghẻ sẽ cho đáp ứng tốt sau 3 – 5 ngày sử dụng nên không xuất hiện thêm các mụn nước mới gây ngứa trên da. Tuy nhiên, triệu chứng ngứa có thể tồn tại tới vài tuần sau khi dùng thuốc nên tốt nhất người bệnh cần dùng kem dưỡng ẩm bôi lên da để giảm ngứa.
Ghẻ là một bệnh do ký sinh trùng gây nên. Bệnh thường gặp ở vùng ẩm thấp, vệ sinh kém vì vậy cách tốt nhất để phòng bệnh là giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Người bệnh có các dấu hiệu ghẻ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc về tự điều trị tại nhà để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: vtv.vn