Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế tất yếu ở thời đại 4.0, vừa đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của độc giả bằng nhiều hình thức tương tác hấp dẫn phù hợp, vừa thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển thì vấn đề bảo hộ bản quyền càng đứng trước nhiều thách thức.
Các đại biểu tranh luận tại tọa đàm Chuyển đổi số – cơ hội thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay
ẢNH: QUỲNH TRÂN
XÂM PHẠM BẢN QUYỀN NGÀY CÀNG PHỨC TẠP, TINH VI
Phát biểu đề dẫn, ông Lê Hoàng, Trưởng văn phòng đại diện phía nam Hội Xuất bản VN, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách, nhấn mạnh:
“TP.HCM là trung tâm của mục tiêu chuyển đổi số trong xuất bản. Cơ hội thì luôn đi cùng với thách thức. Bên cạnh những ưu điểm, mặt tích cực to lớn thì cũng còn những thách thức đang là mối quan ngại không chỉ đối với ngành mà còn xã hội nói chung, đó là tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng mạng diễn biến phức tạp, tinh vi”.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ, bức xúc: “Vấn nạn xâm phạm quyền tác giả trên nền tảng số đang gióng lên hồi chuông báo động, không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, không có giới hạn địa lý, nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Những hành vi xâm phạm quyền tác giả này lại được tiếp tay bởi nhiều “người dùng” khi đọc, xem, nghe các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất các nội dung khác đưa lên mạng mà không cần xin phép ai hay trả tác quyền”.
Ghi nhận sự phát triển của nhiều kênh bán sách trực tuyến qua livestream của những KOLs, người nổi tiếng rất thành công, với doanh số “khủng” của TikTok là 600 tỉ đồng trong 6 tháng và đang phấn đấu trong năm nay đạt từ 1.000 – 1.200 tỉ đồng, nhưng bà Quách Thu Nguyệt, Phó chủ nhiệm CLB Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM, cứ băn khoăn: “Đó là những con số đáng mừng nhưng chính tôi lại là nạn nhân của việc mua phải sách giả qua mạng. Hiện nay, ChatGPT, AI hoàn toàn có thể viết được một cuốn sách theo chủ đề và thông điệp muốn gửi gắm thì việc kiểm soát vấn đề liêm chính cho tác phẩm là vô cùng cần thiết. Trong khi việc xào nấu tác phẩm của nhau, ăn cắp bản quyền vẫn còn diễn ra nhiều nơi, thậm chí có cuốn sách “xào nấu” kiểu đó còn được trao giải thưởng…, thì những vấn nạn nhức nhối cả ngoài đời và trên không gian mạng buộc chúng ta phải đối diện và làm sao phải vượt qua…”.
Tình trạng xâm phạm bản quyền và quyền tác giả kéo dài, nguyên nhân chính, theo ông Nguyễn Thành Nam, do công tác bảo hộ bản quyền trên không gian mạng chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đầu tư nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực thi và đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm bản quyền chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới. Vấn đề chế tài, xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan không đủ tính răn đe, một số hành vi xử phạt thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp với luật sở hữu trí tuệ mới.
Một số ý kiến tại buổi tọa đàm nêu ra quá trình xử lý vi phạm quyền tác giả trên nền tảng số hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa trên cơ sở ý thức bảo vệ tác quyền của từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Chưa có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị hữu quan, các nhà chức trách và cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền phối hợp giải quyết vấn đề nhanh chóng và có hiệu quả. Việc xác định chủ thể có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên lãnh thổ VN gặp nhiều khó khăn do cá nhân, tổ chức cung cấp nội dung xuyên biên giới hoặc các website, ứng dụng sử dụng tên miền quốc tế, che giấu tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm, sử dụng tên, địa chỉ giả, thuê đặt máy chủ ở nước ngoài…
TRIỂN KHAI NGAY CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ BẢN QUYỀN
Để từng bước chống nạn vi phạm bản quyền trên không gian mạng, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), nhấn mạnh có hai việc cần làm ngay: “Một là bảo vệ: Mỗi ngành tự bảo vệ, mỗi NXB tự bảo vệ, mỗi một tác giả và người tham gia hoạt động xuất bản đều phải tự bảo vệ mình. Hai là kiên quyết chống các hành vi sao chép, nhân bản. Không gian số cực kỳ mở, việc chúng ta chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng xử lý dưới góc độ bắt vi phạm thì rất khó khăn. Đây là bài toán chung của quốc tế chứ không riêng gì VN”.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết thêm về các kế hoạch sẽ được triển khai thời gian tới: “Bộ trưởng Bộ TT-TT vừa có chỉ đạo chúng tôi sẽ nhóm họp các NXB có tham gia các nền tảng xuyên biên giới, qua đó đề nghị cung cấp thẻ xanh cho các doanh nghiệp làm ăn uy tín, sau đó công bố rộng rãi trên các cơ quan thông tin truyền thông để độc giả biết tìm kiếm, tin tưởng mua sách trên những nền tảng uy tín như vậy. Hội Xuất bản VN cũng đang xây dựng trung tâm bảo vệ bản quyền sách, có trách nhiệm đấu tranh với các đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài liên quan đến vấn đề bảo vệ bản quyền. Chúng tôi sẽ mở rộng và phát huy vai trò hoạt động của đoàn liên ngành phòng chống buôn lậu T.Ư sang cả việc phát hành lậu, sao chép trên không gian mạng. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, vì bảo vệ bản quyền là bảo vệ không gian sáng tạo – tương lai của toàn xã hội chứ không phải chỉ riêng của ngành sách. Cuối cùng, nói gì thì nói quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền. Không có cách nào khác để mỗi thế hệ VN lớn lên đều thực hiện nghiêm túc việc này, vì tôn trọng bản quyền đó là tôn trọng không gian sáng tạo và tôn trọng chính bản thân mình”.
Nguồn: thanhnien.vn