Thursday, November 28, 2024

Cái giá Ukraine phải trả khi đóng van đường ống khí đốt từ Nga sang châu Âu

Việc Ukraine tuyên bố cắt đứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu có thể gây căng thẳng giữa Ukraine với một số nước thành viên EU và NATO trong bối cảnh Ukraine mong muốn sớm được gia nhập 2 tổ chức này.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 7/ 10 cho biết, nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 31/12 năm nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại thành phố biên giới Uzhhorod ở phía Tây Ukraine, ông Denys Shmyhal khẳng định: “Ukraine một lần nữa tuyên bố sẽ không tiếp tục thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga sau khi thỏa thuận hết hạn. Mục tiêu chiến lược của Ukraine là làm giảm lợi nhuận của Nga trong lĩnh vực này để họ không có nguồn tài chính tài trợ cho các hoạt động quân sự”.

Thủ tướng Shmyhal cho biết, Ukraine hiểu rõ “sự phụ thuộc sâu sắc” của một số quốc gia, trong đó có cả Slovakia, vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, nhưng nhấn mạnh, việc đa dạng hóa nguồn cung cấp có thể khắc phục được những vấn đề như vậy.

Kể từ khi xung đột Nga Ukraine nổ ra, châu Âu luôn cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga, đồng thời tìm nguồn cung cấp từ các quốc gia khác để bù đắp. Châu Âu đã gia tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ từ 19 tỷ mét khối vào năm 2019 lên 56 tỷ mét khối vào năm 2023.

Tuy nhiên, sau hai năm xung đột, khí đốt tự nhiên của Nga vẫn chảy vào EU. Khối lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu đã giảm đáng kể, từ 180 tỷ mét khối vào năm 2019 xuống chỉ còn 28,3 tỷ mét khối vào năm 2023. Nhưng riêng trong tháng 7/2024, lượng nhập khẩu đã tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Khoảng một nửa lượng khí đốt mà Nga chuyển vào châu Âu đi qua các đường ống ở Ukraine. Điều này dự kiến thay đổi vào cuối năm nay, khi thỏa thuận trung chuyển của Ukraine với Nga, do EU làm trung gian vào năm 2019, hết hiệu lực. Trong bối cảnh không có bất cứ cuộc đàm phán nào về việc gia hạn, Nga sẽ phải chấm dứt cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua trạm trung chuyển tại Ukraine.

Việc châu Âu giảm nhập khẩu khí đốt của Nga, kéo theo đó là sự cắt đứt các tuyến đường ống dẫn nối Ukraine với Nga là điều đã được dự đoán trước khi giao tranh ngày càng leo thang. Song giới phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Nga, Ukraine và phương Tây nên cân nhắc hậu quả tiềm tàng của vấn đề này.

Tầm quan trọng của tuyến đường dẫn khí đốt qua Ukraine

Đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod, còn được gọi là đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia, là một công trình kinh tế lớn của Liên Xô được xây dựng từ năm 1980. Tuyến đường này vận chuyển khí đốt từ Siberia qua thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk của Nga, sau đó đi qua Ukraine và đến Slovakia.

Tại Slovakia, đường ống dẫn khí đốt chia thành các nhánh đi đến Cộng hòa Séc và Áo. Áo vẫn nhận được phần lớn khí đốt qua Ukraine. Đối với Hungary, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.

Slovakia tiếp nhận khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt từ tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga mỗi năm, đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu của nước này. Cộng hòa Séc trước đó gần như cắt giảm hoàn toàn lượng khí đốt nhập khẩu từ phía đông, nhưng đã bắt đầu tiếp nhận khí đốt từ Nga vào năm 2024.

Hầu hết các tuyến đường ống dẫn khí đốt khác của Nga đến châu Âu đều đã đóng cửa, trong đó có tuyến đường Yamal-Europe đi qua Belarus và Nord Stream nằm dưới biển Baltic. Một tuyến đường ống dẫn khí đốt khác của Nga đến châu Âu vẫn hoạt động là Blue Stream và TurkStream đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, nằm dưới Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ đã trung chuyển một lượng khí đốt nhất định của Nga đến châu Âu, trong đó có cả Hungary.

EU hiện đang chia rẽ về việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Nhiều thành viên như Pháp và Đức đã tuyên bố sẽ không mua khí đốt của Nga, trong khi Slovakia, Hungary và Áo lại đưa ra lập trường khác, thách thức cách tiếp cận chung của EU. Các quốc gia vẫn tiếp nhận khí đốt của Nga cho rằng đây là nhiên liệu kinh tế nhất, đồng thời đổ lỗi cho các nước láng giềng vì đã áp dụng phí trung chuyển cao đối với nguồn cung thay thế. Việc Ukraine tuyên bố cắt đứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu có thể gây căng thẳng giữa Ukraine với một số nước thành viên EU và NATO trong bối cảnh Ukraine mong muốn sớm được gia nhập 2 tổ chức này.

Hậu quả tiềm tàng của việc chấm dứt thỏa thuận

Ukraine hiện vẫn hưởng lợi từ việc thu phí trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu. Ước tính, các khoản phí này lên tới 800 triệu USD mỗi năm. Theo Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, ngày nay, số tiền này chủ yếu được dùng để chi trả cho chi phí vận hành và bảo dưỡng đường ống

Trước xung đột, các đường ống của Ukraine hoạt động với công suất lớn hơn so với thời điểm hiện tại, mang lại cho công ty khí đốt quốc gia Naftogaz của Ukraine doanh thu gần 3 tỷ USD mỗi năm.

Ông Sergey Vakulenko, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Carnegie Russia Eurasia, lưu ý rằng, cho dù khối lượng khí đốt được vận chuyển và các khoản phí mà Ukraine thu được có thể giảm đáng kể thì việc duy trì tuyến đường ống dẫn này sẽ vẫn giúp Ukraine có cơ hội thu thêm phí trung chuyển trong tương lai.

Trong trường hợp ngược lại, nếu thỏa thuận không được gia hạn, Ukraine sẽ bị thiệt hại lớn do cơ sở hạ tầng này bị bỏ không. Cơ sở hạ tầng đường ống của Ukraine có thể được tái sử dụng sau khi hợp đồng của Ukraine với Nga hết hạn. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là nó được xây dựng có mục đích nhằm mục đích liên kết Ukraine với Nga. Nếu nguồn cung cấp khí đốt từ Nga không còn, cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ phải trải qua những thay đổi nhất định.

Đối với châu Âu, việc duy trì mua khí đốt của Nga cho thấy mối liên kết kinh tế giữa hai bên dù căng thẳng nhưng không bị phá vỡ trong hơn 2 năm xung đột.

Nhà nghiên cứu Julian Fisher tại Đại học Washington cho rằng, những người coi việc châu Âu cắt đứt quan hệ với Nga là điều cần thiết hoặc không thể tránh khỏi dường như đã chấp nhận tư duy về một cuộc xung đột toàn diện, thể hiện qua lập trường “loại trừ các cuộc tiếp xúc chính thức giữa EU và Moscow”.

Nếu thương mại dầu khí là dấu hiệu cảnh báo của cuộc chiến này, thì việc hết hạn thỏa thuận quá cảnh của Ukraine với Nga vào tháng 12/2024 được xem là điều đáng báo động. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Nga, Ukraine và phương Tây nên cân nhắc duy trì thỏa thuận quá cảnh này, với mục tiêu ngăn chặn leo thang hơn nữa và hướng tới giải pháp đàm phán cho cuộc chiến, nhà nghiên cứu Julian Fisher lưu ý.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img