Saturday, December 21, 2024

Điều chỉnh diện tích đất lúa để ĐBSCL ‘thoát nghèo’

Ngày 10.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Chỉ trồng lúa, người dân không khá nổi”

Tại tờ trình, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho hay, Chính phủ đề nghị QH cho phép chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt quy hoạch), trình Quốc hội (QH) thông qua trong năm 2025. Dự kiến Chính phủ sẽ trình QH điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất tại quy hoạch, gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có đất quốc phòng, đất an ninh).

Điều chỉnh diện tích đất lúa để ĐBSCL 'thoát nghèo'

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới nêu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch điều chỉnh lần này sẽ phải rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này cần nghiên cứu để phân bổ hợp lý diện tích đất trồng lúa của vùng ĐBSCL với các vùng khác; đồng thời phù hợp với sự phát triển KT-XH cả nước, nhất là việc phát triển hợp lý về công nghiệp và các ngành khác.

Theo ông Tới, việc quy hoạch vùng ĐBSCL cơ bản là đất trồng lúa khiến vùng này bị giới hạn rất nhiều do không thể phát triển được các ngành công nghiệp, dịch vụ. Ông Tới nói, thời bao cấp, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, cả nước đang thiếu lương thực, ĐBSCL là một trong những nơi làm lương thực cứu nơi khác thoát đói. “Nhưng mấy chục năm qua, người dân ĐBSCL vẫn nghèo. Chỉ trồng lúa thì người dân không khá nổi. Tôi đề nghị điều chỉnh đất trồng lúa hợp lý giữa vùng miền và thứ hai là để phát triển công nghiệp, dịch vụ”, ông Tới nhấn mạnh.

Địa phương gặp khó nếu được “giao” nhiều đất lúa

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là đảm bảo nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Chủ tịch QH cũng lưu ý điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Về đất lúa, Chủ tịch QH nói, an ninh lương thực hết sức quan trọng. “Vì sao chúng ta giữ đất trồng lúa, dù trồng lúa thì lời không nhiều, chỉ có thể đủ ăn hoặc thiếu ăn nhưng vì an ninh lương thực quốc gia, cũng là đóng góp an ninh lương thực quốc tế”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Điều chỉnh diện tích đất lúa để ĐBSCL 'thoát nghèo'

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Giải trình sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này sẽ có những chỉ tiêu sử dụng đất tăng rất lớn như chỉ tiêu đất giao thông. “Giờ chỉ cần QH bấm nút thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thì nhu cầu sử dụng đất giao thông sẽ tăng lên rất lớn. Và không thể lấy đất từ đâu khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghiệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp”, ông Hà nêu.

Nhấn mạnh việc giữ 3,5 triệu ha đất lúa là chủ trương của Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải tính toán việc sử dụng 3,5 triệu ha đất lúa này thế nào cho hiệu quả hơn. “Hiện giờ, địa phương nào được giao đất lúa nhiều thì đúng là rất khó”, ông nói thêm.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều 4 luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) và Đấu thầu. Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm của Chính phủ là tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục rà soát để tháo gỡ những gì thực sự đang vướng, bức xúc và tháo một cái có thể gỡ được nhiều, mở ra những thứ mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn cho người dân, doanh nghiệp. Song ông lưu ý tránh tình trạng sửa đổi giúp quản lý nhà nước thuận lợi hơn nhưng lại khó khăn, thiệt cho người dân, doanh nghiệp. Ông Định đề nghị việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng pháp luật không chỉ để quản lý mà còn để kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. “Lâu nay, hàm lượng hỗ trợ, kiến tạo trong pháp luật cũng hơi bị nhẹ hơn so với yêu cầu quản lý. Do đó, chúng ta làm một hồi thì thắt nghẹt hết tất cả. Bây giờ chúng ta bắt đầu có tư duy mới. Và QH đã đồng hành với Chính phủ về quan điểm này”, ông nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img