Hai học sinh của Trường THPT chuyên Quốc học Huế đã diễn thuyết về chuyện hòn đá ‘thức tỉnh’ mọi người nhân lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai (13.10).
Vì sao chọn Thừa Thiên – Huế là nơi tổ chức?
Buổi lễ được tổ chức trong bối cảnh thế giới vừa chứng kiến nhiều trận thiên tai thảm khốc, dị thường như cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá ở các tỉnh miền Bắc nước ta, cũng như cơn bão Milton vừa diễn ra tàn phá kinh hoàng tại Florida (Mỹ)…
Tỉnh Thừa Thiên – Huế là địa phương thuộc tỉnh miền Trung hằng năm hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bão lụt nhưng thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và kinh nghiệm quý trong công tác thích ứng, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Điển hình như kinh nghiệm về quy trình vận hành liên hồ chứa trong các đợt bão lụt giúp điều tiết nguồn nước về hạ lưu, giảm đáng kể thiệt hại do lũ lụt gây ra… nên được chọn tổ chức lễ kỷ niệm như hình mẫu trong phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho biết đến tận lúc này, nhiều người trong chúng ta cũng chưa thể hết cảm giác đau đớn khi xem những hình ảnh mà bão số 3 (Yagi), cơn bão được ghi nhận là mạnh nhất trong 70 năm qua đổ bộ tại các tỉnh miền Bắc vào đầu tháng 9 vừa qua. Bão Yagi đã để lại hậu quả cực kỳ nặng nề với Việt Nam, trong đó hơn 300 người đã chết, hàng nghìn người bị thương, hàng chục nghìn căn nhà đã bị hư hỏng và thiệt hại chung cho nền kinh tế ước tính tới 3 tỉ USD.
Chuyện về hòn đá và việc giảm thiểu rủi ro thiên tai
Tại buổi lễ, Như Quỳnh và Nhật Huy, 2 học sinh lớp 10A1 Trường THPT chuyên Quốc học Huế, đã có phần diễn thuyết về công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai bằng câu chuyện hòn đá, khiến nhiều người bất ngờ và trân trọng cảm nghĩ của các em.
“Đá có mặt ở khắp nơi, bên bờ sông, giữa những cánh đồng cỏ, hoặc nằm lặng lẽ bên cổng nhà… Nhưng chúng ta đã bao giờ tự hỏi điều gì đã mang viên đá đến chỗ nó đang nằm hay liệu đó có phải là vị trí ban đầu của nó?”, hai học sinh đặt câu hỏi và từ đó đi vào phân tích nhận thức của mình về thiên nhiên về thiên tai.
“Dù có vẻ như rất nhỏ bé và tĩnh lặng, nhưng ẩn sau sự bình yên đó là những câu chuyện như thế nào? Có thể ban đầu nó nằm trên đỉnh một ngọn núi xa xôi, được bao bọc bởi cỏ cây xanh tươi không đổi. Nhưng rồi mưa đến. Khi những giọt nước tích tụ, mặt đất bắt đầu rung chuyển. Không kịp phản ứng, đất trượt đi, và cuộc sống bình yên của viên đá bị cuốn trôi. Nó chứng kiến sự tàn phá không chỉ của ngôi nhà của nó, mà còn của những sự sống xung quanh, nỗi đau của một người mẹ mất con, sự tuyệt vọng của một người lính không thể cứu đồng đội. Cuốn theo dòng lũ, viên đá cuối cùng cũng dừng chân tại một vùng đất xa lạ, như thể chưa có gì từng xảy ra”, Như Quỳnh và Nhật Huy lý giải.
Để hiến kế cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Như Quỳnh và Nhật Huy kêu gọi mọi người cần hiểu hành trình của những hòn đá vô tri, để có thể thích ứng, để những hòn đá có thể gắn với ký ức tuổi thơ, gắn với công trình hữu ích cho con người mà không phải để chúng trải qua hành trình thịnh nộ của thiên nhiên.
Giải pháp mà 2 học sinh này “hiến kế” để thích ứng: làm tường chắn đất cho những khu vực có độ dốc, giúp làm chậm dòng nước và sức công phá; tạo nên những con lạch cạn, nơi đá được đặt đan xen vào nhau ở các khu vực thường xuyên có nước mưa chảy qua, giúp ổn định mặt đất trong những trận mưa lớn.
“Những phương pháp này, dù đơn giản, đều có thể bảo vệ chúng ta khỏi sức mạnh của lũ lụt”, hai em học sinh lý giải.
Các giải pháp mà 2 học sinh đưa ra tuy không mới, nhưng qua câu chuyện các em muốn “đánh thức” mọi người hiểu và trân trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái như là giải pháp thích ứng bền vững.
“Không giống như đá, chúng ta có thể thay đổi cuộc đời mình và cuộc đời của những người khác bằng hành động của mình ngay từ bây giờ”, Như Quỳnh và Nhật Huy kêu gọi.
Tạo buổi lễ, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) Việt Nam, cho rằng những người trẻ tuổi là nhân tố tạo nên sự thay đổi trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai.
“Năng lượng, ý tưởng và khát vọng của các em là những gì sẽ tạo nên một tương lai an toàn trước thiên tai có thể xảy ra. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể xây dựng một thế giới nơi các mối nguy hiểm, rủi ro từ thiên nhiên không trở thành thảm họa, các cộng đồng được chuẩn bị tốt và thế hệ tiếp theo được trang bị đầy đủ để đối mặt với mọi thách thức”, ông Rémi Nono Womdim kỳ vọng.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cảm ơn cộng đồng quốc tế trong đợt bão số 3 vừa qua đã gửi hàng hóa cứu trợ khẩn cấp để tặng người dân vùng bị ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão. Trong đó, Úc, Nhật Bản, Nga, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Mỹ, Singapore, các nước ASEAN, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài cũng ngay lập tức kích hoạt các hỗ trợ, phân phát hàng hóa, nhu yếu phẩm, cấp phát tiền mặt và triển khai các cam kết giúp khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân tái thiết lại cuộc sống… trị giá lên đến 20 triệu USD.
Nguồn: thanhnien.vn