Các chuyên gia và dư luận cho rằng đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con nhà giáo khá vội vàng, thiếu cân nhắc đến tính khả thi và tác động xã hội.
Một giáo viên (GV) công tác ở H.Mù Cang Chải (Yên Bái), cho biết cô đón nhận thông tin này với sự ngỡ ngàng nhiều hơn là vui mừng. Đời sống GV còn khó khăn nhưng con GV lâu nay vẫn được chăm lo, học hành ở điều kiện tốt so với mặt bằng chung. “Chúng tôi công tác ở vùng khó khăn mới thấy đối tượng cần hỗ trợ nhất về chính sách học phí và khuyến học là con em nông dân, đồng bào dân tộc… nếu không các con sẽ bỏ học”.
Ngân sách nhà nước phải cấp thêm 9.212,1 tỉ đồng
Tại dự thảo luật Nhà giáo được công bố trước ngày 8.10 không hề có chính sách miễn học phí cho con nhà giáo. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu bổ sung chính sách miễn học phí (từ mầm non đến ĐH) cho con GV, giảng viên thì hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp thêm 9.212,1 tỉ đồng.
Một GV ở TP.HCM cũng chia sẻ công khai trên mạng xã hội: “Mình là GV, đồng nghiệp mà mình biết trên cả nước chưa có cháu nào phải bỏ học vì cha mẹ GV nghèo, nhưng học sinh (HS) phải bỏ học vì nghèo thì nhiều. Cảm ơn Bộ đã quan tâm, nhưng xin được từ chối, hãy để con GV cũng bình thường như con em các ngành nghề khác”.
“Dù là một GV có 39 năm với nghề nhưng tôi thật sự không hiểu sao ban soạn thảo lại đưa ra đề xuất này. Miễn học phí cho con nhà giáo! Vậy tính công bằng ở đâu? Con nông dân, công nhân… còn khó khăn hơn nhiều so với con nhà giáo đó!”, là ý kiến của bạn đọc mang tên N.K.M bình luận dưới bài đăng của Báo Thanh Niên về đề xuất này.
ĐIỀU GV QUAN TÂM KHÔNG PHẢI ĐƯỢC MIỄN HỌC PHÍ CHO CON
Cô V.T.H, một GV dạy ngữ văn cấp THCS ở TP.Bắc Giang (Bắc Giang), cũng chia sẻ với PV: “Tôi hiểu Bộ GD-ĐT muốn dành những quan tâm đặc biệt cho nhà giáo để GV yên tâm cống hiến với nghề. Tuy nhiên, vì đề xuất này mà mấy hôm nay nhà giáo chúng tôi nhận được rất nhiều những bình luận không hay như “đặc quyền, đặc lợi”, hay “GV nhận nhiều ưu đãi quá”, thậm chí có ý kiến còn mang nghề GV ra làm trò cười, so sánh với các nghề khác, kiểu như: “sao không miễn học luôn cho con nhà giáo đi để khỏi đóng học phí, ở nhà bố mẹ dạy luôn”…
Cũng theo GV này, cô và những đồng nghiệp mà cô biết chưa bao giờ đề xuất miễn giảm học phí cho con em mình bởi mức học phí trường công lập không phải là vấn đề quá lớn. Điều mà họ cần là lương đủ sống, các chế độ phụ cấp đặc thù của nhà giáo như phụ cấp thâm niên sẽ không bị bãi bỏ khi thực hiện chính sách lương mới. GV cũng cần giảm những áp lực không đáng có từ các cuộc thi, các phong trào mang tính hình thức hệ thống sổ sách…
Một hiệu trưởng trường tư thục ở Hà Nội cho hay lâu nay trường ông vẫn có chính sách miễn 50% học phí cho con cán bộ, GV, nhân viên của trường, không phân biệt vị trí nào và điều này góp phần khích lệ họ gắn bó, cống hiến cho nhà trường. Tất nhiên mức học phí của trường tư khá cao so với trường công, nên việc miễn giảm học phí cũng có ý nghĩa lớn với người lao động, giúp họ cảm nhận sự quan tâm thiết thực.
CẦN CÂN NHẮC SỰ CÔNG BẰNG VÀ TÍNH KHẢ THI
Chia sẻ với PV Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho rằng ở mặt nào đó thì cũng phải đánh giá đề xuất của Bộ GD-ĐT là một nỗ lực nhằm động viên, khích lệ tinh thần GV. Nghĩa là thêm bất cứ một chính sách nào cũng cho thấy nhà giáo và nghề dạy học được trân trọng.
Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng việc áp dụng trên quy mô cả nước với ngân sách lớn như vậy thì cần phải tính toán có khả thi và nhận được sự đồng thuận hay không.
Là người từng bảo vệ quyết liệt về việc xếp lương nhà giáo cao nhất khi xây dựng luật Giáo dục 2019, GS Thi nhận định điều quan trọng là lương nhà giáo đủ sống để họ yên tâm gắn bó với nghề. Tuy nhiên, lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhưng thực chất cũng không cao hơn các ngành nghề khác là bao nếu chính sách phụ cấp nghề nghiệp không còn. Điều quan trọng là cần giữ phụ cấp thâm niên của nhà giáo như lâu nay bởi mức phụ cấp này còn được tính trong mức đóng bảo hiểm xã hội và nhờ đó nhà giáo sẽ được hưởng mức lương cao hơn khi nghỉ hưu.
Còn về vấn đề học phí, GS Đào Trọng Thi cũng cho rằng giải quyết theo từng ngành nghề thì sẽ rất khó khả thi mà phải theo chính sách chung, đó là tiến tới đã là cấp học phổ cập thì cần miễn học phí toàn dân.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội), ủng hộ đề xuất này như một sự khích lệ, động viên GV, nhưng cũng cần có những nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng về cách thực hiện sao cho hợp lý, không gây mất cân đối ngân sách và đảm bảo công bằng xã hội.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm không đồng ý với đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, lương nhà giáo đang được đề xuất cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo cũng được chế độ phụ cấp nghề nghiệp hơn những viên chức khác. Nếu đi dạy xa, GV còn được ở nhà công vụ. Theo đại biểu Hòa, việc tăng lương, thậm chí tăng rất cao cho GV là đúng, nhưng không nên miễn phí bất kỳ thứ gì, kể cả học phí cho con em GV.
“Chúng ta không thể chuyển sự không công bằng này thành sự không công bằng khác. Trong một xã hội, thì ngành nghề nào cũng là ngành nghề đáng được trân trọng và ưu tiên như nhau”, đại biểu Hòa nói và cho rằng đề xuất này của cơ quan soạn thảo sẽ dễ bị dư luận đánh giá là mang tính “lợi ích nhóm” cho ngành của mình.
PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội – Social Life, nêu quan điểm: Xét về khía cạnh nghề nghiệp thì nhà giáo là nghề tương đối đặc thù, xã hội không phản đối những chính sách đặc thù với nhà giáo. Tuy nhiên, khi xây dựng và ban hành luật thì cần có cái nhìn tổng thể, tính khả thi, có tầm nhìn xa hơn, bền vững hơn, tránh việc đưa vào quá nhiều những chính sách nhỏ lẻ mang tính thời điểm. “Ví dụ, nhìn một cách tổng thể thì GV không quá khó khăn nếu so sánh với các ngành nghề khác. Tránh để cho xã hội có cái nhìn lệch lạc về nhà giáo rồi so sánh nghề này với nghề kia”, ông Lộc nói.
PGS Lộc cũng cho rằng việc tăng thêm những chế độ phúc lợi cho GV là cần thiết nhưng nên tính vào lương và phụ cấp đặc thù của nghề nghiệp. “Khi làm luật thì nên coi trọng tính phổ quát, công bằng, đa dạng trong tiếp cận”, ông Lộc nêu quan điểm.
Những lý do không nên áp dụng
Ông Hà Đình Quân, cán bộ công tác ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng), gửi ý kiến đến Báo Thanh Niên, cho rằng không nên áp dụng đề xuất này, vì các lý do sau đây: Thứ nhất, lương của GV hiện nay đã tăng. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên, phụ cấp vùng miền, ưu đãi nghề, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung… Đó là chưa tính thu nhập từ các nguồn khác như dạy thêm. Như vậy, thu nhập GV so với mặt bằng thu nhập của người lao động ở các ngành nghề khác không thấp. Mặt khác, thu nhập của GV có tính ổn định cao và còn tăng lên theo thời gian.
Thứ hai, học phí hiện nay không phải là rào cản cho cơ hội tiếp cận giáo dục của con cái nhà giáo. Thứ ba, việc thực hiện chính sách này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như: sự bất bình đẳng, không công bằng giữa những người lao động trong các ngành nghề khác nhau, tâm lý tiêu cực của người lao động trong xã hội… Thứ tư, chi phí thực hiện đề xuất này khá cao. Trong bối cảnh hiện nay, đây không phải là mục tiêu quan trọng và cần ưu tiên thực hiện.
Nguồn: thanhnien.vn