Để được làm việc tại Canada sau khi tốt nghiệp, du học sinh một số bậc học phải chọn ngành trong danh sách thiếu hụt lao động dài hạn thay vì tự do như trước.
Cơ hội ở lại Canada khó hơn
Thông tin được Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) công bố hôm 4.10, có liên quan đến giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP). Cụ thể, từ tháng 11, ứng viên nộp đơn xin PGWP phải có thêm chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp theo Khung đánh giá năng lực ngôn ngữ Canada (CBL), lần lượt ở bậc 7 với sinh viên ĐH và bậc 5 với người học CĐ.
Các chứng chỉ ngoại ngữ được IRCC chấp nhận là CELPIP (General), IELTS (General Training), PTE (Core), TEF Canada, TCF Canada. Kết quả các bài thi trên phải có thời hạn dưới 2 năm vào thời điểm nộp đơn.
Một thay đổi khác liên quan đến chương trình học của đương đơn. Theo đó, những ứng viên học bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ vẫn được xin PGWP như bình thường. Còn ứng viên chương trình CĐ hay các chương trình ĐH khác phải tốt nghiệp những ngành nghề đang thiếu hụt nhân lực dài hạn nếu muốn ở Canada làm việc, với thời hạn tương đương cấp độ của chương trình đào tạo.
Tổng cộng, có 966 chương trình đào tạo được IRCC phê duyệt để nộp đơn xin PGWP, chia thành 5 nhóm lớn là: nông nghiệp và nông thực phẩm; chăm sóc sức khỏe; STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học); thương mại; vận tải. Còn những ai nộp đơn xin PGWP trước ngày 1.11 sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi vừa nêu, IRCC nhấn mạnh.
Trên mạng xã hội LinkedIn, ông Saurabh Malhotra, Giám đốc điều hành Student Direct, nói các trường giờ phải vất vả tìm ra những ngành học “trúng tủ” để sinh viên tốt nghiệp xin được PGWP. Nhiều chuyên gia khác thì lên tiếng rằng một số ngành học quan trọng bị “bỏ quên” trong danh sách mới, ví dụ như ngành dịch vụ khách hàng, theo bà Karen Dancy, Giám đốc tuyển sinh Olds College of Agriculture and Technology.
Bà Dancy cũng cảnh báo rằng cách tiếp cận mới của Canada chỉ tiếp cận ở quy mô quốc gia mà bỏ qua nhu cầu của địa phương. “Điều này sẽ gây ra thảm họa với các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa vốn cần lao động được đào tạo từ các trường CĐ”, nữ giám đốc chia sẻ. Các chuyên gia cũng kiến nghị Canada xem xét thêm một số ngành quan trọng khác đang bị bỏ sót để sinh viên, trường học và nền kinh tế cùng có lợi.
Liên tục siết quy định
Hồi tháng 9, Canada cũng thông báo giảm hạn ngạch giấy phép du học, chỉ cấp 437.000 vào năm 2025, ít hơn 10% so với mức được đưa ra cách đây vài tháng. Việc hạn chế sẽ áp dụng với cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ, thay vì chỉ ở bậc cử nhân như trước, và nhóm này được ưu tiên dành riêng 12% chỉ tiêu. Đồng nghĩa, nhóm này phải có thư chứng thực từ tỉnh bang hoặc vùng lãnh thổ (PAL) trong hồ sơ xin giấy phép du học từ năm 2025.
Ngoài ra, IRCC còn thắt chặt quy định liên quan đến thân nhân đi cùng, khi chỉ cấp giấy phép lao động cho người có vợ/chồng học thạc sĩ ở các chương trình kéo dài ít nhất 16 tháng. “Chúng tôi đang thực hiện nhiều biện pháp để củng cố các chương trình tạm trú và triển khai một kế hoạch nhập cư toàn diện hơn”, ông Marc Miller, Bộ trưởng IRCC, nhận định.
Các thay đổi trên là động thái mới trong loạt biện pháp mà Canada thực hiện trong năm qua để duy trì tính trung thực của hệ thống sinh viên quốc tế. Trước đó, yêu cầu chứng minh tài chính để xin giấy phép du học đã tăng gấp đôi, từ mức 10.000 CAD (180.347.700 đồng) lên 20.635 CAD (371.019.360 đồng). Chính phủ cũng cảnh báo các trường chỉ gửi thư mời nhập học nếu sắp xếp được chỗ ở cho du học sinh và công bố nhiều quy định thắt chặt khác.
Trước đó, theo báo cáo từ ApplyBoard (Canada), chính sách cắt giảm đã ảnh hưởng đến “giấc mơ Canada” của đông đảo du học sinh. Đơn vị này dẫn dữ liệu từ IRCC trong quý 1 năm 2024 để cho thấy rằng, số giấy phép du học được cấp từ tháng 1 đến tháng 4 là 76.307, với tỷ lệ chấp thuận là 50%. Tỷ lệ này thấp hơn 8% so với mức trung bình của năm 2023 và thấp hơn 4% so với năm 2022.
Theo báo cáo từ IRCC, Canada thu hút hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đến học trong năm 2023. Thống kê của IRCC cũng cho thấy số du học sinh Việt ở Canada từng có xu hướng giảm liên tục, từ 21.480 người vào năm 2019, đến 2022 chỉ còn 16.140 người. Nhưng vào 2023, du học sinh Việt tại Canada tăng nhẹ, lên 17.175 người và giữ vị trí thứ 8 về số lượng.
Nguồn: thanhnien.vn