Trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 13/10 tới đây. Hiện tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Huế, Gia Lai và Phú Yên đều đã sẵn sàng.
Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 là cuộc so tài của 4 thí sinh Trần Trung Kiên (học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên); Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai); Vũ Quang Phú Đức (học sinh trường THPT Chuyên Quốc học Huế – Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Nguyên Phú (học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội). Trận Chung kết Olympia năm thứ 24 sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 13/10 tới đây.
Giống như năm ngoái, 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia 2024 sẽ được đặt tại 4 địa danh mang tính biểu tượng của mỗi tỉnh và thành phố là quê hương của 4 thí sinh. Năm nay trong số 4 điểm cầu là Hà Nội, Huế, Phú Yên, Gia Lai thì có hai điểm cầu là Phú Yên và Gia Lai lần đầu tiên xuất hiện trong trận chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia.
Tại Hà Nội nơi diễn ra trận chung kết năm được đặt tại trường quay S14, Đài THVN. Theo BTV, Phan Tiến Dũng, chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, công tác chuẩn bị cho cuộc thi đã hoàn tất. Anh tiết lộ: “Trận chung kết Olympia năm nay có một điểm khác biệt so với mọi năm trong khâu tổ chức, đó là BTC sẽ bố trí thêm một phòng theo dõi trong khi diễn ra cuộc so tài của các thí sinh. Đây là nơi Ban cố vấn sẽ ngồi để theo dõi cuộc thi. Trong phòng được trang bị màn hình sắc nét, âm thanh chất lượng để đảm bảo cho ban cố vấn có đầy đủ những điều kiện cơ sở tốt nhất để theo dõi toàn bộ nội dung và câu trả lời của các thí sinh. Qua đó nâng cao hơn chất lượng của công tác thẩm định”.
Bắt đầu từ 2018, trong các trận chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia” đã đưa các điểm cầu ra khỏi khuôn viên của nhà trường và đặt tại các không gian mở là trung tâm của tỉnh, thành phố. Ê – kíp thực hiện chương trình cho rằng, mỗi điểm cầu truyền hình sẽ là nơi để người dân địa phương có thể đến theo dõi và cổ vũ cho con em mình, nơi tôn vinh tài năng trí tuệ học sinh mà nó còn là một cơ hội quảng bá du lịch cho địa phương.
Điểm cầu tại Quảng trường Đại đoàn kết (Gia Lai)
Lần đầu tiên Gia Lai trở thành điểm cầu của trận chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia”, chính vì vậy, để chuẩn bị cho điểm cầu Gia Lai, từ rất sớm, ê – kíp sản xuất của Ban Sản xuất các chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam đã đến TP Pleiku để khảo sát địa điểm. Và Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku) làm nơi tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại tỉnh Gia Lai. Quảng trường Đại Đoàn Kết hay còn được người dân Pleiku (Gia Lai) gọi là quảng trường lớn với diện tích hơn 12ha.
Nơi đây tọa lạc tại trung tâm thành phố và là điểm đến mà người dân thường ra đi bộ, tập thể dục vào các buổi trong ngày. Cầu truyền hình chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24 tại Gia Lai không chỉ là sự kiện mang tính trí tuệ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về bản sắc văn hóa, du lịch của địa phương. Đây là cơ hội để Gia Lai khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch và giáo dục của cả nước, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ tỉnh nhà.
Điểm cầu tại Quảng trường Tháp Nghinh Phong (Phú Yên)
Phú Yên cũng là một trong những điểm cầu lần đầu tiên xuất hiện trong trận chung kết năm của “Đường lên đỉnh Olympia”. Ê – kíp sản xuất của Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3) – Đài THVN cũng đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Phú Yên để chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đảm bảo chương trình diễn ra tuyệt đối an toàn, lan tỏa được giá trị và thông điệp của chương trình trong học sinh và nhân dân. Quảng trường Nghinh Phong được chọn là địa điểm đặt cầu truyền hình. Nơi đây được xây dựng năm 2020 và đi vào hoạt động năm 2021, nằm ở nút giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ – Độc Lập (TP Tuy Hòa), tháp Nghinh Phong có một thiết kế đặc biệt ấn tượng. Lấy cảm hứng từ ghềnh đá đĩa mang tính biểu tượng của địa phương và truyền thuyết “Trăm trứng trăm con” của Lạc Long quân và Âu Cơ.
Theo ee – kíp sản xuất chương trình, ngoài các nội dung lên sóng trực tiếp toàn quốc liên quan đến phần thi của thí sinh Trần Trung Kiên, tại điểm cầu Phú Yên sẽ có một số tiết mục nghệ thuật dựa trên chất liệu dân ca bài chòi, trò chơi nhằm cổ động viên tinh thần cho thí sinh tham gia, khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, đặc biệt thế hệ trẻ về phong trào học tập, về bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương. Đây cũng là dịp để hình ảnh của tỉnh Phú Yên, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong – Phú Yên tiếp tục tỏa sáng ở sân chơi trí tuệ; đồng thời, quảng bá hình ảnh, con người, truyền thống hiếu học, văn hóa, lịch sử của tỉnh trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Điểm cầu tại Quảng trường Ngọ Môn (Thừa Thiên Huế)
Điểm cầu truyền hình trực tiếp chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) sẽ được tổ chức tại Quảng trường Ngọ môn – Đại nội Huế, thay vì không gian Trường THPT Chuyên Quốc học Huế như những lần trước đây.
Tại quảng trường Ngọ Môn, Huế các bạn học sinh đang tập luyện cho tiết mục mở màn tại điểm cầu Huế
Ngày nay, Quảng trường Ngọ Môn là một điểm tham quan du lịch của nhiều du khách. Đến đây thăm quan, du khách còn có thể khám phá nhiều điểm tham quan lân cận thuộc Quần thể Di tích lịch sử đặc biệt của Kinh thành Huế.
Điểm cầu tại Huế với sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh, người dân sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc để thí sinh Võ Quang Phú Đức tự tin chinh phục đỉnh Olympia năm nay. việc lựa chọn điểm cầu tại Quảng trường Ngọ Môn thông qua truyền hình trực tiếp và qua truyền thông báo chí sẽ là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, vùng đất giàu truyền thống hiếu học xứ Huế, phục vụ phát triển du lịch, kinh tế địa phương.
Điểm cầu tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Đây là lần thứ 2 Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là tọa độ đặt cầu truyền hình cho Olympia. Lần đầu tiên là Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 22. MC Công Tố sẽ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt tại điểm cầu Hà Nội năm nay, đây là lần đầu tiên anh góp mặt trong bộ tứ MC dẫn điểm cầu của Olympia.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc ấn tượng được xây dựng từ thời nhà Lý. Với bề dày lịch sử cùng với nét kiến trúc cổ độc đáo, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xem là một trong những di sản đặc biệt của quốc gia. Khu di tích này cũng là một trong những điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng được du khách gần xa. Không chỉ có vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là minh chứng lịch sử mang biểu tượng văn hóa của Việt Nam.
Nguồn: vtv.vn