Monday, November 25, 2024

Bàn tay níu lại – Truyện ngắn dự thi của Đinh Thành Trung

Giờ thì tôi lại ở trong chính căn phòng cạnh công ty. Doanh nghiệp thuộc diện phải cơ cấu lại. Họ không làm thì có người khác đến làm. Bắt buộc phải thế. Hiểu vậy mà sao vẫn thấy xót xa quá…

Tay trắng. Tôi thốt lên bên chén rượu. Lâu lắm rồi không uống.

“Cháu đi làm kiếm được mấy đồng mà mua rượu uống phung phí thế này. Còn gia đình. Còn ước mơ xây nhà nữa. Bỏ ngay đi”.

Tôi chỉ muốn cãi lại ông chú họ. Có những người không biết gì, vừa gặp đã kêu ca. Chai rượu là món quà cuối cùng người anh là quản đốc phân xưởng cho tôi. Mới tết năm ngoái thôi, tôi vẫn mơ về tương lai tươi sáng. Dù gì mình cũng có tay nghề lâu năm ở công ty cơ mà. Đùng một cái phải nghỉ. Công ty khó khăn chung. “Anh buộc lòng phải làm thế. Mong em thông cảm”. Chính phó giám đốc nói với từng người một. Ông ấy như rơm rớm nước mắt. Biết sao được bây giờ.

Bàn tay níu lại - Truyện ngắn dự thi của Đinh Thành Trung

ẢNH: CÔNG HÂN

Giờ thì tôi lại ở trong chính căn phòng cạnh công ty. Doanh nghiệp thuộc diện phải cơ cấu lại. Họ không làm thì có người khác đến làm. Bắt buộc phải thế. Hiểu vậy mà sao vẫn thấy xót xa quá. Hệt như con chim đang đậu trên cành kia. Nó có thể bay đi nhưng đừng tưởng cánh chim không thể gãy. Bòm một cái, viên đạn từ khẩu súng hơi nào đó sẽ tiễn nó đi đời. Tôi với lấy cái chai. Hết sạch. Ông chú thì đã về ngay sau khi dạy dỗ mấy lời. Cách đây không xa là cơ ngơi rộng đến ba trăm mét vuông, sân vườn đầy đủ và chiếc xe hơi bóng loáng của chú. Đã có lúc tôi ghen tị với người khác, nhưng cũng chỉ là người cùng công ty chứ đâu dám với tới người như ông chú kia. Khi xây được nhà, tôi sẽ mời anh em bạn bè đến khoe. Mà sao xa vời quá.

Càng nhiều tuổi tôi càng có vấn đề về sức khỏe. Nó không phải là một thứ gì quá lớn, cũng không đến mức phải điều trị ở bệnh viện. Chỉ là những cơn mệt mà mọi người hay nói là dấu hiệu tuổi tác. Sản lượng công việc giảm và tôi cũng không thể né tránh mãi điều đó. Dịch bệnh Covid-19 đã làm công ty không thể duy trì được hoạt động sản xuất của mình. Tôi được nhận khoản trợ cấp thôi việc nhưng sự buồn chán và nhớ nghề không thể khỏa lấp được.

Hay nghĩ cách gì đó. Đi vào làm công ty tiếp thì ai nhận người lớn tuổi thế này. Vào doanh nghiệp cần tay nghề thì họ thà bỏ tiền ra đào tạo người trẻ còn hơn. Tôi đã làm công nhân quá lâu, kể cả nghề kỹ thuật máy này cũng không đến mức lôi hai chữ “kinh nghiệm” ra để mà trao đổi.

“Này, bà Tâm hàng xóm nhận được tiền thất nghiệp rồi đấy”.

Cái gì? Tôi định hỏi mà ngừng lại. Ôi đời tôi. Đến lúc như thế rồi sao. Có phải tôi nằm trong những người phải chịu bất công một cách quá đáng? Câu hỏi không ai trả lời, chỉ còn tiếng chim cứ véo von trên cành. Cái cây to cạnh công ty làm bạn với tôi qua tháng năm ngày ấy. Đời công nhân mà. Cả một buổi lặp đi lặp lại động tác đến phát chán. Thế mà cũng hai chục năm trôi qua. Người thanh niên thuở nào nay tóc bạc nhiều quá. Tôi nhìn vào chậu nước, chần chừ mãi không vốc lên rửa mặt.

“Nhà cậu gọi đấy”. Ông chú đưa tôi chiếc điện thoại iphone đắt tiền của ông, tôi run run nhận lấy.

Là bố. Giọng ông có vẻ không ổn. Bố ở với em trai ở quê. Em cũng chăm chỉ, chịu khó và chăm sóc bố chu đáo. Nhiều lần tôi tự trách mình vì là con trưởng mà đẩy gánh nặng ấy cho em. Nó không trách nhưng tôi áy náy lắm. Về nhà, tôi cứ lơ đãng nhìn vào đám cây. Hồi còn nhỏ, bố thỉnh thoảng đem một cái về, chăm tối chăm ngày. Lúc hỏi, bố chỉ bảo mai này con đủ lông đủ cánh bay đi tìm miền đất mới thì hãy nhớ mình còn có một gia đình, khi thành công cũng như thất bại đều nên nhớ điều đó. Bây giờ thì bố đang thiu ngủ. Chứng hay quên của người già khiến bố không còn nhớ những chuyện hồi xưa. Duy có tôi thì mãi không quên được. Bố vẫn giữ thói quen sáng sáng cầm chiếc bình tưới tắm cho cây cối và chăm mấy con chim của em tôi. Với bố thế là đủ.

“Anh có tính làm gì không?”.

Cậu em đứng sau từ bao giờ. Tôi không trả lời. Cũng không phải đang suy nghĩ. Đời đi làm chắc được hơn ba chục năm, cứ nghĩ sẽ làm đến khi nghỉ hưu rồi an nhàn hưởng tuổi già. Đâu ai nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh ẩm ương này. Giờ với tuổi của mình cũng không thể xin vào đâu được nữa. Cũng chỉ là công nhân chứ đâu có phải dân trí thức, chỉ biết mỗi nghề của mình mà thôi. Buôn bán gì đó chắc cũng không ổn. Cái tính tôi từ trước đến nay vẫn ngờ nghệch. Nhìn già đầu thế này nhưng ai nói chuyện một lúc đều nhận ra thôi. Công nhân đứng máy, cũng chỉ biết cắm đầu vào làm, cố mà hoàn thành việc được giao trong ngày rồi thở phào nhẹ nhõm. Hết ngày mà không có sai sót gì cũng đủ vui một chút. Ăn bữa cơm, cầm điện thoại xem vài tin tức trên báo. Nhiều lúc, cái sự nhàm chán này lại trở thành niềm vui. Thú vui xa xỉ như du lịch tôi đâu dám nghĩ đến. Rồi gắn bó với người phụ nữ nào đó lại càng không. Khi tuổi đủ lớn để nhận ra mình khó có thể lập gia đình nữa, tôi lại tự trách mình sao thời đó ở công ty không nhờ ai mai mối. Cũng không phải không có người hỏi để giới thiệu nhưng suy nghĩ tuổi trẻ cần phấn đấu cái đã, tôi từ chối và tiếp tục lao vào công việc. Để đến giờ lại về nhà với bố.

“Để anh tính xem”.

“Anh tính gì thì nhanh lên. Ở nhà mãi thế này anh không thấy chán à?”.

Em trai nói rồi ra ngoài đi làm. Nó khác tôi. Công việc ổn định và một gia đình để yêu thương. Cậu ấy không phải trải qua thời kỳ lao động chân tay. Nhà có hai anh em và người em luôn được chiều chuộng hơn anh cũng là lẽ tất nhiên. Cả việc làm nông cậu cũng ít khi phải động vào, bởi tôi đã giành lấy tất cả. Tốt nghiệp đại học, em tìm được cho mình vị trí xứng đáng sau ngần ấy năm cố gắng. Tất nhiên, không thể phủ nhận nỗ lực và sự may mắn nữa.

Tôi chỉ là công nhân. Lắm khi đối mặt với em, tôi tự co mình, tự nhận lấy phần xấu hổ. Cũng không hẳn vì tự ti. Vì chẳng giúp gì nhiều được cho bố mẹ. Chỉ còn bố mà thôi, ông lại quên dần những ngày tháng xưa, khi tôi lần đầu tiên đem chiếc xe kéo mình tự làm về tặng bố. “Con khéo tay quá”. Bố thốt lên và lặp đi lặp lại. Bố đem chiếc xe đi khoe khắp làng, vì con tôi là một thợ lành nghề, làm ra cái xe này trông tiện lợi cho người chuyên chăm cây. Lúc đó em trai tôi cũng rất vui, cũng cầm xe đẩy cùng bố chăm sóc cây. Đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mấy chục năm bình thường đến mức tầm thường của tôi.

***

“Chú còn nhớ con không nè?”.

“Lại trêu chú rồi. Ai quên chứ cô thì không đâu”.

“Chắc do con phiền quá mà”.

Không đồng nghiệp nào nói chuyện với tôi kiểu ấy trừ cô. Tôi nhớ hết chứ. Duyên, cô gái hoạt bát, ai nhìn cô cũng thấy năng động và sức sống. Ở công ty cũ, Duyên hay được gọi là chuyên gia hòa giải mà. Công ty cũ sao? Nghe chua xót quá. Một thời, dù không có gì gọi là oanh liệt nhưng cũng là người được anh em tôn trọng. Duyên là cô bé làm bên văn phòng và cũng đồng thời làm công tác công đoàn. Hồi ở công ty, cô đã giúp tận tình mỗi khi tôi lên hỏi về giấy tờ hay có gì khúc mắc cần giải đáp. Tôi vẫn luôn có cảm tình với người năng nổ, có trách nhiệm như thế.

“Chú ơi, chú đủ điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp đó”.

Dường như biết tôi còn ngại, cô nói liền một mạch. Do tôi có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động và là hợp đồng có thời hạn nên đủ điều kiện được nhận trợ cấp. “Đây là chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người lao động đó chú. Nếu cần chú để con phụ vụ hồ sơ nhé”, cô nói thêm.

Tôi nghe lõm bõm câu được câu mất. Cũng may mắn cho tôi, vì không quan tâm lắm nên suýt bị lỡ mất quyền lợi. Cảm giác xấu hổ lại gợn lên khi nghĩ đến hai từ thất nghiệp. Mình mà lại thất nghiệp, phải chấp nhận sự thật đó là điều khó khăn với một người có chút tự hào về bản thân. Bởi hồi còn ở công ty lúc nào tôi cũng được coi như bậc đàn anh kinh nghiệm đầy mình. Có việc gì khó, không chỉ quản đốc mà có khi ban lãnh đạo cũng tham khảo ý kiến của tôi, nhất là về kỹ thuật nghiệp vụ. Nhưng đó là chuyện cũng lâu rồi. Nghĩ lại thời đó thật bâng khuâng và hoài niệm. Chỉ là những lời trò chuyện, những bữa cơm trưa hay vài cuộc gặp với anh em đồng nghiệp mà lại rất quan trọng với tôi. Giờ thì đã bao nhiêu năm trôi qua, ký ức thời gian cũng sẽ dần phai nhạt đi thôi phải không. Tôi vẩn vơ suy nghĩ khi nhìn vào hàng cây của bố.

“Nhà chú có nhiều cây kiểng đẹp quá ha”.

“Đấy là của bố chú. Ông cụ chăm chút lắm đấy”.

“Thích thiệt đó. Nhiều khi con cũng chỉ muốn được nghỉ ngơi rồi có mấy thú vui kiểu này mà công việc cứ cuốn đi thôi”.

Giọng nhí nhảnh của cô gái làm tôi thấy vui hơn. Nhớ lại thời ở công ty cũng đã qua cả chục người làm công đoàn rồi. Dù họ chỉ kiêm nhiệm nhưng đều là người nhiệt tình dù làm công việc vẫn bị coi là “vác tù và hàng tổng”. Còn tôi là một trong số người tạo cảm giác tiếc nuối nhất. Ấy là Duyên nói thế.

“Chú cảm ơn Duyên nhé”.

“Không có gì đâu ạ. Con tiện đường thôi mà”.

Tôi nghe câu đó cũng đã quen. Đó là lời của bố nói khi ông còn minh mẫn. Một khi đã có tình người thì họ sẽ tự nguyện làm để chia sẻ mà không so đo tính toán. Trước đây ông cũng có thời gian làm công đoàn và vẫn thường trò chuyện với tôi. Trong những câu chuyện ấy là vô vàn con người với cảnh đời, cảnh nghề và niềm cảm thông.

Cũng đến lúc tôi phải đứng dậy và làm việc thôi.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img