Người lần đầu tới thăm nhà của cô học trò giàu nghị lực Đỗ Thanh Bình (học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Chánh), ở C5/2 ấp 3, xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM khó mà không chạnh lòng. Ngôi nhà nhỏ được quây từ những tấm tôn và gỗ cũ, nhiều chỗ tôn thủng lỗ chỗ. Sàn nhà chỗ cao chỗ thấp được lót từ những viên gạch vỡ.
“Em rất sợ những ngày trời mưa lớn, nửa đêm đang ngủ mà mưa là phải ôm mền gối chạy, không thì nước tạt ướt hết”, Bình kể. Những ngày ôn thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bình không có bàn ghế để ngồi học, em ngồi trên võng, hoặc nép bên chiếc bàn uống nước đã cũ kỹ để luyện đề thi.
Mẹ cha đau ốm nuôi 3 con ăn học
Bình là chị cả, dưới em còn một em trai sắp thi vào lớp 10 và em gái út đang học lớp 6. Cha mẹ Bình từng sống ở quê nội Tiền Giang trước khi lên TP.HCM mưu sinh. Thời gian đầu, chưa có nhà để ở, gia đình em ở nhờ nhà bà ngoại. Năm Bình học lớp 9, nhờ những vật liệu cũ và công sức các chú thợ xây bạn của cha hỗ trợ, em có mái nhà đầu tiên.
Mẹ của Bình, cô Lê Thị Tôn Bảo phụ giúp bán cá ở chợ Bình Chánh, làm việc từ 4 giờ sáng tới 6 giờ tối, mỗi ngày được trả 200.000 – 300.000 đồng, ngày nào nghỉ là không có tiền. Ngoài bị thoát vị đĩa đệm, 7 năm trước, cô phát hiện bị ung thư vú và phải vào phẫu thuật cắt bỏ khối u và xạ trị, hóa trị.
Cha của cô học trò giàu nghị lực này làm phụ hồ, do vác gạch và xi măng quá nặng nên bị thoái hóa cột sống. Dịch Covid-19 khiến công việc ít đi, cả cha và mẹ Bình đều thu nhập bấp bênh. Nhiều tháng, hai vợ chồng phải vay mượn mới có đủ tiền ăn học, sinh hoạt phí cho 3 con. Trước khi dịch Covid-19 xảy đến, ngoài giờ đến trường, Bình ra chợ, phụ mẹ bán cá. Em không quên nhiều lần phải qua nhà bà ngoại xin gạo hay đồ ăn về cho các em ăn cơm.
Nói về cha mẹ mình, Bình nghẹn ngào: “Có lần em đi qua công trường, ba đang ngồi hàn điện, da mặt bị lột do nóng quá. Còn mẹ em, từ ngày bị ung thư, sức khỏe mẹ yếu đi rõ, đi làm mệt mỏi nên nhiều tối về nhà, mẹ gắt gỏng, la rầy các con, tụi em càng thương cha mẹ hơn”.
Nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại sau một ngày dài đi làm về, cô Lê Thị Tôn Bảo, mẹ Bình, xúc động: “Em trai của Bình có lần xin tôi là mẹ cho con nghỉ học, đi học nghề, nhưng tôi động viên các con là ráng học, khổ thế nào mẹ cũng ráng lo cho con, đừng để phải khổ cực như mẹ”.
Giấc mơ trở thành điều dưỡng
Thầy cô Ban giám hiệu Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM xác nhận hoàn cảnh khó khăn của Bình. Đây là một trong những học trò vượt lên nghịch cảnh, học lực giỏi tại trường, được miễn giảm học phí và nhận các học bổng, phần quà động viên của nhà trường vào dịp cuối năm. “Chúng tôi rất mong mỏi các nhà hảo tâm gần xa cùng chung tay để giúp em an tâm học hành trong hành trình dài phía trước”, thầy Đặng Văn Út, phó hiệu trưởng, chia sẻ.
Cô Nguyễn Ngọc Thảo, giáo viên dạy môn sinh cũng là chủ nhiệm của Bình cho biết Bình là học sinh ngoan, biết nỗ lực vượt khó để học tập tốt, giàu nghị lực. Bản thân em có tinh thần cầu tiến, chủ động tự học để trau dồi kiến thức. Đồng thời, không vì những khó khăn của mình mà Bình tự ti, em luôn tham gia các phong trào của trường, Hội khỏe Phù Đổng của TP cũng như hỗ trợ, quan tâm tới các bạn khác trong lớp.
Còn Bình, tâm sự về giấc mơ em luôn ấp ủ bấy lâu, cô trò nghèo nói: “Em thương mẹ, chứng kiến lần mẹ bị ung thư vú, phải phẫu thuật, xạ trị rồi hóa trị trong bệnh viện rất đau đớn, em không biết làm gì để giúp mẹ. Em muốn trở thành điều dưỡng viên để chăm sóc mẹ và những người thân của mình tốt hơn”.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Bình, quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 – Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Đỗ Thanh Bình; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình em Bình trong thời gian sớm nhất.
|
Cô học trò đầy nghị lực này đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành điều dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Các nguyện vọng còn lại, em đăng ký vào ngành điều dưỡng và ngành dinh dưỡng của Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Cô trò nhỏ bộc bạch: “Em biết các trường này điểm đều rất cao nên em ráng ôn tập. Khó khăn của gia đình cũng là động lực để em cố gắng nhiều hơn. Vì chỉ có học, có công việc tốt mới có thể đỡ đần cha mẹ và giúp cho các em của em có tương lai tốt đẹp hơn”.