Monday, November 25, 2024

Gần nửa triệu hợp đồng điện tử đã được chứng thực

Giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

Gần nửa triệu hợp đồng điện tử đã được chứng thực

 

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.

“Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng”, bà Oanh nói.

Gần nửa triệu hợp đồng điện tử đã được chứng thực

Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Theo bà Oanh, hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế.

Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử, được thể hiện trong Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử và Công ước Liên Hợp Quốc về giao kết hợp đồng sử dụng chứng từ điện tử.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử cũng đã đưa ra những quy định mang tính nền tảng để đảm bảo cho giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, trong đó có vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử.

Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp.

“Với tinh thần đồng hành và hỗ trợ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, và các tổ chức liên quan cùng tham gia xây dựng một hệ sinh thái số bền vững”, bà Oanh khẳng định.

“Nút thắt cuối cùng” trong chuỗi chuyển đổi số

Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp tham gia đều đồng thuận rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn thực tế. Các vấn đề như chi phí cao, thủ tục phức tạp, và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ 3 (cơ quan thuế, ngân hàng…) vẫn là rào cản đáng kể.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến.

Theo đó, ông Đỗ Kế Công – Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT cho biết từ năm 2009, Tập đoàn đã không ngừng nâng cao các dịch vụ và giải pháp, bao gồm nền tảng VNPT eContract và giải pháp ký số từ xa (Remote Signing).

Bên cạnh đó, VNPT cũng thừa nhận những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử, như chi phí, thủ tục phức tạp, và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ 3 (như cơ quan thuế, kho bạc).

Để khắc phục, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, chẳng hạn như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói ký với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 VNĐ mỗi lượt ký.

Ông Đỗ Quang Yên – Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE CMC TS, Công ty TNHH Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC chia sẻ, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống CRM, ERP, Big Data và AI để tối ưu hóa quy trình, tăng cường trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến.

Gần nửa triệu hợp đồng điện tử đã được chứng thực

Theo các chuyên gia, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử, đây cũng được xem là “nút thắt cuối cùng” trong chuỗi chuyển đổi số

Ông Yên cho rằng, hợp đồng điện tử đóng vai trò “nút thắt cuối cùng” trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia, từ khách hàng, đối tác đến quản lý nội bộ.

Còn theo ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch Công ty TNHH FPT IS, việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử là một xu hướng quan trọng và cần thiết tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy kinh tế số.

“Tuy nhiên, để các tổ chức và cá nhân có thể khai thác hiệu quả những giải pháp này, vấn đề an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử được đánh giá là yếu tố then chốt”, ông Hòa nhìn nhận.

Từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng các giải pháp giao kết và xác thực điện tử nhằm tăng hiệu quả hoạt động, bao gồm việc sử dụng các công cụ như chứng thực điện tử, ký số, eKYC, xác thực danh tính và hợp đồng điện tử.

Cũng chia sẻ, ông Nguyễn Đăng Triển – đại diện Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đề cao vai trò của chữ ký số và định danh xác thực trong việc đảm bảo an toàn và phòng ngừa gian lận trong giao dịch điện tử.

Song, ông Triển cho rằng, khi việc ký kết trên môi trường điện tử càng trở nên phổ biến thì chúng ta càng phải cẩn trọng hơn nữa.

“Việc sử dụng chữ ký số của đơn vị được cấp phép, có uy tín sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đặc biệt khi chữ ký số có đính kèm cả dấu thời gian và định danh eKYC tại thời điểm ký thì cả doanh nghiệp lẫn cá nhân tham gia ký kết tài liệu hay hợp đồng trên môi trường điện tử đều có thể yên tâm hơn cả bản giấy truyền thống”, ông Triển nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img