Thời tiết chuyển mùa đột ngột khiến trẻ nhỏ bị suy giảm đề kháng, dễ mắc bệnh tiêu chảy do virus, vi khuẩn gây ra.
Theo ghi nhận từ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), từ đầu tháng 10/2024 đến nay, tỷ lệ trẻ mắc tiêu chảy cấp có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày phòng khám nhi tiếp nhận từ 10-15 trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, chủ yếu là tiêu chảy virus Rota . Theo các bác sĩ, đây là bệnh tiêu chảy mùa Đông do virus Rota gây ra và thường kéo dài 5-7 ngày.
Bác sĩ Hà Ngọc Thúy, Khoa Nhi cho biết: Hơn một tuần nay, trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thăm khám tại phòng khám nhi gia tăng với các biểu hiện như mệt, quấy khóc, nôn và đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trẻ sốt nhẹ đến sốt cao.
Theo bác sĩ, bệnh này diễn ra quanh năm, nhưng thường có nhiều hơn vào mùa Đông. Bệnh có thể lây chéo từ trẻ sang trẻ, thậm chí lây sang người lớn. Thông thường, bệnh điều trị khá đơn giản nếu biết cách nhưng cũng rất nguy hiểm bởi có thể làm trẻ nhanh mất nước, dễ kiệt sức, có thể dẫn đến trụy tim mạch, thậm chí tử vong nếu bù nước, bù điện giải không kịp thời.
Nhiều phụ huynh không biết vì sao con mình bị tiêu chảy cấp, nhiều người thắc mắc con chỉ ăn cơm bình thường với thịt, cá, rau… nhưng vẫn mắc tiêu chảy. Lý do chính là do các dụng cụ đựng thức ăn không được vô trùng bị ruồi, gián bò khi để qua đêm, vệ sinh tay chân không kỹ khi nấu ăn… Chính vì thế mà trước khi ăn cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước, sử dụng các dụng cụ che chắn kỹ chén, đũa, thậm chí rửa lại dụng cụ đựng thức ăn, nước uống bằng nước sôi trước khi cho trẻ ăn, uống.
Đặc biệt là khi thấy con trẻ có những dấu hiệu của tiêu chảy cấp như: đại tiện phân lỏng nhiều lần, nôn ói nhiều, mệt mỏi hoặc quấy khóc, kích thích, nặng có thể li bì, lơ mơ. Trẻ tiểu ít, môi khô, có biểu hiện mất nước rõ rệt như háo nước, hố mắt trũng, thóp mềm (ở trẻ nhỏ) hoặc có sốt cao liên tục đáp ứng kém với thuốc hạ sốt thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
Do những hậu quả khôn lường của virus Rota gây ra với sức khỏe trẻ nhỏ, việc phòng ngừa bệnh được đặt lên hàng đầu. Tất nhiên, bố mẹ vẫn cần cùng con xây dựng các thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày để phòng bệnh:
– Giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… Bản thân bố mẹ, người lớn nên rửa tay khi chế biến thức ăn hay tiếp xúc với trẻ.
– Khử khuẩn bồn cầu khi trẻ bị tiêu chảy đồng thời giữ nhà vệ sinh luôn sạch sẽ.
– Cho trẻ ăn uống đa dạng nhưng đảm bảo ăn chín uống sôi, thực phẩm xuất xứ rõ ràng.
– Cho trẻ uống vaccine phòng Rotavirus. Vì bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được chủng ngừa phòng bệnh càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh có con dưới 6 tháng tuổi nên đưa trẻ đi uống vaccine phòng bệnh Rotavirus. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh.
Nguồn: vtv.vn