Wednesday, October 16, 2024

Nắm lấy bàn tay – Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

Bà Năm cúi người thổi lửa. Bếp ướt, củi ướt làm ngọn lửa leo lét như tàn hơi. Khói mù mịt trong căn bếp bị mưa bão tạt mấy bữa trước. Bão thì đã lùi xa nhưng trời vẫn cứ mưa vài chặp trong ngày. Nhà bếp dột tứ tung, bà vừa mặc áo mưa vừa nấu cơm. Nước mắt nước mũi bà cứ thi nhau chảy vì khói mờ mịt.

Trầy trật một lúc thì lửa cũng bùng lên. Nồi cơm sôi ùng ục trên bếp. Đợi cơm sôi một lát, bà chắt nước, đậy kín vung, kéo những thanh củi đang cháy chỉ để lại lớp than hồng trên bếp. Bà nhìn ra trời chiều, hãy còn sớm mà đất trời u ám quá. Bà nấu cơm sớm để tụi nhỏ về đói bụng còn có cái mà ăn. Tội nghiệp, sức thanh niên trai tráng phải ăn mấy bát cơm mới lại sức cả ngày vất vả.

Trong lúc chờ cơm chín, bà tất tả ra ổ gà. Con gà ướt rượt lông xòe cánh giữ lấy ổ trứng. Bà tặc lưỡi, phân vân một lúc rồi thò bàn tay gầy gò xuống lớp lông lấy ra ba quả trứng. Cây cối ngã đổ, làm vườn rau tan hoang chẳng còn gì ăn được. Bà đứng tần ngần trong khu vườn nhìn cây đu đủ chi chít trái gãy ngang. Mấy trái non rụng tơi bời xuống đất, nhựa ứa ra tức tưởi. Bà cúi xuống nhặt vài quả nặng tay. Thôi thì mang vào gọt vỏ, bào mỏng ra nấu cho tụi nhỏ bát canh húp cho ấm bụng.

Bà lại lui cui vào bếp. Mùi trứng chiên sực nức trong gian bếp. Bà nghe văng vẳng tiếng nói cười. Những thanh âm to dần tiến vào sân nhà bà. Tụi nhỏ đã về. Bà hồ hởi đi ra, nhìn bốn thanh niên mặt trẻ măng đang múc nước rửa tay chân ở lu nước dưới mái hiên. Làng bà thiệt hại nặng quá, bộ đội về giúp dân thu dọn tàn dư, dựng lại những mái nhà đổ sập. Các anh chia nhau ở nhờ nhà dân trong làng. Thấy bà Nam hồ hởi khoe:

– Hôm nay tụi con dựng lại nhà cho ông Hai đó má. Nhà sập hết trơn phải ngày mai nữa mới xong.

– Các con rửa ráy xong thì vào ăn cơm hỉ. Có trứng chiên với canh đu đủ.

Nắm lấy bàn tay - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

ẢNH: CÔNG CƯỜNG

Cả bốn anh bộ đội đều đồng thanh “Cảm ơn má”. Mới một lúc mà bóng tối như nuốt chửng cả ngôi làng còn đang vá víu lại những vết thương nhức nhối. Dây điện đứt chỗ này chỗ kia, cột điện gãy đổ rất nhiều, đã mấy hôm mà vẫn chưa có điện. Bà châm hai cái đèn dầu để trên bàn rồi bưng cơm ra. Nam nhanh tay đỡ lấy. Bữa cơm vui vẻ, các anh bộ đội và lấy và để. Hoàng bảo canh đu đủ ở quê má con hay bỏ thêm vài lá lốt, ăn ngon nhức cả nách luôn đó má Năm. Tự nhiên đang nói mặt Hoàng chùng xuống rồi rơi vào im lặng. Các anh bộ đội đều hiểu, lâu lắc rồi Hoàng chưa được gặp má mình.

Nhìn tụi nhỏ ăn cơm mà bà Năm bất giác nhớ thằng Tùng vô hạn. Tùng là đứa con duy nhất của bà, đang làm công nhân trên thành phố. Nhà bà cũng như những ngôi nhà cheo leo ở xứ này, người trẻ đi hết chỉ còn người già ở lại. Họ ngồi lên chiếc xe đò lọc xọc vào thành phố để hy vọng đời mình sẽ khác đi. Làng này chỉ có núi và gió, tới mùa thêm mưa và bão lũ chứ chẳng còn gì nữa cả. Thấy bà ngồi thừ, Nam gắp bỏ vào chén bà một lát trứng chiên giục bà ăn. Bà cười hiền hậu.

***

Gà eo óc gáy. Rồi bình minh sẽ làm lộ ra những vết thương sâu hoắm. Bữa đó bà Năm rớt nước mắt khi nghe tin ông Bảy bị cây ngã đè chết. Con bò đứt mũi, chạy hoảng loạn trong gió bão làm ông hớt hải chạy theo nhưng nào ngờ ông bị một cái cây đổ sập vào người. Rồi con bò – là gia tài quý nhất trong cuộc đời nghèo rớt mồng tơi của ông Bảy cũng bị cuồng phong làm chết. Giá mà ông Bảy có nhiều hơn một con bò thì có lẽ ông đã không bất chấp mà chạy theo nó giữa gió bão tơi bời.

Bà Năm nhỏm dậy nhóm bếp. Mùi xôi của nếp hương thơm phưng phức làm cái bụng bà cũng réo ùng ục. Có ang nếp ngon, bà để dành tính tháng sau làm đám giỗ ông Năm. Nhưng bây giờ thấy mấy đứa nhỏ sáng xì xụp gói mì rồi chạy đi làm nhiệm vụ bà không đành lòng. Mì tôm lõng bõng, tới nửa buổi là đói meo. Chỉ có xôi là no lâu và hợp với sức vóc thanh niên nhất. Bà giã muối mè để ăn kèm với xôi. Hình như tiếng chày giã làm Nam thức giấc. Nam nhoẻn miệng cười ngồi xuống đỡ lấy cái chày trên tay bà bảo để con giã cho má. Vài phút sau ba chú bộ đội kia cũng đã ngồi vây quanh bà Năm. Bà bê nguyên nồi xôi nóng hôi hổi đặt xuống đất. Mấy cậu chàng vô tư không cần chén dĩa, cứ cầm đũa dích từng miếng xôi chấm với muối mè ăn ngon lành. Nhìn tụi nhỏ cười nói ríu ran bất giác bà nghĩ mai mốt xong nhiệm vụ tụi nó đi rồi không biết bà buồn cỡ nào.

***

Nửa buổi chiều đã thấy mấy chú bộ đội vác về mấy miếng tôn, bảo hôm nay về sớm tranh thủ lợp lại chái bếp, vá lại mấy lỗ thủng trên mái nhà trên cho bà Năm. Nhanh như cắt, cái thang được đặt lên. Nam leo lên mái, dỡ tôn lủng đưa xuống. Bà Năm đứng dưới sân nheo nheo mắt nhìn lên mỏi cả cổ. Chỉ một loáng, mái tôn cũ nát ngấm nước mưa đã được bóc xuống hết phô ra sườn bếp những cái cây ám màu khói. Nhìn ngược lên mái nhà làm ngực bà Năm đau thắt.

Nắm lấy bàn tay - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Cách đây hơn ba mươi năm, cũng có cơn bão lớn quét qua làng. Lần nào cũng thế, bão xong sẽ có lụt. Năm lụt cao nhất nước ngập nửa nhà bà. Bà nghĩ chắc lần này cũng thế. Nếu nước dâng cao thì leo lên gác trốn, chờ nước rút rồi xuống. Đêm đó mưa gió mù trời. Nửa đêm đang ngủ bà tỉnh dậy, hoảng hồn khi thò chân xuống đất chạm phải dòng nước lạnh ngắt. Bà hoảng hốt gọi ông Năm. Bà bật đèn pin, giở mùng ẵm thằng Tùng lúc đó chưa tròn tuổi đang ngủ say sưa. Ông Năm vịn thang cho bà ẵm con leo lên gác, rồi đến lượt ông run run leo lên. Ông không quên mang theo cái thau giặt đồ, bảo “lỡ nước lớn bỏ thằng Tùng vô đây đẩy đi”.

Mưa gõ trên mái tôn như người ta nện búa. Nước lũ thường tranh thủ bóng đêm để dâng cao. Bà ngồi ôm con trong trên gác, ngó ra bóng tối xung quanh mà trong lòng dâng lên dự cảm bất an. Một tiếng, hai tiếng, nước lớn nhanh như người ta thổi bong bóng. Bà thò chân xuống gác đã chạm nước. Vợ chồng bà hoảng quá. Chưa bao giờ nước lớn nhanh đến thế. Bà nghe trong tiếng mưa có cả những tiếng ầm ầm. Sau này bà mới biết đó là những thân gỗ lớn bị nước cuốn theo dòng lũ từ thượng nguồn đổ về. Ông Năm nói với bà, phải dỡ mái nhà chui lên đưa cả nhà thoát khỏi đây. Ở lại là chết. Bà Năm gật đầu, run run rọi đèn pin cho chồng phá mái tôn chui lên. Ông leo lên trước, đưa tay bế thằng Tùng. Rồi bà cũng chui lên theo chồng.

Mưa gió quất ràn rạt vào mắt vào mũi lạnh cóng. Nhìn bốn bề chỉ có bóng tối và mưa gió gào thét không biết phải đi hướng nào. Đâu đó văng vẳng tiếng kêu cứu thất thanh kinh hãi. Ông Năm xoay trái xoay phải tìm hướng đi bỗng sảy chân rơi ùm xuống nước. Bà nghe một vùng nước quẫy mạnh rồi mất hút. Bà điếng người định lao xuống cứu chồng nhưng còn thằng Tùng đang khóc ngằn ngặt trên tay. Nước tới nóc nhà bà thì cả làng cũng đã ngập lút nóc như thế.

Dòng nước sông Thu Bồn cuồn cuộn quét qua làng. Bà biết nếu xuống nước chắc hai mẹ con không sống nổi nên quyết định ôm con ngồi trên mái tôn. Thỉnh thoảng lại giật mình vì dòng nước cuốn theo cây lớn va đập vào nhà. Nước mắt lẫn vào nước mưa tuyệt vọng. Bà nghĩ chắc hai mẹ con bà cũng sẽ bị trôi theo dòng nước khi dòng lũ lạnh ngắt mỗi ngày một nhích dần lên mái tôn. Bà ngồi như thế hơn một tiếng trong mưa lạnh thì có một chiếc xuồng cứu hộ chạy tới. Giọng một người đàn ông cất lên rất to, sát bên nhưng bà chẳng nghe gì cả. Bà chỉ nhớ lúc đó anh bộ đội đó đã leo lên mái tôn, đỡ lấy thằng Tùng đã tím tái vì lạnh xuống xuồng trước. Rồi anh tay quay lại nắm lấy bàn tay đã lạnh như xác chết của bà. Thấy bà trơ ra như bị đóng băng, anh bộ đội bóp nhè nhẹ vào tay bà. Lúc đó bà Năm mới biết mình còn sống.

Lũ ngập tới bốn ngày mới rút. Bà ôm con quay về căn nhà giờ chỉ còn lại cái nền nhà trống lốc. Làng có hơn hai mươi người chết. Bà lội trên lớp bùn non đặc quánh tìm chồng. Xác heo gà, chó mèo, trâu bò bốc mùi nồng nặc. Bộ đội tìm thấy chồng bà bị mắc vào một bụi tre. Bà đau đớn phủ phục. Các anh bộ đội lại giúp bà đào huyệt mộ chôn cất chồng. Bà ôm con ngồi trong sân, như cái xác không hồn nhìn các anh dựng lại căn nhà cho mình. Bà không thể tin chỉ mới mấy ngày mà bà mất đi tất cả. Anh bộ đội nhìn bà cảm thông, bảo bà phải gượng lên để còn lo cho thằng bé, nhìn nó ốm yếu tội nghiệp. Bà nhìn con, như sực tỉnh. Lại gượng dậy như mầm cây yếu ớt để nuôi con.

Từ cơn lụt kinh hoàng ngày đó đến đây đã hơn ba mươi năm. Bà Năm giờ tóc trắng nhiều hơn tóc đen. Năm nào cũng thế, hễ ti vi phát ra bản tin “tin bão khẩn cấp trên Biển Đông” là bà lại thẫn thờ theo dõi. Hình như chưa năm nào ông trời quên rót vài trận bão lụt cho xứ này. Sau những trận lũ lớn ở nơi này nơi kia, bà Năm đi chợ bán cặp gà cặp vịt, có khi là buồng chuối rồi xếp phẳng phiu từng đồng tiền mang tới điểm quyên góp. Các anh các chị ở ủy ban nhẵn mặt bà. Họ nói tên bà trong danh sách những hộ nghèo nhất xã, không cần ủng hộ. Bà lắc đầu nguầy nguậy. Bà nghèo nhưng bà đâu có khổ. Người ta mất nhà, mất cửa, mất con cái người thân khổ biết chừng nào. Bà nhìn xa xăm nói, hồi xưa không có các anh bộ đội tới cứu hộ thì bà thành đất, thành nước mất rồi chứ đâu còn đứng đây mà nói…

***

Sáng sớm, làng bịn rịn chia tay các anh bộ đội đã làm xong nhiệm vụ giúp dân. Những mái nhà mới lợp rực lên trong nắng mới thơm tho. Ai cũng rơm rớm nước mắt. Xe đã ậm ì lăn bánh, tiếng giục giã các anh mau lên đường mà những cuộc tiễn đưa vẫn quyến luyến không rời. Các bà, các mẹ dúi vào tay các anh nắm xôi, cái bánh, có khi là quả chuối vừa kịp chín vừa lấy trong lu ra sáng nay… Bà Năm quay đi, kéo vạt áo lau đôi mắt đã sắp mờ. Cuộc đời bé mọn của bà, nhẩm đi nhẩm lại có mấy cuộc chia ly thôi mà sao lại buồn đến vậy. Bất chợt có bàn tay thật ấm nắm lấy bàn tay gầy gò của bà. Rồi thêm một bàn tay nữa nắm lấy tay kia. Bà nghe giọng Nam, giọng Hoàng, giọng Lộc: “Má đừng buồn, mai mốt rảnh rỗi tụi con về thăm má liền. Lỡ ghiền xôi nếp hương ăn với muối mè má nấu mất rồi”. Bà cười lỏn lẻn, siết chặt tay các anh: “Ừ, đi cho mạnh tay mạnh chưn, lúc nào rảnh thì về với má, má chờ…”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img