Điểm du lịch Bàu Trắng ở Bình Thuận với những đồi cát trắng mịn, thay hình đổi dạng theo mùa, ôm sát quanh hồ nước ngọt trong xanh, làm say đắm du khách.
Bàu Trắng còn có tên gọi khác là Bạch Hồ, một hồ nước ngọt tự nhiên bao quanh đồi cát trắng hoang sơ; dù nằm ngay bên cạnh đồi cát, nhưng không bao giờ khô cạn kể cả mùa nắng nóng.
Với diện tích khoảng 70 ha, Bàu Trắng là hồ nước ngọt duy nhất nuôi sống cả vùng đất căn cứ cách mạng Lê Hồng Phong trong suốt hai cuộc kháng chiến. Ngày nay, Bàu Trắng còn góp phần tạo nên màu xanh của cây trái trên vùng đất đầy nắng và gió.
Nếu đi từ Mũi Né, theo tuyến đường ven biển, du khách chỉ mất khoảng 30 phút chạy ô tô là đến Bàu Trắng. Ngày nay, với sự đầu tư hạ tầng giao thông khá tốt, con đường đến thắng cảnh Bàu Trắng lúc nào cũng đông đúc du khách; nhất là các bạn trẻ từ mọi miền đến đây trải nghiệm, ghi lại những hình ảnh độc đáo nhất cho tuổi thanh xuân.
Du khách đến đây không chỉ được khám phá Hòn Yến ngay sát tuyến đường biển, mà còn được trải nghiệm chạy xe địa hình trên đồi cát Trinh Nữ rộng hàng trăm héc ta với những triền cát trắng mịn, uốn lượn như những dải lụa theo mùa gió. Mỗi khi gió biển thổi vào làm thay đổi hình dạng đồi cát với những nét hình quyến rũ như mái tóc thiếu nữ. Vì vậy, đồi cát ở Bàu Trắng còn có tên đồi cát Trinh Nữ là vậy.
Năm 2007, Bình Thuận đã đầu tư mở tuyến đường từ xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình) đến trung tâm thị trấn Phan Rí Cửa (H.Tuy Phong). Đây là tuyến đường đôi chạy dọc theo bờ biển. Hai bên là những triền cát mịn màng men theo bờ cát trắng. Du khách đi trên con đường này sẽ được trải nghiệm sự lãng mạn, chẳng khác gì đi trên con đường sa mạc cát rất thú vị. Có du khách đến đây còn ví con đường ven biển này là “đường ven biển đẹp nhất Việt Nam”.
Khai thác du lịch phải gắn với bảo vệ thắng cảnh quốc gia
Thắng cảnh Bàu Trắng đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích cấp quốc gia (tại Quyết định số 3040, ngày 3.9.2019). Cùng với đó, điểm du lịch Bàu Trắng còn nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt.
Điều đó cho thấy, điểm du lịch Bàu Trắng có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né của ngành du lịch Bình Thuận.
Những năm gần đây, cùng với sự “bùng nổ” du khách đến với các điểm du lịch của Bình Thuận nói chung và Mũi Né nói riêng, thì lượng khách đến tham quan Bàu Trắng cũng tăng theo mỗi năm. Để khai thác điểm đến hiệu quả, nhằm phát triển kinh tế – xã hội; nhưng đồng thời phải bảo vệ, giữ gìn môi trường tự nhiên, Bình Thuận đã có nhiều quy định khá nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra những vụ việc có dấu hiệu khai thác du lịch quá tải hoặc các vụ xây dựng lấn chiếm vào vùng đệm, vùng lõi của thắng cảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của Bàu Trắng, khiến dư luận quan tâm. Để khắc phục những vấn đề trên, Sở VH-TT-DL Bình Thuận phối hợp với UBND H.Bắc Bình đã làm tốt công tác tuyên truyền đến cộng đồng dân cư và các đơn vị khai thác du lịch tuân thủ nghiêm các quy định về luật Di sản. Theo đó, không được xây dựng, làm thay đổi hiện trạng di tích thắng cảnh Bàu Trắng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 32 luật Di sản văn hóa 2001 và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa năm 2009 thì khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích (yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh). Và điểm b, khoản 1, Điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Di sản văn hóa và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, quy định hành vi làm sai lệch di tích “Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích”. Do vậy, các hoạt động xâm phạm vào khu vực bảo vệ 1 của thắng cảnh Bàu Trắng đều vi phạm pháp luật về di sản.
Nguồn: thanhnien.vn