Sự thống trị của biến thể Delta, thời gian cách ly bị rút ngắn, các biện pháp hạn chế bị xem nhẹ và việc truy vết tiếp xúc suy giảm đã khiến Indonesia “thất thủ” trước làn sóng tấn công dữ dội của dịch Covid-19.
Indonesia “vỡ trận” trong cuộc chiến chống Covid-19
Indonesia đang chật vật đối phó với sự gia tăng số ca Covid-19 trong những tuần qua khi liên tục ghi nhận số ca mắc hàng ngày vượt 30.000 ca.
Ngày 9/7, quốc gia này ghi nhận 38.124 ca Covid-19. Hiện số ca mắc ở Indonesia đã vượt quá 2,4 triệu ca trong khi số ca tử vong là 64.000.
Sự gia tăng này diễn ra sau dịp lễ Idul Fitri – ngày lễ lớn của người Hồi giáo ngay sau khi kết thúc tháng nhịn ăn Ramadan vào giữa tháng 5 – thời điểm mà người dân về quê bất chấp lệnh cấm đi lại và cấm tụ tập ở các điểm du lịch.
Chính phủ đã dự tính trước sự gia tăng số ca mắc Covid-19 khi dịp lễ Idul Fitri năm ngoái dẫn đến sự gia tăng từ 60 – 70% số ca mắc. Vì thế, lần này, chính phủ tăng tới 72.000 giường bệnh, song từ trước khi dịp lễ diễn ra, đã có 29.000 giường trong số đó được sử dụng. Tổng số 7.500 giường chăm sóc tích cực, trong đó khoảng 2.000 giường được sử dụng trước lễ Idul Fitri, cũng được tăng cường.
Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc sau dịp lễ này tăng cao hơn đáng kể so với năm ngoái.
Năm nay, một số khu vực ở Indonesia đã ghi nhận tỷ lệ gia tăng số ca mắc mới lên tới hơn 200%, khiến cho nhiều bệnh viện phải căng mình đối phó với dịch Covid-19.
Bộ trưởng Điều phối các Vấn đề trên biển và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan đã thừa nhận hôm 1/7 rằng, chính phủ không lường trước được số ca mắc tăng cao như vậy.
Người phát ngôn chính phủ về việc ứng phó với Covid-19 và chiến dịch tiêm vaccine Siti Nadia Tarmizi nhận định với CNA rằng, một lý do cho sự gia tăng đột biến này là mọi người ngày càng xem nhẹ các giao thức y tế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Một lý do khác nữa là sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia cho rằng biến thể Delta đóng vai trò đáng kể và chủ đạo trong sự gia tăng số ca mắc lần này.
“Một điều đã được chứng minh ở mọi nơi trên thế giới là biến thể Delta vô cùng dễ lây lan”, Giáo sư Zubairi Djoerban, người đứng đầu lực lượng tác chiến chống Covid-19 của Hiệp hội Y khoa Indonesia nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nhân tố kết hợp cùng lúc dẫn đến tình hình dịch bệnh Covid-19 nguy cấp ở Indonesia. Các nhân tố này gồm có việc lao động nước ngoài quay trở lại cùng thời điểm người dân đang lơ là lệnh cấm đi lại trong dịp lễ Idul Fitri, thời gian cách ly ngắn và việc truy vết cũng như xét nghiệm ngày càng giảm.
Sự “thống trị” của biến thể Delta
Giáo sư Djoerban cho biết do biến thể Delta nguy hiểm hơn so với chủng virus ban đầu nên những người mắc biến thể này thường cần điều trị tại bệnh viện.
“Đó là lý do tại sao tất cả các bệnh viện hiện nay đều bị lấp đầy”, chuyên gia này nhận định.
Ông cũng cho biết, đối với những người từng mắc Covid-19, cơ thể họ sẽ phát triển kháng thể chống lại virus sau khi hồi phục. Tuy nhiên, các kháng thể chống lại chủng virus ban đầu dường như không có nhiều tác dụng bảo vệ trước biến thể Delta.
“Vì thế, nhiều người từng mắc Covid-19 vẫn bị tái nhiễm”.
Theo Giáo sư Djoerban, những người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến thể Delta mặc dù tỷ lệ này ở Indonesia chưa quá cao ở thời điểm hiện tại.
“Đó là lý do tại sao những người sau khi tiêm vaccine không nên tự mãn và chủ quan. Chúng ta vẫn cần tuân thủ các giao thức y tế”, chuyên gia này nhận định.
Bác sĩ Dwi Bambang cũng đồng quan điểm rằng, những biến thể mới, trong đó có biến thể Delta là nhân tố gây ra tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay ở Indonesia. Bác sĩ chuyên khoa phổi làm việc ở 3 bệnh viện này cho biết, số lượng bệnh nhân mà ông tiếp nhận nhiều hơn so với năm ngoái. Trong khi hầu hết các bệnh nhân ở độ tuổi từ 35 – 60 thì bác sĩ này cho biết, ông đã tiếp nhận một bệnh nhân Covid-19 chỉ mới 4 tuổi.
Thời gian cách ly bị rút ngắn
Biến thể Delta được cho là đã xâm nhập vào Indonesia qua những người đến từ nước ngoài. Nhà dịch tễ học Atik Choirul Hidajah cho biết, ngoài những người về quê vào tháng 5/2020, cũng có nhiều lao động di cư Indonesia quay trở về từ nước ngoài. Tiến sĩ Atik Choirul Hidajah nhận định, theo khái niệm, một dịch bệnh truyền nhiễm bao gồm 3 yếu tố là vật chủ, tác nhân và môi trường.
Đối với dịch Covid-19, vật chủ là con người và tác nhân là virus SARS-CoV-2. Môi trường chính là môi trường thực tế như những căn phòng với hệ thống thông gió cũng như các quy định nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
“Vật chủ trong dịp lễ Idul Fitri là những người về quê để gặp gia đình và người thân của họ nhưng cũng cần nhớ rằng không chỉ có những người đi lại trong nước dịp Idul Fitri mà còn có nhiều lao động từ nước ngoài”, chuyên gia này đánh giá.
Mặc dù quy định bắt buộc với những người đến Indonesia là trình giấy xét nghiệm PCR âm tính nhưng việc thực hiện không phải lúc nào cũng nghiêm ngặt, nhà dịch tễ học đến từ Đại học Airlangga này cho hay.
Cho tới ngày 5/7, những người mới đến Indonesia chỉ phải trải qua quá trình cách ly 5 ngày nhưng Tiến sĩ Hidajah cho biết, thời gian ủ bệnh trung bình của virus SARS-CoV-2 là 14 ngày.
Thời gian cách ly 14 ngày với những người đến từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines mới chỉ được thực hiện từ tháng 4. Tuy nhiên, thậm chí cả khi lệnh cách ly 14 ngày được thực hiện thì cảnh sát Indonesia cũng đã bắt được một số trường hợp đến từ Ấn Độ vi phạm quy định này vào cuối tháng 4.
Tiến sĩ Masdalina Pane thuộc Hiệp hội Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm Indonesia cho rằng, lệnh cách ly 5 ngày là quá ngắn và đây là một nhân tố dẫn đến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 gần đây.
“Lệnh cách ly không nên chỉ kéo dài 5 ngày mà phải là 14 ngày. Tôi tin đây là lý do số ca mắc tăng vọt, bên cạnh sự xuất hiện của biến thể Delta”, Tiến sĩ Pane nhận định.
Cuối tuần trước, chính phủ cho biết, lệnh cách ly với những người mới đến Indonesia sẽ được mở rộng lên 8 ngày, bắt đầu từ 6/7.
Truy vết tiếp xúc giảm
Một nhân tố khác dẫn đến sự gia tăng số ca mắc gần đây là chính phủ Indonesia đã giảm việc truy vết tiếp xúc cách đây một vài tháng, Tiến sĩ Pane cho hay.
Quay trở lại hồi tháng 1/2021, lực lượng tác chiến chống Covid-19 của nước này đã tuyển 8.000 người truy vết tiếp xúc sau khi số ca mắc tăng vọt sau lễ Giáng sinh và Năm mới. Tuy nhiên, số nhân viên truy vết đã giảm từ cuối tháng 3 sau khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm.
Tiến sĩ Hidajah ở Surabaya cho biết, họ đã tiến hành nghiên cứu và dữ liệu gần đây cho thấy, tỷ lệ truy vết là 1:10 trong khi con số tối thiểu phải là 1:30. Điều đó tức là cứ 1 người mắc Covid-19 thì chỉ 10 tiếp xúc gần được theo dõi.
“Bởi vì những người nghi mắc không được truy vết, vì thế sẽ không được xét nghiệm. Nếu những người này không được xét nghiệm, họ sẽ không được điều trị. Ngoài ra, ở nhiều khu vực, số lượng phòng xét nghiệm vẫn rất hạn chế”.
Theo các nhà dịch tễ học, nếu việc truy vết và xét nghiệm vẫn hạn chế trong khi thời gian cách ly rút ngắn thì tỷ lệ lây nhiễm sẽ không giảm.
Bộ trưởng Y tế Indonesia nhận định nước này sẽ chứng kiến đỉnh dịch và cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 nhưng cho tới nay, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng. Theo Tiến sĩ Pane, điều tồi tệ nhất với Indonesia vẫn chưa đến./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.