Theo một nghiên cứu vừa được công bố, dù có sự tiến bộ trong công nghệ y tế và nghiên cứu di truyền, tuổi thọ con người không tăng đáng kể.
Ở các quốc gia có tuổi thọ cao nhất, mức tăng tuổi thọ cũng đang dần thu hẹp lại. Jay Olshansky, Giáo sư Y tế cộng đồng tại Đại học Illinois-Chicago và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Tuổi thọ của con người đang đạt đến ngưỡng tối đa. Tất nhiên, luôn có cách để đẩy tuổi thọ tăng cao hơn nhưng hiện giờ chúng ta chưa tìm ra”.
Trong nghiên cứu này, Olshansky và các cộng sự đã theo dõi ước tính tuổi thọ từ năm 1990 đến 2019, dựa trên cơ sở dữ liệu do Viện Max Planck về Nghiên cứu và quản lý Dân số. Các nhà nghiên cứu tập trung vào 8 địa điểm trên thế giới có tuổi thọ cao nhất bao gồm Úc, Pháp, Hồng Kông, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Kết quả cho thấy, phụ nữ tiếp tục sống lâu hơn nam giới, và tuổi thọ vẫn đang được cải thiện, nhưng tốc độ đang chậm lại. Năm 1990, mức tăng tuổi thọ trung bình khoảng 2,5 năm mỗi thập kỷ. Đến những năm 2010, con số này giảm xuống còn 1,5 năm và gần như không có thay đổi ở Hoa Kỳ.
Tuổi thọ của con người đang dần đạt đến giới hạn. Ảnh: AP
Nguyên nhân tuổi thọ của người Mỹ không tăng, theo Olshansky là do ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề như sử dụng ma túy, bạo lực, béo phì. Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng dẫn đến việc nhiều người chết trước khi đến tuổi già.
Theo Olshansky, điều đó không có nghĩa là con người sẽ không sống đến 100 tuổi nhưng tỷ lệ chỉ chưa đến 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới.
Một điều mà ông đặc biệt lưu ý là các nhà khoa học hiện vẫn chưa tìm ra cách để điều khiển quá trình lão hóa sinh học. Phương pháp đó sẽ là chìa khóa để không chỉ sống thọ mà còn sống khỏe mạnh, không bệnh tật trong những năm tháng tuổi già. “Chúng ta đã đạt được điều mình mong muốn là kéo dài tuổi thọ nhưng càng ngày càng không kiểm soát được hậu quả của nó là sự gia tăng của chứng mất trí, suy giảm nhận thức”.
Nguồn: vtv.vn