Monday, November 25, 2024

Những dòng sông mộng mị

Ngày đầu tiên của tuần thứ hai tháng mười, tôi pha ly cà phê đen, nâng tập thơTừ độ qua sông của Võ Văn Luyến mới in, từ quê nhà Quảng Trị gửi vô. Đọc và tự dưng nhìn thấy trong đó có rất nhiều dòng sông!

1. Bật máy, tôi nghe bản nhạc một thời mê đắm: Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza) của hai nhạc sĩ đồng sáng tác Pierre Delanoe và Jean Renard gần cuối thập niên 1960 với sự chuyển ngữ tài tình của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. Bản nhạc này đã theo tôi từ hồi học lớp 12, lúc nghe lần đầu ở Huế: “Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn/Đã ru tôi trọn ngày thơ ấu/Ngỡ quên đi cùng năm tháng dài/Sao giờ bỗng hồn đầy nhớ thương, dòng sông cũ…”. Và sau nhiều năm nghe giọng của ca sĩ Thanh Lan, bây giờ tôi nghe qua giọng của ca sĩ Thùy Dung. Đầy mộng mị!

Hai hôm trước, khi nghe tôi nhắn tin rằng đã nhận được tập thơ, Luyến giải thích: “Tên tập thơ Từ độ qua sông sẽ không tìm thấy từ tựa của một bài thơ nào cụ thể, tránh để người đọc dựa vào đó khái quát thế giới tinh thần mà tác giả muốn gửi gắm trong đó nhiều chiều kích thể hiện”. Tôi à, ra vậy. Cho nên, có thể 119 bài thơ anh in trong tập này, ngoài việc lấy ngày tháng sinh nhật của mình, còn có dụng ý khác. Một thứ dụng ý mênh mang như mỗi bài thơ là một dòng-sông-mộng mị!

Những dòng sông mộng mị

Bìa của tập thơ Từ độ qua sông (Võ Văn Luyến)

Ảnh: NVCC

Của riêng anh, chắc chắn rồi. Vì tôi đọc thấy trong đó là sóng thời gian, sóng mây bạc đầu, sóng lòng thao thức, sóng của muôn thứ trải ra trên cuộc đời này. Chỉ không đơn giản như khi đọc và cảm thấu thơ của Võ Văn Luyến, mà mỗi lần nhận được và đọc, tôi lại có chút ngại ngần khi viết đôi dòng giới thiệu. Nhưng rồi, nghĩ rằng chắc sẽ không sao, vì anh vốn khó tính với từng câu từng chữ, còn ở phía của người cảm nhận, tôi là một trong số bạn đọc chắc cũng sẽ có chút quyền riêng.

Dông dài chút như vậy, để rồi thấy Võ Văn Luyến Thì thầm với Thành Cổ ở Quảng Trị ngay từ bài đầu tiên in trong tập, viết ngày 27.12.2023. Một địa danh mà tôi từng sống thời thơ ấu và không ít lần thao thức, được anh nhiều lần… dằn lòng “mộng mị”: “ngàn lau cứa chân trời rỉ máu/ngày chưa thôi ôm mộng đi về/Thành Cổ đó nụ cười mai hậu/nát tan đâu giết nổi câu thề”.

Và vì, “không để người đọc khái quát”, nên nhà thơ cho (hoặc đề nghị, hoặc nhắc mình) thêm lựa chọn:

đánh vật với tín hiệu chóng mày chóng mặt
bày biện thế giới kiểu đuổi hình bắt chữ
như một lựa chọn về tồn tại
chờ đến ngày mai
(Lựa chọn – giờ thứ 25, 11.7.2024)

Nói vậy, nhưng trong cái “mộng mị” riêng mình ấy, Võ Văn Luyến ghi rất trang trọng “Kính tặng một nhà thơ hậu hiện đại” ở đầu bài thơ này. Chẳng biết người đó là ai, song đọc thêm nhiều bài kế tiếp ở phần đầu tập thơ, lối cách tân của Luyến khá đa dạng. Ví như những chữ đầu câu thơ, anh không viết hoa hoặc có vẻ bình thường đang “yên lành” mạch thơ, anh lại chấm giữa câu, đầy dụng ý. Tỉ như bài thơ Ngày cũ:

ngày lại cũ. vàng rơi vào tuổi
nhắc chiều xưa. áo trắng. môi ngoan
ta như cây bên đường già cỗi
bão trần gian từ phía em sang

28.11.2023

Và từ đó, những bài Đêm mơ sông lạnh, Nỗi nhớ thức giấc, Bên cầu tử sinh, Em quên một mình ta nhớ một mình, Hy vọng nuông chiều… in liền một mạch, anh vẫn giữ lối dụng ý không viết hoa chữ đầu câu hoặc chấm giữa câu. Hỏi, anh trả lời: “Tập thơ Từ độ qua sông có những điểm “vượt rào” ngữ pháp với đích nhắm thi pháp hậu hiện đại và cách tân thơ. Ví như có chỗ biến danh từ riêng thành danh từ chung hoặc tính từ (dấu hiệu chuyển hóa từ loại) nên không viết hoa, kể cả sau dấu chấm. Những nhà sáng tạo truyền thống dễ dị ứng với đổi mới và phá cách này”.

Những dòng sông mộng mị

Trước Từ độ qua sông, Võ Văn Luyến từng xuất bản nhiều tác phẩm như Trầm hương của gió, Mười ngón thu

Ảnh: NVCC

Nghe anh nói vậy, tôi đã đi tìm sự đổi mới và cách tân thơ của Võ Văn Luyến suốt tập Từ độ qua sông dày 212 trang. Vì dù sao cũng đã “lỡ” đọc anh và giới thiệu nhiều tập thơ trước như Mật ngôn của biển (2019), Mây âm tính (2022), 10 ngón thu (2023) và vì yêu thơ anh, yêu cái miệt mài điềm tĩnh khi nhả chữ, đặt câu của anh, nên chẳng thể ơ thờ. Hóa ra, dù nói vậy, nhưng cái cốt lõi là truyền được cảm xúc tự thân, lung linh hơn với thơ và hết sức tôn trọng độc giả của Võ Văn Luyến lại càng đáng trân trọng. Bởi nó không cầu kỳ, bí hiểm hoặc phóng đại tâm cảm bằng “xảo ngữ” như một vài nhà thơ khác mà tôi đã đọc, đã nghe.

2. Giả dụ, như khi Luyến viết trong bài Nhớ miền Tây: “giăng câu mùa nước nổi/mênh mông chiều/bóng rung mây/sạ nghiêng ngả gió/theo lối cỏ/lũ chim nhát bay/nhớ anh đầu bếp ngoài phố/hiểu ra vì sao bầu trời vắng mày”. Rồi ở khổ cuối: “mời nhau con cá rô bá cháy/chén rượu thơm nồng/em đi ngày sáo qua sông/một vùng mắt biếc theo dòng nhớ quên”. Con chim nhát là danh từ chuyển hóa thành tính từ trong hai chữ nhát bay (nhút nhát), và 2 câu cuối chuyển thành lục bát, không hề lẫn lộn sượng sùng.

Cách tân như thế, có sao đâu!

Nhưng thôi, nói về kỹ thuật chữ nghĩa, làm mới thơ mà vẫn nhận được sự “hưởng ứng” của người đọc là “câu chuyện trường thiên”, kể từ nhiều thế hệ trước như Bích Khê (với nhiều bài trong các tập Tinh hoa, Tinh huyết), Nguyễn Xuân Sanh (với câu choáng ngợp tuyệt bút luận hoài không ra, dù nghiệm lại rằng hay, như Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà)… song, cũng như bao lần đọc Võ Văn Luyến, tinh thần độc giả của tôi lại chủ đích về một hướng, là cái sự mộng mị tang bồng ấy, anh vẫn không buông bỏ được, vẫn chân thật với cuộc đời này, dù anh có thể hiện nó ra sao.

Cách đây ít hôm, tôi cũng có viết một bài tản mạn lấy tựa Lòng ta bến đò xưa đăng trên một tờ báo, tựa ấy là một câu trong bài thơ Trăng sáng bến đò xưa của Bích Khê: “Trăng sáng giữa trời trong/Soi về miền cổ độ/Lòng ta bến đò xưa/Bóng trăng sao chẳng tỏ?”. Câu hỏi kết bài thơ này, tôi cứ vẩn vơ nghĩ mãi suốt mấy năm, kể từ dạo về quê ông ở bên dòng sông Vệ, làng Thu Xà, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Rốt cuộc tôi cũng mạo muội viết ra được nghĩ suy trong lòng, ý tứ như sau: “Bây giờ, có mấy bến sông còn những chuyến đò? Và có mấy ai ví von vào thơ hay như thế được nữa khi một thế hệ thi nhân đã ghi khắc tên mình vào cõi lòng của bao người, nay hầu hết đều đã ra đi, gửi lại cuộc đời này những câu hỏi truyền kiếp mà không đợi đến câu trả lời. Chỉ để đời sau cảm thấu và rốt cuộc nhận ra rằng, chắc cũng không nên có câu trả lời nào cụ thể được cho trăn trở của một đời thơ, như Bích Khê!”.

Cũng không có ý so sánh, mà chẳng nghĩ về những phiên bản cách tân nào hay hay dở. Chỉ biết, rốt cuộc lại thích đoạn kết trong bài thơ kết tập thơ của Luyến, bởi nó gây trong tôi một vọng động, một gợn sóng trên dòng sông thơ mà nhà thơ Võ Văn Luyến trải bút, rút tỉa cả một đời:

Chiều ba mươi vỡ lời nguyền an nhiên mà sống
Ta nam nhi tự dưng lại yếu mềm
Không giấu được phút giây ba động
Thì xin người úp mặt vào đêm

(Chiều ba mươi – 30 tháng Chạp Quý Mão, 9.2.2024)

Bài thơ này hoàn toàn không một nét cách tân!

Sài Gòn 14.10.2024

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img