Thương hiệu ô tô điện Trung Quốc chính thức mở bán trước hai mẫu xe phổ thông, gồm AION Y Plus và AION ES có giá lần lượt 788 triệu và 888 triệu đồng.
Trong đó, mẫu xe được chờ đợi nhất là AION Y Plus được phân phối với phiên bản duy nhất Y Plus Premium (7 màu ngoại thất và 5 màu nội thất), có giá 888 triệu đồng (đã bao gồm pin). Tại Việt Nam mẫu xe này định vị ở phân khúc SUV/Crossover hạng trung (cỡ C). Như vậy, nếu so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là VinFast VF 7 (giá bao gồm pin từ 999 triệu đến 1,224 tỉ đồng), thực tế giá của “tân binh” AION vẫn “mềm” hơn khá nhiều.
Ngoài ra, xét rộng hơn ở phân khúc SUV/Crossover cỡ trung, giá bán của Y Plus cũng ngang ngửa các phiên bản giữa của nhóm xe xăng/dầu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, như Mazda CX-5 (749 – 979 triệu đồng), Hyundai Tucson (769 – 989 triệu đồng), Ford Territory (799 – 929 triệu đồng), Kia Sportage (779 – 999 triệu đồng)… Tuy nhiên lại có lợi thế được miễn lệ phí trước bạ.
AION Y Plus sở hữu thiết kế tinh giản và mang hơi hướng tương lai hơn so với những mẫu mã cùng hạng đang có mặt tại Việt Nam. Ngoại thất xe nổi bật với hệ thống đèn chiếu sáng ban ngày phía trước tạo hình đôi cánh thiên thần có tính nhận diện cao. Nội thất xe mang xu hướng công nghệ với ghế lái chỉnh điện tích hợp tính năng làm mát, cụm đồng hồ kỹ thuật số 10,25 inch, màn hình giải trí 14,6 inch kết nối Apple CarPlay, hệ thống camera quan sát lên đến 540 độ, đèn nội thất LED Ambient Light 32 màu và hệ thống âm thanh 6 loa DSP Bongiovi.
Ngoài ra, mẫu xe này cũng gây chú ý với khoảng để chân hàng ghế hai rộng vượt trội, hệ thống cửa mở gần như 90 độ, cửa sổ trời toàn cảnh, khoang hành lý có thể gập ghế tăng dung tích lên đến 1.200 lít và hàng ghế trước có thể ngả lưng hoàn toàn.
Về vận hành, Y Plus sử dụng động cơ điện kết hợp khối pin khối pin 63,2 kWh, cho công suất tối đa 204 mã lực và mô-men xoắn 225 Nm. Xe có phạm vi hoạt động tiêu chuẩn 490 km. Hãng tặng kèm 2 bộ sạc cầm tay. Trong đó, với bộ sạc AC 7.4 kW, xe có thể sạc đầy trong khoảng 9 tiếng.
Trong khi đó, AION ES cũng bán ra phiên bản duy nhất, kèm 4 màu ngoại thất; giá bán chính thức 788 triệu đồng (bao gồm pin). Nếu xét về kích thước, mẫu xe này sẽ xếp chung nhóm sedan hạng D với BYD Seal (1,119 – 1,359 tỉ đồng) ở mảng xe điện và những tên tuổi “sừng sỏ” ở nhóm xe xăng như Toyota Camry (1,105 – 1,495 tỉ đồng), Mazda6 (769 – 899 triệu đồng) hay Kia K5 (859 – 999 triệu đồng).
So sánh nhanh có thể thấy, giá bán của mẫu xe AION thấp hơn đáng kể so với hầu hết đối thủ, ngoại trừ Mazda6. Mặc dù vậy, so về trang bị, phiên bản AION ES bán tại Việt Nam lại có phần lép vế hơn.
Cụ thể, AION ES có cụm đèn LED có thiết kế tối giản và bộ mâm đa chấu 17 inch ở ngoại thất. Không gian ca-bin thiết kế tinh gọn và mang hơi hướm công nghệ với phanh tay điện tử, cần số dạng núm xoay, vô-lăng chỉ 2 chấu cùng điều hòa tự động hai vùng độc lập. Tuy nhiên, khu vực trung tâm điều khiển trang bị chưa nhiều công nghệ, tiện nghi ở tầm phân khúc, khi chỉ có một màn hình analog kết hợp màn hình điều khiển cảm ứng ở trung tâm kích thước khá nhỏ.
Ở khả năng vận hành, AION ES sử dụng bộ pin LFP có công suất 55.2 kWh, sản sinh công suất tối đa 134 mã lực và mô-men xoắn 225 Nm với khả năng di chuyển tối đa 440 km trong một lần sạc.
Ngoài Y Plus và ES, trong kế hoạch phân phối giai đoạn đầu của AION còn có thêm mẫu SUV điện Hyptec HT. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ đại diện hãng, giá bán và thời gian “lên kệ” của mẫu xe này dự kiến sẽ công bố vào cuối năm nay.
AION là thương hiệu xe điện chỉ mới thành lập từ năm 2017, thế nhưng hiện đang đứng thứ 3 trên toàn cầu về doanh số xe điện với gần 1,4 triệu xe đã bán ra, chỉ sau 2 “ông lớn” BYD và Tesla. Tương tự GAC Motor vừa mở bán tại Việt Nam trước đó không lâu, AION cũng là thương hiệu con của tập đoàn GAC. Tuy nhiên, hai thương hiệu khác biệt nhau hoàn toàn về sản phẩm và nhà phân phối. GAC Motor xe xăng được phân phối bởi Tanchong Việt Nam, trong khi AION bán xe thuần điện và do Harmony Việt Nam phụ trách.
Có thể nói, với sự xuất hiện của AION, thị trường ô tô điện tại Việt Nam đã bắt đầu “tăng nhiệt”. Trước đó, BYD phá vỡ thế độc tôn của thương hiệu “chủ nhà” VinFast, bằng việc mở bán dải 3 sản phẩm xe thuần điện đầu tiên, gồm Dolphin, Atto 3 và Seal. So với hai tên tuổi vừa nêu, AION có thể xem là “kẻ đến sau” và ít nhiều gặp bất lợi về độ phủ cũng như sức nặng thương hiệu. Bù lại, “kỳ lần” ô tô điện này lại có thế mạnh về sản phẩm khi làm chủ công nghệ pin hộc ngăn riêng, đồng thời gần như tự chủ chuỗi cung ứng.
Nguồn: thanhnien.vn