“Đối với một quốc gia, hay với một địa phương, muốn phát triển thì phải có doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển, địa phương phát triển…”
Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng
Trong những năm qua, mặc dù phải chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, vậy nhưng, cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An đã không ngừng đổi mới, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thách thức để duy trì phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp thuế vào ngân sách Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo…
Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 35.000 doanh nghiệp đăng ký, tạo ra việc làm cho khoảng 350.000 lao động, với mức tiền lương bình quân khoảng 6,63 triệu đồng/người/tháng, đóng góp khoảng 60% tổng thu ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An ước đạt 8,3%, xếp thứ 16/63 tỉnh thành cả nước, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,27%), đặc biệt tăng trưởng có xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước.
Thu ngân sách nhà nước toàn tỉnh 9 tháng ước thực hiện 17.145 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán được giao và tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp ước đạt 10.800 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 35.582 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh khoảng 732 triệu USD.
Ngoài đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh còn tích cực hưởng ứng, phát động thực hiện nhiều phong trào, hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa, đặc biệt là trong công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà; giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn, tổn thất do thiên tai gây ra…
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Nghệ An lại ghi nhận tín hiêu không mấy khả quan khi tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại là 723 doanh nghiệp, giảm 17% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đã giải thể và đang làm thủ tục giải thể là 902 doanh nghiệp, tăng 33% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.533 doanh nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá, phần lớn doanh nghiệp Nghệ An có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm hơn 97%, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; có nhiều doanh nghiệp còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu…
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Chương trình gặp mặt và tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã biểu dương những kết quả, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, Nghệ An đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển để đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đã đặt ra. Trong quá trình đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh. “Đối với một quốc gia, hay với một địa phương, muốn phát triển thì phải có doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển, địa phương phát triển” – ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp và doanh nhân phát huy truyền thống xứ Nghệ, đó là phát huy ân tình xứ Nghệ, tình sâu nghĩa nặng, xây dựng khối doanh nghiệp đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau; đồng hành cùng nhau, hỗ trợ nhau, thực hiện cạnh tranh bình đẳng. Các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân cần thích ứng, có nhiều giải pháp linh hoạt để vượt qua khó khăn hiện nay, biến thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là việc nghiên cứu để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho các dự án FDI trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với đặc điểm, tình hình của doanh nghiệp và điều kiện thực tiễn phát sinh. Mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư sản xuất kinh doanh với cơ cấu ngành, nghề hợp lý, mở rộng kinh doanh các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Đức Trung đề nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Tăng cường liên kết, hợp tác, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; phấn đấu phát triển quy mô, năng lực để thực hiện các dự án lớn. Tập trung sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong nước và quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác, đối thoại và làm việc với các cấp chính quyền để tạo cơ chế thông tin liên lạc thường xuyên, hiệu quả, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước thân thiện và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy truyền thống xứ Nghệ hiếu học, không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kiến thức quản trị doanh nghiệp, đề cao xây dựng đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, tạo dựng và giữ gìn chữ tín của doanh nghiệp. Luôn đoàn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển…
Về phía địa phương, người đứng đầu tỉnh Nghệ An cam kết chính quyền sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp; coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh với tính thần “chính quyền phục vụ, chính quyền kiến tạo”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Gắn trách nhiệm người đứng đầu của từng cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính đặc biệt là rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đầu tư trong lĩnh vực đầu tư…
Dịp này, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024), nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 30 doanh nghiệp và 10 doanh nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp vào an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An năm 2024; tặng Bằng khen cho 10 tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn