Mỗi năm TP.HCM giải quyết hơn 7 triệu hồ sơ sao y nhưng kết quả này không được tái sử dụng nên địa phương đề xuất không số hóa để đỡ mất sức đội ngũ công chức.
Vấn đề số hóa kết quả sao y được nhiều sở ngành đặt ra bởi trung bình mỗi năm, TP.HCM sao y hàng triệu hồ sơ và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hồ sơ hành chính. Cụ thể, năm 2021 gần 6 triệu hồ sơ, năm 2022 gần 7,8 triệu hồ sơ, năm 2023 hơn 7,6 triệu hồ sơ còn 6 tháng đầu năm 2024 hơn 3,1 triệu hồ sơ.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM dẫn chứng có phường giải quyết 160 hồ sơ sao y nhưng chỉ số hóa 20 hồ sơ rồi cập nhật lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM. Lý do, nếu số hóa toàn bộ kết quả sao y thì mất rất nhiều thời gian, có khi phải 21 giờ mới xong trong khi dữ liệu này không được tái sử dụng.
Trong khi đó, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã gửi văn bản hỏi Bộ Tư pháp về việc này thì Bộ Tư pháp trả lời Nghị định 23/2015 quy định kết quả sao y không có giá trị tái sử dụng nên không cần lưu trữ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng hướng dẫn hỏi thêm Văn phòng Chính phủ về việc có cần số hóa kết quả sao y hay không.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu kết quả sao y không có giá trị tái sử dụng thì không nên số hóa vì mất nhiều thời gian, công sức của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhận định mục đích của số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính là để tái sử dụng, nếu không sử dụng thì không nên số hóa.
Do đó, ông Hoan đề nghị các đơn vị thống nhất phương án, tham mưu văn bản để UBND TP.HCM báo cáo, đề xuất Văn phòng Chính phủ cho phép địa phương không số hóa kết quả sao y.
Đa dạng phương thức thanh toán để người dân thuận lợi
Đối với thanh toán trực tuyến, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho biết theo bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính thì chỉ tính điểm nếu thanh toán lệ phí qua cổng thanh toán quốc gia.
Tuy nhiên, cổng thanh toán này thường gặp lỗi không nhận tin nhắn, lỗi cập nhật thanh toán, có tình trạng người dân đã thanh toán, tiền đã trừ trong tài khoản nhưng trạng thái trên hệ thống hiển thị là chưa thanh toán. Do đó, TP.HCM triển khai phương thức thanh toán qua mã QR động, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp nhưng lại không được tính điểm.
Trao đổi thêm, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đồng tình với phương án cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán dịch vụ công qua nhiều kênh, nhiều phương thức khác nhau, miễn sao là thanh toán trực tuyến thuận lợi nhất. Đây cũng là cách để khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Việc kiểm soát tỷ lệ thanh toán trực tuyến có thể thông qua tài khoản của từng cơ quan hành chính.
Đối với 1.000 thủ tục chưa đưa lên dịch vụ công trực tuyến, ông Hoan yêu cầu phải triển khai nhanh, Văn phòng UBND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT chọn 10 đơn vị còn nhiều thủ tục, đặt mục tiêu hoàn thành 500 thủ tục trong vòng 3 tháng, số còn lại chuyển qua năm 2025.
Phê bình 4 quận, huyện tiếp nhận hồ sơ bằng hệ thống khác
Báo cáo tại phiên họp, bà Ngô Thị Hoàng Các, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng UBND TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có 1.966 thủ tục hành chính, trong đó có 966 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian qua, địa phương tái cấu trúc 1.180 quy trình nội bộ, cắt giảm 1 – 2 bước trung gian, cắt giảm 3.512 giờ làm việc. Đến nay, tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả thủ tục hành chính đạt 78%, tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ 58%, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin số hóa chỉ 0,68%. Hiện tất cả UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã, thị trấn đã cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử.
Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM ghi nhận một số đơn vị chưa chấm dứt tình trạng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua hệ thống khác gồm UBND Q.7, Bình Thạnh, Nhà Bè, Hóc Môn.
Trước tình trạng trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phê bình 4 địa phương này bởi TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo tiếp nhận hồ sơ hành chính thống nhất qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Ông cũng yêu cầu Trung tâm Chuyển đổi số phối hợp, rà soát và cắt toàn bộ hệ thống tiếp nhận khác để đảm bảo tính thống nhất trên toàn thành phố.
Nguồn: thanhnien.vn