Bên cạnh các vấn đề nội khối, các điểm nóng xung đột, trong đó có Ukraine và Trung Đông dự kiến vẫn là nội dung thảo luận trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Bỉ trong 2 ngày 17-18/10. Hiện nay, cả hai điểm nóng này đều đang có những diễn biến nguy hiểm, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về hạ nhiệt căng thẳng.
Tính toán của Ukraine trước “Kế hoạch chiến thắng” của Ukraine
Trong Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, dự kiến Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky sẽ công bố “Kế hoạch chiến thắng” bao gồm 5 điểm chính và 3 phụ lục bí mật trước toàn thể lãnh đạo các nước khối 27.
Điều đáng chú ý trong “Kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky, đó là việc mượn lực lượng của EU để tạo sức ảnh hưởng tới NATO, với mong muốn sau cùng là tổ chức này mời Ukraine gia nhập. Đây có thể nói là một quyết định mang tính mấu chốt. Bởi khác với EU, một khi Ukraine có thể gia nhập NATO, thì tình hình cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ bước vào một tầng cao mới. Chắc chắn căng thẳng sẽ leo thang từ xung đột giữa các quốc gia sang xung đột khu vực và thậm chí là lục địa hoặc lớn hơn. Và các nước EU nhiều khả năng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến không hồi kết này.
Trước quyết định mang tính ảnh hưởng sâu rộng, các quốc gia EU sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có thể đưa ra câu trả lời dành cho Ukraine. Thậm chí, nhiều chuyên gia địa bàn nhận định phía các nước EU sẽ không có bất kỳ động thái nào cho đến khi cuộc bầu cử Mỹ có kết quả.
Ngoài ra, trong “Kế hoạch chiến thắng”, Tổng thống Zelensky cũng đề cập đến việc các nước phương Tây rỡ bỏ các hạn chế và cho phép Ukraine tấn công vào những mục tiêu quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đây là một vấn đề mà các quan chức EU cũng như phía đồng minh Mỹ cân nhắc trong thời gian gần đây bởi các máy bay quân sự của phía Nga vẫn đang gây nhiều thiệt hại lớn cho phía Ukraine trong thời gian qua. Và các máy bay này được cất cánh tại các doanh trại chiến lược nằm sau trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, nếu các nước phương Tây bật đèn xanh cho phía Ukraine mở rộng công kích, điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả sẽ phải đối mặt với việc leo thang xung đột. Đồng thời, quyết định này cũng sẽ ép phía Nga phải sử dụng những phương pháp cực đoan hơn để giải quyết tình thế. Chắc chắn các nước EU sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi đồng thuận ý tưởng có phần rủi ro này bởi như vậy, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài không hồi kết và những cảnh báo từ phía Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân cũng không phải là vô căn cứ.
Cuối cùng, khả năng về việc triển khai “một hệ thống răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn cầu” tại Ukraine là điều tương đối khả thi. Có thể nói đây vừa là dịp để EU gia tăng khả năng phòng thủ của khối đối với các uy hiếp đến từ phía Đông, vừa là cơ hội để các nước phương Tây gửi tối hậu thư đến phía Nga, đặt ra lằn ranh đỏ. Dù vậy, phương án này vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy tờ trong thời gian tới vì một hệ thống mang tính toàn cầu như vậy sẽ cần rất nhiều đầu tư, cả về kinh tế lẫn thời gian. Thế nên việc hoàn thiện hệ thống tiên tiến trong nhất thời là điều không khả thi, nhất là trong bối cảnh các nguồn lực ủng hộ Ukraine đang dần cạn kiệt và bị giới hạn.
Kế hoạch hỗ trợ Ukraine của EU
Về vấn đề năng lượng, hiện Ukraine đang phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt nhất trong vòng 2 năm qua. Tình hình khó khăn của Ukraine đến từ 2 vấn đề chính, đầu tiên đó là việc nước này dừng gia hạn hợp đồng vận hành các đường ống chuyển khí đốt của Nga sang EU. Các đường ống sẽ chính thức bị khóa lại bắt đầu từ ngày 31/12/2024. Có thể nói trong quá khứ, việc cho phép các đường ống vận hành giúp Ukraine có một khoản thu nhập không nhỏ cùng nhiều ưu đãi về việc mua sắm khí đốt từ các nước châu Âu láng giềng.
Với quyết định này, Ukraine sẽ vừa mất khoản thu nhập vừa khó có khả năng nhận hỗ trợ từ các nước vẫn còn mua khí đốt của Nga bởi các quốc gia này cũng rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu khí đốt và năng lượng. Và trong tình hình eo hẹp tài chính liên quan đến cuộc xung đột, Ukraine lại càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một khoản ngân sách để phân bổ cho năng lượng và khí đốt.
Vấn đề thứ 2 mà Ukraine đang phải đối mặt, đó là việc sản lượng điện và mạng lưới điện của quốc gia đã bị giảm đến 2/3 công xuất so với thời kỳ trước khi xảy ra cuộc xung đột. Nguyên nhân chính đến từ việc các cuộc giao tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà máy sản xuất điện cũng như các cơ sở hạ tầng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ước tính Ukraine cần khoảng 30 tỷ USD để tiến hành sửa chữa và nâng cấp mạng lưới điện nước nhà. Đồng thời, IEA cũng thông báo Ukraine sẽ cần tối thiểu thêm 6 gigawatt (GW) điện để có thể vượt qua mùa đông sắp tới.
Trước tình hình đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, người sẽ đến Kiev vào thứ 6 tuần này (18/10), cho biết phía EU sẽ cung cấp thêm 160 triệu euro (tương đương 173 triệu USD) cho Ukraine để viện trợ nhân đạo và làm mới các cơ sở hạ tầng năng lượng, bao gồm việc mua sắm những tấm pin mặt trời, tua bin gió… Đồng thời, các cơ quan năng lượng châu Âu cũng tuyên bố đang làm việc với phía Ukraine để tìm ra ít nhất 10 giải pháp cấp bách để sửa chữa những nhà máy điện cũng như mạng lưới điện bị hư hỏng.
Tuy nhiên, việc sửa chữa sẽ mất khá nhiều thời gian và nhiều khả năng sẽ kéo dài qua mùa đông. IEA đã kêu gọi Khối 27 đẩy nhanh cung cấp thiết bị và phụ tùng thay thế để sửa chữa các nhà máy điện cũng như tăng khả năng nhập khẩu điện và khí đốt từ Liên minh châu Âu. Dù vậy, các chuyên gia nhận định đây vẫn sẽ là một mùa đông thử thách lớn nhất đối với Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Nga, bởi khoản năng lượng lên đến 6 GW sẽ không thể nào bù đắp nổi bởi vài tấm pin năng lượng hay một chút khí đốt hỗ trợ đến từ các đồng minh, những quốc gia cũng đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự.
Với 27 nước thành viên, việc tìm kiếm đồng thuận trong phản ứng với các điểm nóng xung đột là điều không dễ dàng đối với EU, nhất là với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Câu chuyện EU sẽ thống nhất như thế nào trong việc đáp ứng yêu cầu trợ giúp của Ukraine trong “Kế hoạch chiến thắng” của quốc gia này, tính toán như thế nào khi Nhà Trắng sẽ có chủ nhân mới sau cuộc bầu cử đầu tháng 11 tới đều đang được dư luận chờ đợi.
Hạ nhiệt căng thẳng Trung Đông
Hiện nay, vấn đề Trung Đông hiện cũng đang là một trong những mối quan tâm chính của EU. Các xung đột khu vực nhiều khả năng sẽ khiến giá năng lượng khí đốt lại một lần nữa nâng cao và kéo theo châu Âu vào cuộc khủng hoảng mới, dự kiến sẽ còn kinh khủng hơn trước kia bởi giờ đây, các giải pháp thay thế dành cho Khối 27 là khá eo hẹp và đắt đỏ.
Trước tình hình đó, EU đã tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh với các nước vùng vịnh vào ngày hôm qua, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh chính thức với mong muốn tìm ra giải pháp cho các vấn đề Trung Đông. Mục tiêu của lần họp mặt này là tìm kiếm sự hợp tác lâu dài và ổn định về mặt năng lượng. Châu Âu mong muốn tiến gần hơn nữa với sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), qua đó cùng nhau hỗ trợ bình ổn giá khí đốt, đồng thời tìm kiếm đột phá trong hợp tác đa phương. Một trong những vấn đề nhức nhối của EU và GCC là từ khi đặt vấn đề về tư do thương mại vào những năm 1990 của thế kỷ trước đến nay, cả hai bên vẫn chưa có được những tiến triển nào đáng kể và hiệp định vẫn luôn bị bỏ ngỏ.
Ngoài ra, việc leo thang căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza, lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng là trọng tâm của hội nghị lần này. Các bên đạt đến nhất trí và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và Lebanon. Trong ngắn hạn, EU sẽ tập trung vào các biện pháp ngoại giao để tiến hành đàm phán và tìm ra giải pháp lâu dài cho các xung đột tại Trung Đông.
Về trung và dài hạn, EU cùng với các quốc gia vùng vịnh, mong muốn tiến hành giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine, qua đó thúc đẩy chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza. Đây cũng là một trong những giải pháp khả thi nhất mà EU cùng nhiều quốc gia khác đồng thuận nhằm tìm lối thoát cho vòng xoáy bạo lực chưa có hồi kết giữa Palestine và Israel. Trước đó hồi giữa tháng 9 vừa qua, các lãnh đạo EU cùng với nhiều nguyên thủ quốc gia thành viên cũng đã tham dự một hội nghị tương tự tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha nhằm tìm giải pháp cho vấn đề xung đột Trung Đông. Tại đây, giải pháp hai nhà nước vẫn là lựa chọn tối ưu nhất của tất cả các bên tham dự.
Nguồn: vov.vn