VTV.vn – Ngày 18/10, Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học Thường niên lần thứ IV, với chủ đề “Biến chứng tim mạch trong lọc máu: Thách thức trong chẩn đoán và điều trị”.
Tại Việt Nam hiện có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Cả nước hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 33.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu.
Do bệnh thận diễn tiến âm thầm, không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt, vì vậy khi người bệnh có triệu chứng lâm sàng, đến khám thường ở giai đoạn muộn. Đối với bệnh thận, nếu bệnh nhân hiểu rõ về bệnh, được tư vấn tốt các phương pháp điều trị thì bệnh sẽ ít biến chứng hơn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ được nâng cao.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Hội lọc máu Việt Nam được thành lập từ năm 2020, hằng năm đều tổ chức các hội nghị khoa học thường niên trên tinh thần hợp tác hữu nghị và là nơi chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức và bài học quý báu trong chuyên ngành lọc máu.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về lọc máu ở Việt Nam và quốc tế
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị Khoa học Thường niên lần thứ IV này có sự tham dự của gần 1.000 đại biểu, chuyên gia đầu ngành về lọc máu ở Việt Nam và quốc tế. Các phiên thảo luận sẽ tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm, các nghiên cứu mới về liệu pháp lọc máu, các phương pháp tiếp cận điều trị cải tiến, cũng như những xu hướng trong nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng, từ đó mở ra hướng đi mới trong việc chăm sóc giảm thiểu các biến chứng tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!