VTV.vn – Theo số liệu từ Sách Trắng của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong số hơn 523.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang hoạt động, hiện có khoảng 20% do phụ nữ làm chủ.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng cũng có những gói vay riêng biệt được thiết kế riêng dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành. Theo số liệu từ Sách Trắng của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong số hơn 523.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang hoạt động, hiện có khoảng 20% do phụ nữ làm chủ. Các gói ưu đãi này được kỳ vọng sẽ “tiếp sức” cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển mạnh mẽ hơn.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nếu không thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để có tiền nhập nguyên liệu đầu vào, có lẽ giấc mơ đem món “thạch đen Cao Bằng” đến tay người tiêu dùng đối với chị Vượng vẫn còn rất xa.
Bà Trần Thị Vượng – Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Thạch An cho biết: “Cuối năm là thời điểm thu mua cây thạch đen mà chúng tôi thiếu vốn vô cùng. Bao nhiêu vốn liếng tôi đầu tư hết vào xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị. Nguyên vật liệu bao bì không được nợ, có thể cần đến chục tỷ hoặc hơn chục tỷ để thu gom mua cây nguyên liệu”.
Bên cạnh nguồn vốn với mức lãi suất thấp, các nữ doanh nhân cũng mong muốn được kết nối tới cộng đồng để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng nhau phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp do nữ điều hành vốn chỉ chiếm ¼ lượng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ: “Các cơ quan, hiệp hội, các trung tâm có thể tổ chức thêm nhiều toạ đàm, hội thảo để cho nữ doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Thành lập hội nhóm tạo thành cộng đồng cộng hưởng, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phát triển”.
Để đồng hành với các doanh nghiệp do nữ làm chủ, một số ngân hàng đã thiết kế gói vay riêng biệt cùng hình thức vay vốn đa dạng. Cụ thể, đối với khoản vay không tài sản đảm bảo, ngân hàng tăng hạn mức cho vay 20% so với quy định, còn với khoản vay có tài sản đảm bảo sẽ được tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo lên 5% so với quy định. Đồng thời, có những dịch vụ được “may đo” riêng cho tệp khách hàng này.
Theo thông tin của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), khoảng trống tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ điều hành tại Việt Nam đang ở mức khoảng 6,2 tỷ USD. Vì vậy, các tổ chức tài chính cần tiếp tục theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính để xây dựng chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ để hỗ trợ kịp thời, khuyến khích các doanh nghiệp nữ làm chủ phát triển mạnh mẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!