Monday, October 21, 2024

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các giáo viên đã có sự so sánh và chỉ ra những thay đổi của đề thi theo chương trình mới để giáo viên và học sinh cùng lưu ý cho việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng trong thời gian tới.

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Học sinh và giáo viên lớp 12 bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

ẢNH: BẢO CHÂU

Đề thi tốt nghiệp THPT môn toán khác trước ra sao?

Nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM) Trần Văn Toàn cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT trước đây chủ yếu tập trung vào việc đánh giá kiến thức lý thuyết và kỹ năng tính toán cơ bản. Sự phân hóa thí sinh không rõ ràng do phần lớn các câu hỏi chỉ xoay quanh các khái niệm quen thuộc và ít đòi hỏi tư duy logic sâu sắc, nhưng lại có nhiều dạng toán hàn lâm và đôi khi phải sử dụng những thủ thuật trong giải toán.

Còn cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 bám sát Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa. Đề tham khảo được cho với nhiều dạng thức câu hỏi khác nhau giúp phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh: nhóm có kỹ năng cơ bản, nhóm có khả năng phân tích và nhóm có kỹ năng ứng dụng thực tiễn. Phần 2 (Trắc nghiệm đúng sai) và phần 3 (Trắc nghiệm trả lời ngắn) đóng vai trò then chốt trong việc phân loại thí sinh có khả năng tư duy logic và vận dụng kiến thức vào thực tế, là thước đo khả năng hiểu sâu kiến thức và khả năng phân tích chi tiết của thí sinh, tránh được tình trạng đoán mò như phần trắc nghiệm truyền thống. Những thay đổi này giúp đề thi năm nay trở nên toàn diện hơn và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Từ đó, theo thầy Toàn, đề thi này đòi hỏi học sinh phải chuyển từ phương pháp học thuộc lòng sang phương pháp hiểu rõ bản chất của từng khái niệm và áp dụng chúng trong các tình huống thực tế. Theo đó, học sinh cần rèn luyện kỹ năng phản biện, tư duy logic, giải thích và trình bày bài toán rõ ràng. Hơn thế nữa, cần vận dụng linh hoạt kiến thức liên môn vì đề tham khảo yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức liên quan đến nhiều môn học khác nhau như toán học, vật lý, địa lý hay kinh tế vào tìm đáp án. Thầy Toàn cho rằng học sinh cần học hiểu sâu và nắm vững bản chất kiến thức thay vì chỉ học thuộc lòng.

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Đề tham khảo môn toán thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Bộ GD-ĐT công bố cuối tuần qua

ẢNH: NGUỒN BỘ GD-ĐT

Đề môn ngữ văn thay đổi yêu cầu phần viết văn

Giáo viên Ngô Văn Đát, Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM), nhận xét đề tham khảo môn ngữ văn nhẹ nhàng, phù hợp, đúng với định hướng kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018.

Cấu trúc có 2 phần gồm: Đọc hiểu và viết. Tuy nhiên, đề có sự thay đổi về yêu cầu trong phần viết. So với những năm trước đây, học sinh sẽ thực hiện viết đoạn nghị luận xã hội và viết bài nghị luận văn học, đề năm nay thì yêu cầu học sinh viết đoạn nghị luận văn học và viết bài nghị luận xã hội. Đây là những thay đổi phù hợp đã được định hướng trong việc đánh giá, kiểm tra của chương trình mới.

Về kiến thức, đề tham khảo đáp ứng nội dung kiến thức phù hợp với chương trình mới. Trong phần đọc hiểu gồm 5 câu hỏi theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng; các câu hỏi bám sát vào đặc trưng thể loại thơ, hệ thống các câu hỏi đọc hiểu đã tạo được độ phân hóa học sinh. Trong phần viết đoạn nghị luận, yêu cầu của đề rất rõ, gắn với ngữ liệu trong phần đọc hiểu, phù hợp với kiến thức học sinh đã được học trong hệ thống các bài học theo đặc trưng thể loại có tính liên kết giữa các lớp 10, 11, 12 và cả những kiến thức đã học từ cấp THCS.

Cũng từ đề tham khảo môn ngữ văn, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), chia sẻ: “Các thầy cô cần trang bị sâu kỹ về kiến thức thể loại và kỹ năng làm bài cho học sinh. Học sinh cần nắm vững tri thức đặc trưng thể loại, rèn luyện kỹ năng viết đoạn và viết bài (bao gồm cả nghị luận văn học, nghị luận xã hội); phải chăm chỉ luyện đề ngoài sách giáo khoa và luyện viết mới có thể đạt được điểm cao”.

Môn tiếng Anh cần biết áp dụng kỹ năng trong thực tế

Giáo viên Trần Thị Hồng Nhung, Trường quốc tế Á Châu (TP.HCM), cho rằng cấu trúc mới của đề thi tham khảo môn tiếng Anh có sự cấp tiến và cải thiện rõ rệt, tập trung chủ yếu vào kỹ năng đọc hiểu, kiểm tra từ vựng và các kỹ năng ngôn ngữ thực dụng hơn lối mòn ngữ âm, ngữ pháp nhiều năm qua, giúp đánh giá chính xác năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học. Qua đó khuyến khích người học phải thật sự hiểu và biết cách áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã tích lũy, không chỉ trong bài thi mà còn trong thực tế.

Theo cô Nhung, số lượng câu hỏi dạng sắp xếp tăng từ 2 lên 5 câu so với đề tham khảo năm trước, với các mức độ từ dễ đến khó, từ ngắn đến dài và có sự xuất hiện của các đoạn đối thoại. Điều này đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tư duy logic để sắp xếp các câu sao cho hợp lý, phải nắm được cấu trúc của các loại văn bản ví dụ như thư từ, email, hay cấu trúc của đoạn văn và việc sử dụng các liên từ để liên kết các câu.

Giáo viên nêu kỹ năng học sinh cần có để làm đề thi tốt nghiệp THPT 2025

Với chương trình mới, học sinh cần tích lũy kiến thức thực tế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

ẢNH: BẢO CHÂU

Bên cạnh đó, việc tăng số câu hỏi trong 2 bài đọc hiểu (reading comprehension) từ 12 câu lên 18 câu, chiếm gần 50% số câu hỏi của đề cũng là một điểm mới đáng chú ý. Đề thi bao gồm một bài đọc 8 câu và bài đọc còn lại gồm 10 câu sẽ tăng thêm thử thách cho các thí sinh vì đây luôn được đánh giá là dạng bài khó, đòi hỏi học thí sinh cần có vốn từ rộng và thành thạo các kỹ năng đọc hiểu.

Cấu trúc đề mới đặt trọng tâm vào năng lực đọc hiểu, đồng thời yêu cầu ở học sinh một vốn từ rộng hơn. Các em thường gặp khó khăn với các bài đọc hiểu vì không đủ vốn từ, do đó, giáo viên cần lồng ghép và mở rộng từ vựng bên ngoài sách giáo khoa, cung cấp hoặc gợi ý các bài đọc thêm và giao nhiệm vụ qua đó giúp các em làm quen với các dạng văn bản, thoải mái và tự tin với các bài đọc dài, khuyến khích các em trau dồi vốn từ ở đa dạng lĩnh vực để có thể hoàn thành tốt bài thi.

Dạng bài sắp xếp thoạt nhìn có vẻ dài nhưng lại dễ lấy điểm nếu các em có vốn liên từ cơ bản, nắm được cấu trúc của một số văn bản thường gặp và vận dụng tính logic trong việc liên kết các ý. Vì vậy giáo viên cần cung cấp cho học sinh kiến thức về các liên từ, cấu trúc của văn bản và hướng dẫn các em trong những bài đầu tiên để các em làm quen và có thể tự suy luận độc lập sau đó.

Đề thi tham khảo môn lịch sử: Khó có điểm 10

Đề thi tham khảo môn lịch sử năm 2025 gồm có hai phần. Phần I: Trắc nghiệm chọn đáp án đúng có 24 câu; Phần II: Trắc nghiệm đúng sai có 4 câu, mỗi câu có 4 ý. Trong đó phần II sẽ là phần khó cho thí sinh. Ở phần này, thí sinh chỉ cần làm sai một ý trong một câu a), b), c), d) thì mất đi số điểm theo quy định của đáp án thay vì sai một câu sẽ mất 0,25 điểm như ở phần I. Do đó thí sinh rất khó đạt điểm 10.

Nội dung các câu hỏi xuyên suốt trong chương trình lịch sử của lớp 12, chiếm tỷ lệ 90%, còn 10% (4 câu/24 câu +16 ý) nội dung kiến thức của chương trình lịch sử lớp 11. Cấu trúc đề thi tham khảo môn lịch sử 2025 có điểm mới về dạng câu hỏi so với những đề thi trước đây. Phần II có dạng câu hỏi chọn đúng sai từ những bảng niên biểu thông tin (thời gian – nội dung) đoạn tư liệu lịch sử. Nội dung này được trích dẫn từ những nguồn tư liệu lịch sử ngoài sách giáo khoa do đó yêu cầu học sinh phải nắm vững các kiến thức cơ bản, trọng tâm trong quá trình học tập và vận dụng tư duy để giải các câu hỏi dạng đúng sai. 4 câu hỏi trong phần II nhằm mục đích phân loại để tuyển sinh đại học.

Nguyễn Văn Lực

(Giáo viên lịch sử trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Môn thi mới yêu cầu thí sinh có kiến thức thực tế

Với đề tham khảo môn giáo dục kinh tế và pháp luật, thầy Nguyễn Tiến Dũng, giáo viên Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), nhận định cấu trúc theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đề có 28 câu hỏi với 40 lệnh hỏi, trong đó 24 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; 4 câu trắc nghiệm đúng sai, thời gian làm bài 50 phút.

Kiến thức câu hỏi trong đề thi bao gồm chương trình lớp 10, 11, 12, khác với trước đây trọng tâm là chương trình lớp 12 và chỉ có một số rất ít câu hỏi ở chương trình 11. Do đó, giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học phải hết sức chú ý về khối lượng kiến thức cần ôn tập và thời gian ôn tập sao cho đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm về kinh tế và pháp luật trong 3 chương trình môn học lớp 10, 11,12.

Đề thi có 28 câu, tuy giảm nhiều số lượng câu hỏi so với trước đây nhưng độ khó cao, ngoài kiến thức cơ bản, học sinh cần có kiến thức thực tế và khả năng tư duy, phân tích, xử lý thông tin, tình huống.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img