Sau phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT đã rút đề xuất phải bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10 nhưng lại yêu cầu môn này phải thay đổi hằng năm và chỉ công bố trước ngày 31.3.
Ngày 19.10, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Trong đó, thông tin đáng chú ý nhất là không còn quy định các sở GD-ĐT phải tổ chức bốc thăm để chọn ngẫu nhiên môn thi thứ 3 vào lớp 10 như đề xuất của Bộ trước đó.
Dù vậy, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm toán, ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31.3 hằng năm. Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Một hiệu trưởng trường THCS tại Hà Nội chia sẻ, đọc dự thảo không còn cụm từ “bốc thăm môn thứ 3” nữa nhưng Bộ lại bắt môn thi thứ 3 phải thay đổi hằng năm thì các sở GD-ĐT khó có cách nào khác ngoài bốc thăm để chọn môn thi thứ 3. Nếu chọn theo chủ quan của lãnh đạo sở thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như: thông tin “lộ lọt”, học sinh (HS) và phụ huynh có thể đoán bằng phương pháp loại trừ (môn này năm trước thi rồi năm sau không thi nữa)…
Do vậy, theo vị này, tốt nhất là Bộ GD-ĐT chỉ quy định cứng việc thi 3 môn; còn việc chọn môn thi thứ 3 ra sao sẽ giao cho địa phương toàn quyền quyết định, tốt nhất là thi 3 môn cố định (toán, văn, ngoại ngữ). “Dù thế nào cũng không nên bốc thăm, dù là môn thi thứ 3. Giáo dục cần phải rõ ràng và ổn định. Không phải vì “bất lực” trong việc quản lý dạy và học ở cấp THCS mà phải đặt giáo viên, HS và phụ huynh trong tình huống may nhờ, rủi chịu”, vị hiệu trưởng này nói.
Góp ý xây dựng dự thảo, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ đề xuất việc lựa chọn môn thứ 3 nên giao cho UBND các tỉnh, TP tùy tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này nhằm bảo đảm tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về GD-ĐT. Tuy nhiên, nếu theo cách bốc thăm môn thứ 3 thì chỉ nên thực hiện một trong số các môn: tiếng Anh; khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân. Không nên thực hiện với môn tin học và công nghệ vì môn tin học nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính còn thiếu và khó khăn; điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy còn thiếu; môn công nghệ có nhiều mô-đun gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi.
Sở này cũng đề xuất nếu phải bốc thăm thì nên thực hiện trước 31.12 hằng năm, giúp đảm bảo thời gian để ôn tập củng cố kiến thức; giúp các sở GD-ĐT có quỹ thời gian tham mưu cho UBND tỉnh sớm phê duyệt ban hành kế hoạch tuyển sinh, phương án tuyển sinh theo quy định.
NÊN ĐỂ HỌC SINH CHỌN MÔN THỨ 3
Lý giải về việc đưa ra quy định về môn thứ 3 không được cố định mà phải thay đổi từng năm, Bộ GD-ĐT cho rằng việc tuyển sinh THPT phải thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, để HS có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ điều kiện để tiếp tục học lên THPT; hoặc nếu chuyển đổi phân luồng, học nghề cũng có được nền tảng về phẩm chất, năng lực để học, thực hành nghề nghiệp ngay.
Một chuyên gia khảo thí có nhiều năm công tác trong ngành cho hay: “Cần căn cứ vào mục đích của kỳ thi để xây dựng các môn thi cho đúng mục tiêu đề ra. Ở đây là tuyển sinh vào lớp 10 nên số môn thi sẽ dựa vào cần đánh giá các năng lực gì để có thể học tập thành công ở bậc THPT và có thể phân loại được thí sinh để đảm bảo cho công tác xét tuyển, nên có sự khác biệt với mục đích thi tốt nghiệp THCS là cần thi nhiều môn và theo hướng “học thế nào thi thế đó” nhằm hạn chế tối đa việc học tủ, học lệch”.
Hơn nữa, theo chuyên gia này, theo quy định của luật Giáo dục 2019, HS lớp 9 phải đảm bảo điều kiện đã tốt nghiệp THCS mới được dự thi vào lớp 10 nên việc thi nhiều môn hoặc lựa chọn một môn thi bất kỳ để tránh việc học tủ, học lệch là chưa đúng với mục đích của kỳ thi tuyển sinh. Có thể cho phép HS học thêm môn thi thứ 3 để tạo nền tảng năng lực đặc thù cho HS lên học ở cấp THPT một cách thuận lợi (ở bậc ĐH việc tuyển sinh bằng 3 môn thi vào các ngành học cũng dựa trên nguyên lý này).
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông VN, cũng cho rằng nên để HS chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10. Như vậy các em sẽ có định hướng nghề nghiệp, phân luồng sớm hơn chứ không chỉ có 3 năm THPT. Nếu phải bốc thăm để chọn môn thi là cách đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ quản lý giáo dục.
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Nguồn: thanhnien.vn