Sunday, November 24, 2024

Vì sao thẩm phán ‘ngại’ cho bị cáo được hưởng án treo?

Các đoàn kiểm tra phần lớn tập trung vào việc bị cáo được hưởng án treo. Vì ngại phải giải trình nên nhiều thẩm phán chọn phương án an toàn là tuyên án phạt tù có thời hạn.

Thẩm phán bị nghi ngờ khi cho bị cáo hưởng án treo

Tại hội thảo khoa học “Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự: lý luận và thực tiễn”, do Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hôm qua 19.10, các chuyên gia thảo luận tập trung chủ yếu vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng án giam ngày càng nhiều, trong khi tỷ lệ án treo và cải tạo không giam giữ lại giảm.

PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng hiện nay có tình trạng khi áp dụng pháp luật các cơ quan hay nghi ngờ nhau. Nếu cơ quan cấp trên đi kiểm tra, tòa cấp dưới cho hưởng án treo là kèm theo phải giải trình cho thấy rằng mình không tiêu cực trong trường hợp này. Cho nên, nhiều trường hợp thẩm phán đành phải phạt án tù giam để yên tâm, việc này dẫn đến tỷ lệ án tù tăng.

Vì sao thẩm phán ‘ngại’ cho bị cáo được hưởng án treo?

PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao

ẢNH: NGÂN NGA

Cũng theo PGS-TS Độ: “Lúc trước có khoảng 28% bị cáo được cho hưởng án treo nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 15 – 16%, về hình phạt cải tạo không giam giữ lại càng ít. Chúng ta cứ nghi ngờ nhau, viện kiểm sát nghi ngờ tòa, tòa nghi ngờ kiểm sát, lãnh đạo không tin tưởng thẩm phán. Đây là lý do vì sao Việt Nam có tỷ lệ án phạt tù cao”.

TS Lê Nguyên Thanh, Trường đại học Luật TP.HCM, chia sẻ thêm, hiện nay đối với hội đồng xét xử phúc thẩm khi sửa án theo hướng có lợi cho bị cáo lại đang bị ràng buộc rất chặt chẽ. Ví dụ khi áp dụng điều 54 bộ luật Hình sự, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 điều 51 của bộ luật này.

Ngoài tình tiết người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải, để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, tòa phải xem bị cáo có bao nhiêu tình tiết giảm nhẹ.

“Cho nên có tình trạng xét xử theo tính nhân đạo thì trong người cảm thấy thoải mái, nhưng theo đúng luật thì thấy trăn trở. Tại tòa, nhiều luật sư rút ruột gan để bào chữa cho thân chủ được giảm hình phạt, nhưng tòa lại không dám, ngay cả áp dụng hình phạt khoan hồng cũng khó. Nếu thẩm phán không cẩn thận thì rất dễ bị hủy án”, TS Thanh nói.

Vì sao thẩm phán ‘ngại’ cho bị cáo được hưởng án treo?

Thẩm phán Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM

ẢNH: NGÂN NGA

Thẩm phán Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM, cũng nhìn nhận hầu như các lần kiểm tra của các đoàn là về án treo và án dưới khung hình phạt.

“Nếu luật quy định không cho bị cáo hưởng án treo mà chúng tôi áp dụng thì mới sai. Còn luật quy định đủ tình tiết cho bị cáo được hưởng án treo, nhưng cũng có trường hợp thẩm phán không dám áp dụng. Theo tôi, cách đánh giá tù giam hay cho hưởng án treo là tùy quan điểm của hội đồng xét xử. Phải như vậy thẩm phán mới mạnh dạn tuyên bản án phù hợp”, thẩm phán Hải phân tích.

Hình phạt cộng đồng có ý nghĩa gì?

Theo TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng bộ môn luật Hình sự, Trường đại học Luật TP.HCM, “hình phạt cộng đồng” là một thuật ngữ đề cập đến tính chất hình sự của một loạt các hình phạt được thực hiện trong cộng đồng có điểm chung là hạn chế quyền tự do của người phạm tội thông qua việc áp đặt các điều kiện, nghĩa vụ.

Đây là các hình phạt đặt trọng tâm của việc giáo dục, cải tạo người phạm tội dựa trên sự hỗ trợ từ cộng đồng nhằm giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người phạm tội và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng.

Vì sao thẩm phán ‘ngại’ cho bị cáo được hưởng án treo?

TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng bộ môn luật Hình sự, Trường đại học Luật TP.HCM

ẢNH: NGÂN NGA

Hình phạt cộng đồng đang được áp dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả ở châu Âu, được xem như một giải pháp hữu hiệu để thay thế cho hình phạt tù. Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người phạm tội bị giam giữ rất cao nhưng cũng đã có sự thay đổi khi hình phạt cộng đồng ngày càng được áp dụng phổ biến hơn.

Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, cải tạo không giam giữ được xem là hình phạt cộng đồng. “Bộ luật Hình sự đã có những thay đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng và gia tăng quy định hình phạt cải tạo không giam giữ trong các khung hình phạt, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Thực tiễn áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay chưa phát huy hiệu quả của hình phạt này”, TS Ánh Hồng chia sẻ.

Các nước quy định sao về hình phạt tù?

Đối với hình phạt tù chung thân là hình phạt rất nghiêm khắc, hạn chế nghiêm ngặt tự do của người bị kết án đến hết cuộc đời, hoặc cho đến khi họ được ân giảm và tha trước hạn. PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng khoa luật Hình sự, Trường đại học Luật TPHCM, cho rằng luật hình sự của Trung Quốc và bang New South Wales (Úc) quy định về hình phạt tù chung thân không ân giảm và hình phạt tù chung thân có ân giảm.

Vì sao thẩm phán ‘ngại’ cho bị cáo được hưởng án treo?

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng khoa luật Hình sự, Trường đại học Luật TP.HCM

ẢNH: NGÂN NGA

Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình, hoặc hướng tới hạn chế tối đa hình phạt tử hình. Vì vậy trong một số rất ít các trường hợp, hình phạt tù chung thân không ân giảm được áp dụng nhằm thay thế cho hình phạt tử hình.

Đây cũng có thể coi là một phương án giúp làm giảm việc áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trong khi các quốc gia còn chưa bỏ hoàn toàn hình phạt này, hoặc các quốc gia đã xóa bỏ hình phạt này, nhưng vẫn lo ngại về tính răn đe của hình phạt tù chung thân được ân giảm. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phương Hoa cần đề cập rằng hình phạt tù chung thân không ân giảm được coi là thiếu tính nhân đạo và bị tòa án nhân quyền châu Âu xác định là vi phạm điều 3 của Công ước châu Âu về quyền con người.

Hình phạt tù chung thân có ân giảm, bộ luật Hình sự Trung Quốc và luật Hình sự bang New South Wales (Úc) khai thác rất mạnh mẽ biện pháp tha trước hạn kèm theo điều kiện. Đây là biện pháp phổ biến trong luật hình sự của 2 quốc gia này và không giới hạn ở người phạm tội lần đầu.

Việc giảm thời hạn chấp hành đối với các hình phạt tù đã tuyên kèm theo điều kiện giám sát được coi là một biện pháp hiệu quả hơn trong việc bảo đảm an toàn cho xã hội so với việc trả tự do cho người bị kết án sau khi kết thúc thời hạn chấp hành trong trại giam. Đây là thời kỳ trung gian giữa giai đoạn mà người phạm tội bị kiểm soát chặt chẽ với giai đoạn họ không còn bị kiểm soát. Xã hội sẽ an toàn hơn khi người bị kết án được giám sát một thời gian khi sống trong cộng đồng trước khi tin tưởng để được trao trả tự do hoàn toàn.

“Việc ân giảm đối với người bị kết án tù chung thân phải đảm bảo cân bằng giữa việc trả tự do cho người bị kết án với sự an toàn của cộng đồng. Để quyết định vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền cần đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của việc tha người phạm tội trước hạn đối với cộng đồng. Đây cũng là một yêu cầu bắt buộc trong luật hình sự của 2 quốc gia trên mà Việt Nam nên tham khảo”, PGS-TS Phương Hoa nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img