Tham gia dẫn chương trình Việt Nam nguồn cội (phát sóng trên VTV1), Mạnh Khang cảm thấy may mắn khi có cơ hội trải nghiệm văn hóa dân gian các vùng miền, nhất là việc khám phá nét đặc sắc của vải thổ cẩm.
Với Mạnh Khang, những tấm vải thổ cẩm không đơn thuần là một sản phẩm thủ công mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, một kho tàng văn hóa quý báu của người dân Tây nguyên. Trong đó, mỗi họa tiết đều mang một ý nghĩa riêng, gắn liền với cuộc sống, tín ngưỡng của người dân. “Việc duy trì và phát triển nghệ thuật dệt thổ cẩm giúp bảo tồn những giá trị văn hóa và bản sắc đặc trưng của các dân tộc”, anh chia sẻ.
Để tạo ra một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Từ việc chọn những sợi bông tự nhiên, nhuộm màu bằng các loại lá cây đến việc căng sợi lên khung cửi và khéo léo lùa từng sợi chỉ qua lại. Mỗi một đường kim mũi chỉ đều chứa đựng tâm huyết và tình yêu của người nghệ nhân dành cho nghề truyền thống.
“Ai đã từng một lần đặt chân đến Tây nguyên, chắc hẳn sẽ không thể nào quên được những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Mỗi họa tiết trên đó như một câu chuyện cổ tích kể về cuộc sống, về con người và về cả tâm hồn của vùng đất đỏ bazan này. Với tôi, mỗi chuyến đi đến Tây nguyên đều là một hành trình khám phá và chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật mà thiên nhiên và con người đã tạo nên”, anh bộc bạch.
Chia sẻ với Thanh Niên, nam MC nói đây là lần thứ 3 anh đến với Đắk Lắk. Anh không khỏi ấn tượng bởi cảnh quan hùng vĩ mà còn bị thu hút bởi câu chuyện từ những tấm vải thổ cẩm. “Một tấm thổ cẩm đẹp và tinh xảo được dệt thủ công thì phải mất 1 tháng mới dệt xong. Đối với tôi, việc gìn giữ, phát huy và trân trọng giá trị thổ cẩm không chỉ là bảo tồn một nghề thủ công mà còn là cách thể hiện tình yêu và sự tự hào về văn hóa dân tộc”, nam MC chia sẻ.
Trong hành trình trải nghiệm, Mạnh Khang ấn tượng với những nghi lễ cúng bến nước. Mỗi năm, vào mùa khô hoặc sau vụ thu hoạch, người dân thường tổ chức lễ cúng để tạ ơn thần linh đã ban cho nguồn nước dồi dào, trong lành… Anh chia sẻ: “Nghi lễ cúng bến nước có ý nghĩa nhắc nhở về việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Nước không chỉ là một phần không thể thiếu trong đời sống mà còn mang giá trị tinh thần và văn hóa sâu sắc, khuyến khích cộng đồng tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên”.
Nguồn: thanhnien.vn