Trước tình hình có thêm nhiều diễn biến tiêu cực, Trung Quốc đang phải tung ra gói hỗ trợ khủng để kích thích nền kinh tế.
Hàng loạt biện pháp mạnh
Đó là những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang rơi vào trì trệ.
Trước khi hạ lãi suất điều hành trung hạn và dài hạn, cuối tháng 9, Trung Quốc cũng đã cắt giảm lãi suất điều hành ngắn hạn. Cụ thể, ngày 23.9, PBOC giảm thêm 10 điểm cơ bản của lãi suất hợp đồng mua lại có thời hạn (repo) thời hạn 14 ngày, từ 1,95% xuống còn 1,85%. Repo là một hình thức giao dịch tài chính ngắn hạn (bên này sẽ thế chấp tài sản để vay bên kia trong ngắn hạn và thế chấp bằng tài sản thường là các sản phẩm tài chính). Kèm theo đó, PBOC còn thông qua công cụ này để bơm 74,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỉ USD) cho nền kinh tế.
Bên cạnh các biện pháp cắt giảm lãi suất điều hành, Trung Quốc còn tìm cách vực dậy thị trường bất động sản đang “bất động” – là nguyên nhân quan trọng làm trì trệ nền kinh tế nước này. Cũng vào cuối tháng 9, Trung Quốc cắt giảm 0,5 điểm phần trăm của lãi suất thế chấp cho nhà ở hiện tại và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo lãnh đạo ngành tài chính nước này, việc giảm lãi suất thế chấp hiện tại dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho 50 triệu hộ gia đình – tương đương 150 triệu người, giảm chi phí lãi vay hộ gia đình trung bình khoảng 150 tỉ nhân dân tệ mỗi năm để góp phần thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.
Không dừng lại ở đó, tuần qua, các nhà quản lý tài chính đã công bố vào cuối năm nay, sẽ tăng gấp đôi gói vay ưu đãi lên mức 4.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 560 tỉ USD) để tài trợ cho các dự án bất động sản “đủ chuẩn”. Ngoài ra, Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn Trung Quốc thông báo sắp tiến hành xây dựng lại 1 triệu căn hộ như một phần của nỗ lực cải tạo đô thị và nâng cao nhà ở cho người dân.
Khó khăn chồng chất
Trung Quốc đã bổ sung thêm chính sách kích thích nền kinh tế sau khi những dữ liệu mới nhất cho thấy tình trạng trì trệ ngày càng đáng lo hơn. Cũng trong tuần trước, số liệu cập nhật chính thức cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 4,6% trong quý 3/2024, thấp hơn mức tăng trưởng 4,7% của quý 2/2024. Nguyên nhân tiếp tục được cho là vì nhu cầu nội địa thấp, thị trường nhà ở vẫn gặp khó khăn và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại vì khó khăn chung của toàn cầu.
Theo đánh giá gửi đến Thanh Niên, Công ty phân tích Moody’s nhận định Trung Quốc đang gặp khó về xuất khẩu khi đối mặt với các rào cản từ Mỹ và châu Âu. Thế nhưng, nhu cầu nội địa lại không tăng trưởng để bù đắp, do tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc, tình hình thị trường bất động sản vẫn trì trệ.
Tương tự, Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) đầu tháng 10 đánh giá dù Trung Quốc có những biện pháp kích thích tiêu dùng và thị trường bất động sản, nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Theo đó, thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn còn tiếp tục trì trệ và có khả năng tiếp tục giảm đến năm 2025. Điều này siết chặt chuỗi cung ứng hạ nguồn, chẳng hạn như vật liệu xây dựng, hàng hóa, kim loại (đặc biệt là thép)… phục vụ trong xây dựng. Thị trường bất động sản trì trệ cùng với triển vọng ảm đạm về việc làm khiến tiêu dùng giảm sút.
Không những vậy, tình hình chiến sự Trung Đông đang nóng lên và có nhiều rủi ro bùng phát có thể dẫn đến việc hạn chế lượng dầu thô chuyển qua eo biển Hormuz làm giá dầu thế giới tăng cao. Đồng thời, đây là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho Trung Quốc. Những yếu tố này có thể khiến lạm phát tăng trở lại ở Trung Quốc. Rủi ro vừa nêu không chỉ khiến sức tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thêm trì trệ, mà còn dẫn đến nguy cơ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền.
Từ những thực trạng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, chính một số chuyên gia kinh tế nước này cho rằng có lẽ phải cần đến những gói kích giải pháp có giá trị lên đến 12.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.700 tỉ USD) thì mới đủ sức giải quyết khó khăn.
Hàng không quốc tế giảm chuyến bay đến Trung Quốc
Theo tờ South China Morning Post mới đây, các hãng hàng không quốc tế đang giảm bớt số chuyến bay đến Trung Quốc từ tháng 10. Một trong những nguyên nhân của động thái này là vì các hãng hàng không Trung Quốc đã đạt được lợi thế so với các đối thủ châu Âu bằng đường bay qua Nga để đến châu Âu. Một lý do quan trọng khác là lưu lượng di chuyển giữa Trung Quốc với các nước cũng suy giảm do kinh tế Trung Quốc trì trệ.
Dự kiến, từ ngày 26.10 tới đây, hãng hàng không Virgin Atlantic có trụ sở tại Anh ngưng tuyến London – Thượng Hải sau 25 năm hoạt động. Hay British Airways (Anh) cũng sắp tạm dừng các chuyến bay London – Bắc Kinh từ ngày 26.10. Và từ ngày 8.11, Scandinavian Airlines (Thụy Điển) sẽ dừng bay bay tuyến Copenhagen – Thượng Hải, Qantas Airways (Úc) đã bỏ tuyến Sydney – Thượng Hải. Hay hãng hàng không Đức Lufthansa đang xem xét ngừng tuyến Frankfurt – Bắc Kinh. Còn Delta Air Lines (Mỹ) thì hoãn kế hoạch nối lại các chuyến đi Thượng Hải – Los Angeles.
Nguồn: thanhnien.vn