Đó là kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Quảng Nam về các vấn đề đất đai, thủ tục hành chính, nhà ở công nhân, nguồn nhân lực,…
Ông Park Chan – Tổng Giám đốc Công ty Hyosung Quảng Nam cho hay, KCN Tam Thăng mở rộng, nơi được phát triển cho dự án của Hyosung, hiện vẫn chưa hoàn tất việc bồi thường đất đai. Phía doanh nghiệp đề nghị chính quyền giải quyết nhanh chóng vấn đề bồi thường đất đối với đất 5% và đất nông nghiệp, đồng thời hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan đến việc bàn giao đất.
“Giá thuê đất cần được xác định theo quy định, đồng thời phải đảm bảo các cam kết với nhà đầu tư, do đó mong quý cơ quan quyết định mức giá hợp lý trong phạm vi giá đã thỏa thuận trong MOU”, ông Park Chan kiến nghị.
Ngoài ra, vị này cũng nhắc đến việc để doanh nghiệp có thể đầu tư vào KCN Tam Thăng mở rộng thì đánh giá tác động môi trường của KCN đối với các ngành đầu tư bổ sung phải được Bộ TN&MT điều chỉnh và phê duyệt. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị Quảng Nam tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nhanh chóng tiến hành việc đánh giá tác động môi trường và làm việc, trao đổi với Bộ TN&MT để giải quyết kịp thời các vấn đề lên quan.
Một vấn đề ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, đại diện Công ty TNHH MTV Kärcher thông tin có nhà máy này nằm gần cảng biển Chu Lai nhưng rất khó để tận dụng lợi thế. Cụ thể, vị đại diện doanh nghiệp cho rằng mức phí vận chuyển hàng từ cảng Chu Lai hiện nay đi nước ngoài đang cao hơn so với cảng Đà Nẵng.
“Vì vậy, địa phương sớm đầu tư nâng cấp cảng để sử dụng hiệu quả hơn, chi phí hợp lý hơn so với hiện nay để doanh nghiệp tận dụng”, vị đại diện nói.
Ông Bàng Hạo Văn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang Việt Nam cho biết phía doanh nghiệp đã quyết định mở rộng khả năng sản xuất, thuê thêm 7,7ha đất và xây dựng nhà xưởng mới với tổng diện tích xât dựng là 200.000m2, dự kiến giá trị sản xuất sẽ vượt quá 600 triệu USD và số lượng nhân viên sẽ tăng lên 10.000 người. Theo vị này, ngành công nghiệp điện tử ở khu vực miền Trung vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên công ty không tuyển dụng đủ kỹ sư để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
“Trong vài năm qua, số kỹ sư địa phương mà công ty đã tuyển dụng và đào tạo vẫn không đủ để hỗ trợ sự mở rộng quy mô của công ty. Do đó công ty mong muốn tỉnh Quảng Nam hỗ trợ việc tuyển dụng chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng cần thiết trong việc xin cấp visa thương mại, giấy phép lao động và các thủ tục liên quan đến bảo lãnh lao động nước ngoài”, ông Văn kiến nghị.
Ngoài ra, ông Văn cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ trong công việc xây dựng nhà ở công nhân, chuyên gia gần KCN Điện Nam – Điện Ngọc để thu hút lực lượng lao động cần thiết cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Đặc biệt, là cần thêm nhiều chính sách thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài phát triển mạnh mẽ tại tỉnh.
Tương tự, ông Steve Wolstenholme – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cam kết phía doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD vào giai đoạn 2 dự án trong hai 2. Qua đó, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng Quảng Nam trở thành điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.
“Tôi mong muốn tỉnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như các thủ tục phê duyệt dự án để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thu hút thêm nhà đầu tư đến Quảng Nam”, ông Steve Wolstenholme nói.
Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp FDI mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành với Quảng Nam để thực hiện mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Tại đây, ông Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu tháo gỡ các kiến nghị của doanh nghiệp, những vấn đề vượt thẩm quyền, tham mưu cho UBND tỉnh phương án cụ thể. Đặc biệt, Chủ tịch Quảng Nam cũng khẳng định chính quyền địa phương sẽ tích cực hơn nữa trong hoạt động đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
“Quảng Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp FDI phát triển. Các doanh nghiệp hãy thông tin cho tôi nếu xảy ra tình trạng cơ quan, sở, ngành gây khó dễ. Hạn chế mức thấp nhất và không có chi phí đầu tư không chính thức, để tạo môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thật tốt”, ông Dũng lưu ý.
Cũng theo Chủ tịch Quảng Nam, địa phương đã và đang tập trung vào triển khai thực hiện Luật Đất đai mới và các sở, ngành đang tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản cụ thể để triển khai Luật Đất đai. Đồng thời, ông Dũng cũng chia sẻ các doanh nghiệp khi đầu tư trên địa bàn cần đảm bảo quy định của pháp luật, tuân thủ các điều kiện về đảm bảo môi trường, phát triển gắn với chăm lo đời sống của người lao động,…
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Quảng Nam đã cấp mới 10 dự án FDI, vốn đăng ký 134,85 triệu USD. Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp FDI đã đóng thuế cho địa phương 983 tỷ đồng, giải quyết 57.000 lao động tại Quảng Nam.
Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 201 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 6,356 tỷ USD.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn